THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Năm, 1 tháng 4, 2010

Hồn nhạc Trịnh trên tương giao tiềm thức Huế ...

Người thành cổ Quảng trị
Truyện ngắn
Thời gian tương đối hoặc tuyệt đối cứ vẫn là nỗi ám ảnh mênh mông, khắc khoải chưa bao giờ chịu ngủ yên trong tiềm thức nhân loại. Bởi lẽ thân phận con người đan bện vào trong từng lát cắt bí hiểm ấy. Những lát cắt trích ngang giữa một dòng trôi về vô tận. Dòng chảy của thời gian. Thao thức thời gian nói rộng - hay hẹp, thực tế hơn - cũng chính là thao thức về thân phận, mệnh vận của con người. Có thể minh chứng sự tiếp diễn thao thức kia bất chấp lịch sử tiến hóa qua mọi nền văn minh. Khác chăng là con người thẳng thừng đối diện nó hay tự lừa dối tiềm thức bằng tìm cách lãng quên. ứng với mỗi nền văn hóa khác nhau, mỗi cách thể hiện thao thức ấy cũng không hề đồng bộ.
''Hoành sơn thất đái vạn đại dung thân'' Thoại đầu của một cộng đồng Thuận Hóa trong tiềm thức xa xôi, truyền thống... Họ thao thức thời gian theo một thể cách riêng. Câu nói làm một trong những tiên đề hoài thai nên bản sắc văn hóa nơi đây.
Hành trang cùng "thoại đầu'' Nguyễn Bĩnh Khiêm, từ phương bắc tổ tiên người Thuận Hóa lên đường nam tiến. Mở ra cuộc di dân lập nghiệp vĩ đại mang tính chiến lược trong lịch sử. Câu nói như một phép lạ khai mở nguồn năng lực vô biên. Khi dừng lại, đối diện miền đất hoang vu cũng là lúc họ bắt đầu cuộc chiêm nghiệm mới với thời gian. Tính ít nói của người Huế thường đi đôi với chiêm nghiệm, là bản chất cố hữu đã được cưu mang trong tiềm thức ngay từ đó...
Ai trải qua cuộc nhân chứng lâu dài, phức tạp giữa thời gian và đất trời xứ Huế mới thấy rằng ở rốn đất miền Trung này, không như dòng Hương giang đầy thanh thản - lại là nơi dồn dập truân chuyên và vô vàn chuyển biến. Những chuyển biến đặc biệt khó tồn tại ở một nơi nào khác nó. Khởi đi từ Ô, Lý thuở nào... Đến cuộc dong ruổi về nam của họ Nguyễn. Tiềm thức Huế đã chuẩn bị cho bao sự cố khôn lường. Trong đó còn canh cánh nỗi niềm thiên tai bão lụt... “Ô châu ác địa" - đất trích - chốn lưu đày một thời cho những thân phận không may. Hai trăm năm phân tranh Trịnh - Nguyễn. Mỗi bên bờ sông Gianh mang một tâm thế khác nhau. Cuộc giằng co không lấy gì lường trước được thịnh, suy giữa Nguyễn Tây Sơn và Nguyễn ánh ? Lịch sử đi qua và lịch sử sẽ trả lời, song mệnh vận và thời gian không đợi chờ ai cả. Vì thế, đã hẳn người Huế lo xa và ít nói nhưng thể hiện nhẹ nhàng, điềm đạm. Họ thuộc về bản chất của trầm tư và chiêm nghiệm...Thân phận, mệnh vận luôn là câu thoại đầu không hề ngừng lên tiếng hỏi tâm tư. Sự nhạy cảm đặc biệt về thời gian của con người Huế trở thành bản sắc. Chiêm nghiệm để tĩnh tâm và tĩnh tâm giúp tự mình chiêm nghiệm lấy... Phép biện chứng đã ăn sâu trong tiềm thức Huế. Có gì tương tự hồn nhạc Trịnh ở đây chăng? Rất khế hợp. Từ đó mênh mông một nỗi niềm "cô đơn không thể nói". Cô đơn trước thời gian và mệnh vận của con người...Thân phận!
Qua nhạc Trịnh, bạn có thể "quen Huế" nhiều hơn - dẫu có khi - vẫn chưa từng đến Huế. Tiềm thức Huế tự nhiên đã chan hoà trong hồn nhạc của ông. "Hạt bụi nào, hoá kiếp thân tôi để một mai vươn hình hài lớn dậy"
Thao thức nào? Khi chợt "Đêm nghe tiếng khóc cười của bào thai"
Có thể cảm nhận chăng? Dòng chảy thân quen - dòng sinh mệnh - nhưng cũng mù mịt đến - mù mịt đi kiểu "Đêm thấy ta là thác đổ". Ông đã nói về loại hình thông tin cố hữu của đất trời. Thông tin thường tình nhất nhưng dường như vẫn cứ mới giữa đại gia đình nhân loai. "Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người".
Dẫu sao, hãy coi đó như một niềm hy vọng mới vì tất cả nhân loại đều phải sống mỗi ngày "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng". Trịnh không đại ngôn, ông trước hết tự nhắn nhủ lấy mình "Người ngồi xuống nghe tiếng ru. Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ" hay "Người hãy nhớ mang theo hành trang qua khung trời vắng chân mây địa đàng". Đấy là lúc " Đường trần rồi khăn gói mai kia chào cuộc đời nghìn trùng cơn gió bay". Dù là "gió bay, gió cuốn đi" chăng nữa...Gió vẫn luôn tồn tại. Gió vẫn chuyển dịch hồn nhiên ngay giữa đời này và không ai cầm giữ được. Vì thế gió thay người ở lại chốn trần gian. "Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…". Những tư tưởng ấy đi về tương giao nào trong tiềm thức Huế? Đấy chính là nỗi ám ảnh đậm đặc về thân phận, mệnh vận của kiếp người. Một phần "mã khoá" để mở ra mối tương giao khắng khít mà nhạc Trịnh đã kết tinh từ lòng văn hoá Huế.
Ấn tượng về thời gian xuyên suốt ca từ nhạc Trịnh. Chỉ trong một câu có thể gặp gỡ đủ bốn mùa "Rồi mùa xuân không về, mùa thu cũng ra đi, mùa đông vời vợi, mùa hạ khói mây”. Đấy là "phông" màu rất đa sắc để nổi bật lên trên đó... Hoạt cảnh "con rối thân phận" mà các sợi dây nối buộc chúng - như chiêm nghiệm Trịnh Công Sơn - vốn đến từ hoang vu và vô tận.
"Tiếng muôn trùng" nào? Ra sao? Đấy là thứ tiếng có thực, không riêng gì Trịnh Công Sơn mà tự nó đã âm vang lâu dài trong tiềm thức của Huế. Chỉ cần một đêm nghe mưa trong ngôi nhà vườn lặng lẽ... Còn nữa, thêm một cõi lòng không xô bồ, đầy lắng dịu trước thời gian... Đó là lúc người ta sẽ được nghe thứ ''thoại đầu'' kia lên tiếng. Thoại đầu của thời gian...
Nhưng còn quan trọng hơn tất cả là thái độ sống, sau biết bao miệt mài chiêm nghiệm ấy. "Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn đời, tạ ơn người”. Trọng nghĩa, nặng tình nhưng không hề ảo tưởng trước thời gian. Đi tìm cái đẹp song đồng thời là chiêm nghiệm sự mong manh của nó... Và “Đóa hoa vô thường" là bi kịch lớn của những con mắt tinh anh, thấu thị chuyện đời. Bi kịch chứ không là thảm kịch. Bi kịch của thời gian. Có những nét đẹp mà khi tìm gặp cũng là lúc thời gian xác lập một hiện thực vô thường "Vừa đến nơi chia lìa". Cuối cùng còn lại gì trong nhạc Trịnh Công Sơn?
Là cái Tâm bao dung, chứa đựng đuợc rất nhiều... Bởi trước hết, cái Tâm không chấp trú một nơi nào. Cái Tâm buông xả tự ngã, lúc đã thấy rõ bi kịch thời gian từ vô thủy đến vô chung. Tâm vô trú nhà Phật.
Khi chập chùng giữa muôn ngàn phiền ngộ của mệnh vận khóc cười, giữa các thái cực chông chênh khổ đau và hoan lạc, giữa đong đưa của con lắc thành công, thất bại. Giữa mỏi mệt đến và đi... Cần cái Tâm trầm lắng để không thấy ngữa nghiêng chóng mặt. Thuộc tính của người Huế phản ánh cái Tâm của cửa thiền như ảnh hưởng bàng bạc lâu đời nơi đây.
Chiêm nghiệm Trịnh Công Sơn, không khác chiêm nghiệm một phần tâm hồn người Huế. Ta sẽ thấy một hình thái nội tâm độc đáo trong nhạc Trịnh, biểu đạt nổi tiềm thức Huế. Sự đối thoại độc thoại - hay tự nói, tự trao đổi với chính mình - như một nguồn vỗ về, động viên và thăm hỏi... “Đừng tuyệt vọng. Tôi ơi đừng tuyệt vọng...'' Đó là sức mạnh nội tâm, là bản lĩnh tiềm tàng khi đối diện với cô đơn. Nội lực và chiêm nghiệm.
Trần Hạ Tháp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét