THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Ba, 20 tháng 4, 2010

Vị tướng Cảnh sát đi qua chiến tranh

Người thành cổ Quảng trị
Thiếu tướng Trương Hữu Quốc, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục nói về những khó khăn của người làm án, đặc biệt là khi bị "đụng chạm" đến người có chức có quyền. Như vụ án Lã Thị Kim Oanh, có lần ông mang hồ sơ đi báo cáo án thì lại gặp Oanh ở nơi ông đến. Oanh còn ra rót nước mời ông. Dẫu vậy ông vẫn kiên quyết: "Trong chiến tranh tớ còn chả sợ chết, bây giờ thời bình đấu tranh với tội phạm tớ đâu có sợ gì…".
Ông lớn lên khi đất nước có giặc ngoại xâm và đi theo cách mạng từ thời niên thiếu, nuôi chí khí của người con đất Quảng Trị anh hùng. Trải qua những tháng ngày sống trong lao tù, người cán bộ An ninh hoạt động trong lòng địch càng thêm dày dạn. Nước nhà thống nhất, người chiến sĩ cộng sản kiên trung năm nào tiếp tục đảm trách nhiều cương vị lãnh đạo.
Là Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, cuộc chiến đấu với bọn tội phạm là hành trình đầy cam go nhưng ông đã hoàn thành xuất sắc. Hơn 50 năm cống hiến, ông đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công và nhiều Huân chương cao quý khác. Ông là Thiếu tướng Trương Hữu Quốc, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục CSND.
Thiếu tướng Trương Hữu Quốc, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.
Cậu học trò giúp mẹ đào hầm nuôi cán bộ
Vào những năm 1957-1958, thời kỳ Mỹ - Diệm ra sức đàn áp phong trào cách mạng ở miền Nam. Tại thôn Phú Long, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, có một gia đình nghèo chỉ có hai mẹ con ở nhà. Người mẹ ngày ngày chăm chỉ làm vườn trồng rau, còn cậu con trai mỗi buổi đi học về lại ra vườn giúp mẹ. Mấy ai biết, đó chỉ là bề ngoài để che đậy những đôi mắt cú vọ của bọn địch. Mấy ai biết, dưới những vườn rau xanh tốt mượt mà kia là những căn hầm bí mật, những cán bộ cách mạng kiên trung đang hoạt động trong lòng địch và được mẹ con họ nuôi giấu.
Gia đình ấy có người chồng hoạt động cách mạng đã bị địch bắt tù đày, người vợ ở nhà chăm bẵm ruộng vườn, người con trai cả đã ra Bắc tập kết, cậu con trai thứ là Trương Hữu Quốc, 14 tuổi. Quốc bí mật thông báo cho các chú cán bộ ở dưới hầm bí mật những thông tin quan trọng về phong trào cách mạng, về tình hình địch mà Quốc đã thu thập được lúc đi học. Cứ như thế, hai mẹ con Quốc đã trở thành cơ sở tin cậy của cách mạng hoạt động trong lòng địch suốt nhiều năm liền.
Cho tới khi luật 10/59 của chính quyền Ngô Đình Diệm ra đời, chúng lê máy chém đi khắp nơi đàn áp đẫm máu thì những căn hầm bí mật của mẹ con Quốc càng liên lạc khó khăn hơn. Mỗi ngày Quốc một lớn và trưởng thành, là "tai, mắt" của tổ chức cách mạng và là thành viên cốt cán trong 15 thành viên hoạt động hợp pháp trong lòng địch núp dưới phong trào học sinh, sinh viên. Năm 1962 thì 15 thành viên này bị bắt gần hết, Trương Hữu Quốc cũng bị địch bắt giam 15 tháng ở nhà lao thị xã Quảng Trị.
Bây giờ, Thiếu tướng Trương Hữu Quốc rùng mình nhớ lại: "Có những lần chúng trói chặt tôi lại treo lên trần nhà, cho nước ớt, xà phòng vào mũi, họng tra tấn bằng điện, nhưng cũng chẳng thu thập được gì ngoài sự im lặng. Tra tấn mãi mà vẫn chẳng thu được gì, cuối cùng chúng đành phải thả tôi ra".
Như chim sổ lồng, ông hoạt động càng hăng say hơn, được tổ chức điều động về Ban An ninh huyện Hải Lăng. Nhiều cơ sở bí mật được Trương Hữu Quốc xây dựng để nắm tình hình, tìm quy luật đi lại của những tên ác ôn để triển khai kế hoạch tiêu diệt. Sau khi ra tù, ông đã cùng đồng đội diệt hàng chục tên ác ôn nợ máu với đồng bào.
Tổ trưởng trinh sát điệp báo mưu trí
Nhiệm vụ cách mạng ngày càng nặng nề, Trương Hữu Quốc được giao làm tổ trưởng trinh sát điệp báo của Ty An ninh Quảng Trị. Ông đã xây dựng được 60 cơ sở trong thị xã. Đã huy động phối hợp đồng bộ trong cuộc biểu tình đông nhất trong lịch sử thị xã Quảng Trị là 12 ngàn người tham gia, giương cao khẩu hiệu "Đả đảo đế quốc Mỹ, đả đảo Thiệu - Kỳ".
Ông đã tham gia mũi chính tiến công vào căn cứ La Vang, đánh vào Ty Cảnh sát quốc gia, mở lao xá Quảng Trị giải cứu cho 260 cán bộ ta ra vùng giải phóng an toàn… Chiến trường Quảng Trị năm 1967 vô cùng ác liệt, Mỹ tiến hành xây dựng hàng rào điện tử Mc Namara. Trương Hữu Quốc được giao mũi trưởng địa bàn, phải tổ chức hoạt động trong nội thị, xây dựng mạng lưới cơ sở bí mật...
Sau Tết Mậu Thân 1968, tình hình Quảng Trị, đặc biệt là thị xã Quảng Hà vô cùng ác liệt, ở đâu cũng có xe tăng cày xới, từng mảnh đất nơi này đều có dấu chân lính Mỹ. Trương Hữu Quốc và lực lượng An ninh thị được giao nhiệm vụ bám trụ các địa bàn chiến lược và phải biết dựa vào dân để hoạt động.  Từ cuối năm 1968 đến đầu năm 1972, ông đã chỉ huy lực lượng biệt động, trinh sát vũ trang thọc sâu vào hậu cứ địch tiêu diệt nhiều tên ác ôn khét tiếng.
Ông vẫn nhớ khi trực tiếp chỉ huy trận đánh vào trụ sở ngụy quyền xã Hải Lệ, thuộc khu M thị xã Quảng Trị vào tháng 6/1971. Khoảng 8h sáng, Trương Hữu Quốc cùng ba đồng đội tổ chức mật phục. Nhân lúc bọn ác ôn đang chuẩn bị đi đàn áp, tổ biệt động đã phát nổ giết chết tên Thông xã trưởng, tên Duyệt xã phó phụ trách an ninh và 3 tên ác ôn khác. Bị địch phát hiện nhưng tổ biệt động đã mau chóng rút lui và được nhân dân che chở đùm bọc rút lui an toàn. Những năm tiếp theo tụ điểm đàn áp này cũng bị tiêu diệt. Chúng không củng cố được tuyến chốt án ngự quân ta tiến vào thị xã.
Tháng 3/1972, Tổ trưởng biệt động thị Trương Hữu Quốc nhận lệnh khẩn cấp đến căn cứ dã chiến CK1 gặp đồng chí Lê Trọng Tấn, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và nhiều cán bộ cao cấp khác để báo cáo chi tiết về các căn cứ quân sự mà Công an thị xã Quảng Trị, biệt động thị đã thu thập được. Đồng chí Lê Trọng Tấn đã biểu dương ông và chỉ thị phải tiếp tục nắm chắc tình hình, giúp cho cuộc tấn công giải phóng Quảng Trị thắng lợi…
Ông đã trở thành một cán bộ An ninh vững vàng, tổ chức các lực lượng chiến đấu trong lòng địch và được giữ chức Bí thư cán sự Thị ủy Quảng Trị, tiếp tục chỉ đạo các kế hoạch đánh địch cho đến cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.
Vững vàng trên mặt trận Bảo vệ ANTQ
Đất nước hoàn toàn giải phóng, mảnh đất Quảng Trị đã thanh bình nhưng nhiều đồng đội của ông đã hy sinh, một số cán bộ trong tổ biệt động đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ông trở thành cán bộ cốt cán của lực lượng Công an: Từ Trưởng Công an huyện Hải Lăng; Phó giám đốc, Bí thư Đảng ủy Công an tỉnh Bình Trị Thiên; Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị. Tạm biệt đất Quảng yêu thương, ông ra Hà Nội đảm trách cương vị mới: Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu Cần; Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.
Gần 10 năm đứng đầu lực lượng Cảnh sát, những cán bộ từng gần gũi với ông nhận xét rằng, ông là một người cương trực, thẳng thắn, khiêm tốn, chịu khó học tập và luôn giữ gìn đoàn kết nội bộ… Chỉ từng ấy lời cũng đủ thấy trong ông là một người cầm quân bản lĩnh.
"Dấu ấn gì để lại khi ông làm Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát". "Dấu ấn thì có nhiều, những chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, nhiều vụ án lớn đã được khám phá. Chẳng hạn như vụ án Khánh trắng, Phúc bồ, băng nhóm Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh, Mường Tè (Lai Châu), những vụ án ma túy lớn …" - ông trả lời dứt khoát.
Tôi thấy, ông là người ít nói nhưng những gì đã nói là rất sâu sắc. Ông nói về những khó khăn của người làm án, đặc biệt là khi bị "đụng chạm" đến người có chức có quyền. Hay như vụ án Lã Thị Kim Oanh, có lần ông mang hồ sơ đi báo cáo án thì lại gặp Oanh ở nơi ông đến. Oanh còn ra rót nước mời ông. Quả thực là trăn trở qua nhiều đêm mất ngủ, ông bộc bạch với đồng nghiệp: "Trong chiến tranh tớ còn chả sợ chết, bây giờ thời bình đấu tranh với tội phạm tớ đâu có sợ gì…".
Ông bảo, không ngủ được vì day dứt, tội phạm tinh vi và ranh mãnh quá, chúng đội lốt và câu móc che chắn rất kỹ càng, chúng còn dùng cả tình và tiền mua chuộc, người làm án phải tinh thông và phải có bản lĩnh thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét