THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2010

Người đánh bom sân bay quân sự Biên Hoà năm 1972

Người thành cổ Quảng trị
(QT) - Tôi gặp ông trong đoàn cựu đoàn viên các cơ quan Dân Chính Đảng Trung ương Cục miền Nam hành hương về Quảng Trị. Khuôn mặt hiền lành, tóc trắng, dáng người to cao vừa đi, vừa gọi điện thoại, ông quay người hỏi thăm về “Đại lộ kinh hoàng”. Tôi chỉ đường cho ông và rồi trong khi nói chuyện, tôi phát hiện ra ông vốn là một nhân viên kỹ thuật sân bay, người được ta cài vào không quân ngụy làm công tác địch vận, người đã đặt bom làm nổ tung sân bay quân sự Biên Hòa năm 1972 – ông tên là Nguyễn Văn Thôn quê ở xã Bình Phú, Cai Lậy, Tiền Giang.

Ông cười thật hồn nhiên kể cho tôi nghe: “Có đận, tui đu theo máy bay tiếp vận ra tận sân bay Ái Tử, nghe tiếng “đại lộ kinh hoàng” ta và địch “quần” nhau dữ lắm, định đi coi chơi, nhưng pháo mặt đất của Việt Cộng bắn rát quá trời, may tui đu cầu thang bay “zô” kịp chớ! Nên giờ phải hỏi coi “đại lộ kinh hoàng” ở đâu”.

 
 Ông Nguyễn Văn Thôn thắp hương tưởng niệm tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9.

Sau trận đánh oanh liệt một mình làm nổ tung cả sân bay Biên Hòa, sân bay quân sự lớn nhất miền Nam thời bấy giờ, vào ngày 9/9/1972 mà báo chí ở Sài Gòn lúc đó cho rằng sân bay bị pháo kích, năm 1974, ông Nguyễn Văn Thôn được Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam tặng thưởng Huân chương Thành đồng hạng Nhì vì đã có thành tích xuất sắc tiêu diệt và làm bị thương 500 tên địch, phần lớn là sĩ quan, lính lái máy bay, nhân viên kỹ thuật, phá hư trên 200 máy bay các loại, gây thiệt hại nặng các cơ sở kỹ thuật, khu bảo trì máy bay, phương tiện, cao ốc của Sư đoàn 3 không quân ngụy cùng hệ thống phòng thủ phi trường, hệ thống phòng thủ điện tử...

Trước đó, vào cuối năm 1970, Nguyễn Văn Thôn (Hai Thôn) tính đi bộ đội thì gặp đồng chí Đỗ Trung Dũng (Tư Dũng) lúc đó là đội phó đội binh vận không quân của Ban binh vận Trung ương Cục miền Nam đang về Bình Phú (Cai Lậy, Tiền Giang) tìm người cài vào tổ chức địch. Hai Thôn to con, lanh lợi được chọn ngay. Tháng 2/1971, Hai Thôn gia nhập quân đội Sài Gòn và “học nghề” tại sân bay Tân Sơn Nhất do các chuyên viên vũ khí Mỹ dạy. Sau 2 tháng huấn luyện, Hai Thôn chính thức trở thành binh nhì của không đoàn chiến thuật 23, Sư đoàn 3 không quân, làm việc tại sân bay Biên Hòa.

Sân bay Biên Hòa là căn cứ của Sư đoàn 3 không quân Sài Gòn và không đoàn kỹ thuật tiếp vận, bảo trì, sửa chữa máy bay các loại cho toàn miền Nam. Hàng ngày, tại sân bay thường xuyên có khoảng 300 máy bay các loại xuất kích. Sân bay được bảo vệ bên trong bởi một tiểu đoàn an ninh, bên ngoài là nhiều lớp hầm hào kẽm gai, gài sẵn lựu đạn, mìn... “Với mục đích phải đánh cho được sân bay Biên Hòa, đã có rất nhiều đặc công của ta vào trinh sát địa bàn, vậy nhưng chưa thành công như mong muốn, hơn nữa nhiều chiến sĩ của ta đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ này” – Ông Hai Thôn nhớ lại.

Để tạo vỏ bọc tốt, theo chỉ đạo trực tiếp của Tư Dũng, Hai Thôn để vợ con ở lại quê, thuê một căn nhà nhỏ trước cổng sân bay. Người liên lạc truyền đạt chỉ thị trực tiếp của đơn vị cho anh là chị Sáu Ánh, vợ anh Tư Dũng, giả làm người bà con xa của anh. Ngay những ngày đầu tiên này, với mục đích mở rộng các mối quan hệ thân quen trong sân bay, Hai Thôn bắt đầu tìm cách kết thân với bọn an ninh, mật vụ sân bay và cả những tên trực tiếp phụ trách.

Bà Sáu Ánh hồ hởi kể: “Hai Thôn đẹp trai, phóng khoáng, chịu chơi nên kết thân với tụi nó dễ ợt à! Chú ấy làm việc rất cẩn trọng nên không có đứa nào nghi ngờ”. Bà Sáu làm liên lạc trong đường dây của Ban binh vận Trung ương Cục miền Nam suốt mười mấy năm cho đến ngày đất nước thống nhất, bây giờ đã nghỉ hưu, cũng đã gần 70 đang sống tại thành phố Biên Hòa.

Đầu năm 1972, Hai Thôn chính thức làm việc trong toán trang bị bom đạn cho máy bay. Nhiệm vụ cách mạng giao cho anh lúc này là tìm hiểu kỹ mọi mặt tình hình, đồng thời, nhanh chóng nắm thông suốt toàn bộ khâu trang bị bom và hỏa tiễn cho máy bay chiến đấu của chúng tại sân bay Biên Hòa. Theo lời chị Sáu Ánh, Hai Thôn phải tìm mọi cách làm sao cho mọi qui định trong sân bay ngày càng lỏng lẻo đi. Ví như, lúc đầu đi lãnh bom phải có 2 người, hồi sau chỉ còn 1, cứ riết vậy rồi bọn lính gác cũng thành quen, có như vậy ta mới dễ dàng đánh chúng.

Hai Thôn kể: Tháng 5/1972, chị Sáu Ánh dưới quê mang lên một giỏ chất đầy trái cây, phía dưới đáy giỏ là 1 kg chất nổ C4. Tư Dũng lại đưa tiếp cho anh gần chục kíp nổ hẹn giờ, mỗi kíp lớn bằng đầu cây bút bi có chứa a xít, chỉ cần cắn nhẹ đầu kíp, a xít chảy ra ăn mòn lò xo, làm lò xo đứt, kích hoạt kíp nổ phát huy tác dụng. Thời gian kích hoạt là một tiếng đồng hồ, đủ để Hai Thôn rút lui an toàn.

Hai Thôn bắt đầu nhiệm vụ bằng việc nhét chất nổ C4 vô ống kem đánh răng rồi tìm cách đặt chất nổ đã chuẩn bị sẵn vào bom cũng như cách lắp đặt kíp nổ nhanh nhất. Đầu tháng 9/1972, Hai Thôn trình bày phương án đánh bom với cấp trên và được cấp trên lúc bấy giờ là Đội trưởng Trần Lệ Quân (Tư Cao) chấp nhận phương án đặt thuốc nổ vào các ụ bom vì sức công phá sẽ rất mạnh.

Hơn nữa, đó là nơi Hai Thôn làm việc hàng ngày và gần cơ quan chỉ huy các phi đoàn, nhà kho sửa chữa máy bay...Để đặt thuốc nổ vào đầu quả bom phải tháo nắp nhựa gắn trên đầu quả bom ra trước. Vì vậy, trước đó, Hai Thôn bày tụi lính tháo nắp nhựa gắn trên đầu bom ra bán xài để ngừa nếu anh bị bắt gặp khi tháo nắp sẽ tránh được nguy hiểm.

Sáng 9/9 là chủ nhật nên việc kiểm soát khá lỏng lẻo trong khi số bom đạn dự trữ “chưa khi nào nhiều bằng” như cách nói của Hai Thôn. Chuẩn bị hành động thì Hai Thôn may mắn bắt gặp một người tài xế quen nhờ anh lái xe giùm để anh ta về nhà. Hai Thôn nhận lời rồi lái xe đến ụ bom với ống kem đánh răng chứa thuốc nổ và kíp nổ. Sau 3 phút thao tác, thuốc nổ và kíp nổ đã được kích hoạt. 8 giờ 7 phút, Hai Thôn ung dung ra khỏi sân bay, rủ một người làm chung toán lắp bom ra quán uống cà phê để tránh bị nghi ngờ rồi trở về nhà.

Đúng 1 tiếng đồng hồ sau, một tiếng nổ dậy trời làm rung chuyển cả thành phố Biên Hoà, khói lửa ngút trời. Ba ngày sau, Hai Thôn bị an ninh Sài Gòn gọi lên lấy lời khai. Anh không hề sợ hãi lúng túng nên trả lời rành mạch những thứ đã chuẩn bị sẵn. Sau mấy lần bị hỏi tới, hỏi lui, Hai Thôn và người bạn cùng uống cà phê với anh trước giờ bom nổ đã được khen là “những quân nhân có trách nhiệm” vì đã có mặt kịp thời vào cứu nguy và dọn dẹp sân bay.

Ông cười tủm tỉm: “May mắn cho tui vì tất cả bọn lính biết mặt tui có mặt tại sân bay hôm đó đều chết sạch, không sót thằng nào, nếu không làm gì được ra tới Quảng Trị bây giờ chớ!”
Suốt mấy ngày cùng đoàn cựu đoàn viên Dân Chính Đảng Trung ương Cục miền Nam hành hương về Quảng Trị, vẫn là dáng đi mạnh mẽ, cử chỉ năng động tự tin, khuôn mặt hiền và kiệm lời của người con đồng bằng sông Tiền, ông Hai Thôn vừa tham gia các hoạt động của đoàn vô cùng nhiệt tình mà vẫn không quên điều hành công việc ở nhà.

Theo lời kể của Hai Thôn, ông tiếp tục hoạt động cho đến năm 1974 thì bị lộ và bị địch bắt đày đi Côn Đảo. Một năm ở nhà đày Côn Đảo không làm nản ý chí của người chiến sĩ mưu trí dũng cảm hoạt động trong lòng địch.

Giải phóng miền Nam, trong đoàn quân trở về từ ngục tù Côn Đảo, đồng chí Nguyễn Văn Thôn nhận nhiệm vụ làm Trưởng ban Kế hoạch quận Tân Bình rồi Trưởng phòng Thống kê - Kế hoạch quận, sau đó làm Phó giám đốc xí nghiệp Vật liệu xây dựng quận Tân Bình, Đội trưởng đội bảo vệ khu Công nghiệp Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh. Ở bất cứ cương vị nào, vẫn là Hai Thôn bản lĩnh và đầy sáng tạo, nhiệt tình và tận tâm.

Năm 2009, nghỉ hưu ở tuổi xấp xỉ 60, ông vẫn nhiệt tình với công tác xã hội, thăm nom bạn bè và những đồng đội cũ, sống mẫu mực, nhân ái. Ông kể với tôi về đội trưởng Trần Lệ Quân năm xưa, về chị Sáu Ánh, anh Tư Dũng... “Họ nghỉ hưu cả rồi nhưng còn mạnh lắm. Chúng tôi thỉnh thoảng lại gặp nhau”.

                       Bài, ảnh: Khánh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét