THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

Đại tướng Nguyễn Quyết:Một thời ngưu lang - chức nữ

Người thành cổ Quảng trị

"Hai ông bà nhìn nhau cười, tiếng cười giòn tan vang lên trong yên ả và xanh mướt của cây cối quanh nhà, làm rực thêm ánh nắng vàng của một ngày cuối xuân đang trải đều trên hai mái đầu bạc...".
Là người anh cả của 8 vị tướng xuất thân từ quê hương Kim Động, Đại tướng Nguyễn Quyết không chỉ thành danh trong binh nghiệp mà còn kinh qua những trọng trách từ Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị rồi tới Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (tương đương với chức danh Phó Chủ tịch Nước hiện nay).
Ở bất cứ cương vị nào ông cũng để lại những dấu ấn đậm nét của một vị lãnh đạo đầy quyết đoán và sáng tạo. Trong phòng khách ngôi nhà giản dị nằm yên tĩnh trong con ngõ khu phố Yersin cổ kính, xoá nhoà những là quắc thước, là oai nghiêm, Đại tướng Nguyễn Quyết hồn hậu và nồng nàn miên man về những câu chuyện tự ngày xửa ngày xưa...
Trong một cuộc nói chuyện có thể nói là hiếm hoi người nghe may mắn được chứng kiến đủ đầy những tiếng cười sảng khoái, những tiếng thở dài trầm buồn và cả những giọt nước mắt thi thoảng chực trào ra trên khoé mắt vị tướng anh hùng...
Người cần vụ chuyên một ấm trà mạn mới, bày thêm dăm chiếc chén sứ Minh Long trắng tinh, trước khi lui vào phòng trong còn chu đáo dặn tôi thêm một lần nữa rằng sức khỏe Đại tướng từ sau cái đận tai biến mạch máu não năm 1994 đã không còn tốt như trước, ý chừng dặn khách đừng quá ham đà câu chuyện mà khiến ông phải suy nghĩ nhiều.
Chỉ đến khi Đại tướng xuất hiện chào khách, khi câu chuyện đã dần mặn mòi, tôi mới hiểu được nỗi lo lắng của người cần vụ ấy là không thừa bởi sự hưởng ứng nhiệt tình của Đại tướng Nguyễn Quyết trong mọi đề tài.
Dường như cái chất lửa trong ông cho đến ngày hôm nay vẫn chẳng vơi đi chút nào, kể từ những ngày đầu gây dựng cơ sở cách mạng ở thôn Dưỡng Phú, rồi mở rộng ra xã Chính Nghĩa, rồi lan rộng ra cả huyện Kim Động, rồi biến Hưng Yên thành một căn cứ cách mạng ngay sát Hà Nội.
Rồi cũng chính cái chất lửa rừng rực ấy đã đưa ông về làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội trong những ngày phong trào cách mạng đang bị khủng bố trắng, cái thời mà liên tiếp từ năm 40 đến năm 43 có 9 Bí thư người thì hy sinh, người thì bị địch bắt... để rồi Hà Nội rừng rực lửa đỏ, trở thành trái tim của phong trào cách mạng và trở thành địa phương quyết định trong mùa thu năm 1945 lịch sử tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền.
Hầu như tất cả những tháng ngày gian nan vất vả, rồi cả những tháng ngày vinh quang của Đại tướng Nguyễn Quyết đã được bày biện khá đủ đầy trong cuốn hồi ký "Con đường đã chọn" dày trên 500 trang mà ông cùng những cộng sự của mình miệt mài thể hiện trong suốt gần 4 năm.
Nhưng có lẽ những gì ông đã nói ra, cũng như những gì Đại tá Nguyễn Hữu Đức chấp bút vẫn chưa đủ để làm hài lòng sự kỳ vọng những người quan tâm.
Chừng như đã rõ ý khách, Đại tướng cười sang sảng mà rằng đúng là từ trước đến nay, cuộc đời của các vị tướng của chúng ta hiện lên qua những trang hồi ký quả là đã khuyết mất một mảng những trăn trở, những cảm xúc, những buồn vui rất đỗi bình dị mà phàm đã là con người là phải có, bất kể ở chức vụ ở trọng trách nào.
Ông nheo mắt hóm hỉnh đùa rằng có lẽ đó cũng là một phần lỗi ở phía các nhà báo khi chỉ quan tâm khai thác đến những người đi trước như các ông mỗi đận quốc lễ hay kỷ niệm lớn nào đó chứ có mấy ai đến dùng trà với các ông trong những bao nhiêu là ngày thường...
Có lẽ cái mệnh đề "đất nghèo sinh những anh hùng" khi vận vào những danh tướng trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại nói chung, hay vào cụ thể hơn là những vị tướng ở đất Kim Động nói riêng là chẳng sai chút nào.
Nếu như Thượng tướng giáo sư Hoàng Minh Thảo có một kỷ niệm buồn là đến năm 10 tuổi mới được đi học lớp 1 thì Đại tướng Nguyễn Quyết cũng có một kỷ niệm không kém buồn hơn là chỉ duy nhất mình ông được đi học hết lớp nhất trong một gia đình nghèo có đến 10 anh chị em.
Vừa mới biết nhận thức, ông đã phải chứng kiến cảnh "nhìn thấy gia đình lúc nào cũng khóc", đã phải chứng kiến cái cảnh tử biệt sinh ly cũng bởi do cảnh nghèo. Người chị cả lấy chồng, cũng vì nghèo mà 2 vợ chồng phải đi phu cao su ở Tân Thế Giới.
Người chị thứ hai trong cái năm 45 khủng khiếp vì đói đã phải lang thang khắp chốn rồi cũng không biết qua đời ở đâu, lúc nào. Những người anh lớn lên, người thì mất vì bạo bệnh, người thì theo nghề phu phen đi culi cao su ở Campuchia.
Hai người chị trên ông, một người cũng vì cảnh nghèo mà bố mẹ phải ép gả cho người khác, vì không chịu mà bỏ trốn đi tu, sau cũng biệt tích đến giờ chưa tìm được mộ, người còn lại cũng phải đi ở cho nhà địa chủ...
Là một họ nhỏ trong làng, lại còn là dân ngụ cư, tuổi thơ của ông cũng là những tháng ngày sống trong cảnh hà hiếp của đám lý dịch trong làng, chỉ chờ có cơ hội là ném rượu lậu vào nhà dân để báo quan Tây bắt, cho dù những người bần cùng ấy chỉ lần hồi sống qua ngày bằng một gánh hàng xáo, bằng những bát cháo được nấu từ thứ gạo đi mót...
Trong cái cảnh mờ mịt lúc nào cũng thấy đói thấy khổ ấy, mẹ ông đặt hết hy vọng vào cậu con út Nguyễn Tiến Văn bằng cách khó mấy cũng cho ông đi học. Hết lớp nhất, đến khi phải đi trọ học thì gia đình cũng không thể nuôi ông được nữa.
Hết cách, bà cô ruột gửi ông lên chùa Quán Sứ nhờ một vị sư tìm cho chân giúp việc với ý định dần dần sẽ gửi hẳn ông nương nhờ vào cửa Phật. Nhưng trong những ngày làm chân loong toong chạy phát hành cho tờ "Đuốc Tuệ", ông may mắn được tiếp xúc với giới công nhân và giới báo chí văn nghệ sĩ đang chịu ảnh hưởng mạnh của phong trào “dân sinh dân chủ”.
Cũng từ những mối quan hệ ấy, ông được tiếp cận với sách báo của Đảng, được giác ngộ về báo chí cách mạng. Quãng thời gian ấy đủ để ông lần đầu tiên đưa ra một quyết định quan trọng trong đời mình: bỏ con đường tu hành để theo cách mạng.
Cũng chính quyết định hệ trọng ấy đã tặng cho cách mạng một vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, một Chính uỷ Đại đoàn 31, một Chính uỷ Mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng, một Chủ nhiệm Chính trị Liên khu V, một Tư lệnh kiêm Chính uỷ Quân khu III, Bí thư Trung ương Đảng, một Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, một Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước... về sau này.
Một người phụ nữ phúc hậu và mảnh mai yên lặng góp mặt trong cuộc chuyện trò bên bàn nước, thi thoảng mỉm cười hưởng ứng những lời tự sự của Đại tướng Nguyễn Quyết, họa hoằn lắm mới giúp chồng đính chính thêm một vài chi tiết cho rõ ràng.
Còn nhớ vào cuối năm 2005, cuốn hồi ký có tên "Vượt qua thử thách" của nữ tác giả Võ Thị Hoàng Mai, phu nhân Đại tướng Nguyễn Quyết, được xuất bản đã tạo nên một dấu ấn thú vị trong làng tướng lĩnh bởi cả 2 vợ chồng đều viết hồi ký. Đại tướng Nguyễn Quyết dí dỏm thừa nhận về tài viết lách thì bà hơn hẳn ông vì đã từng học đến năm thứ 3 Trường Đồng Khánh tại Huế.
Khi phong trào cách mạng tại Nam Trung Bộ bùng nổ, bà bỏ ngang đi hoạt động cách mạng. Rồi run rủi thế nào hai ông bà lại gặp nhau trong một lớp học chính trị tại Quảng Ngãi khi ông theo đoàn quân Nam tiến.
Đích thân Tướng Nguyễn Chánh khi đó là Chính uỷ Quân khu với mục đích "giữ chân bằng được thằng này ở lại Khu V" đã mai mối cô Phó Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh với chàng Chính ủy Trung đoàn. Nhìn chồng mình đang hạnh phúc hồi tưởng lại những kỷ niệm cũ, phu nhân Đại tướng cũng vui vẻ góp vào mạch chuyện, rằng khi ấy cả 2 người tuy trong bụng đã ưng nhau lắm rồi, nhưng bà vẫn rụt rè vì sợ cảnh ông đã có vợ trước khi Nam tiến như một số người khác.
Biết những băn khoăn của bà, đích thân đồng chí Phạm Văn Đồng khi đó là đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ tại Khu V đã viết cho bà một lá thư riêng, trong đó có đoạn: "Được tin đồng chí xây dựng với đồng chí Quyết, tôi rất hoan nghênh. Đồng chí Quyết là một cán bộ tốt của Hội" (lúc bấy giờ Đảng ta tạm thời rút vào hoạt động bí mật, đổi tên là Cứu quốc Hội). Nghe đến chuyện đó, Đại tướng Nguyễn Quyết cười vang rồi cho biết bí mật ấy đến chính ông cũng không rõ, cho đến mãi đầu năm 1995, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến chơi nhà ông rồi hỏi: "Mình làm mai cho cậu, cậu có biết không?", ông mới ngớ người ra là mình đã "bị điều tra" và "được bảo đảm" suốt chừng ấy năm mà không hay!
Những câu chuyện của Đại tướng và phu nhân miên man qua những vui những buồn, và cũng có thể nói là hiếm hoi khi trong suốt quãng thời gian 40 năm thành hôn cho đến khi bà nghỉ hưu, hầu như hai người thi thoảng mới được gặp nhau.
Bà tập kết ra Bắc, phụ trách công tác phụ nữ tại đất Hưng Yên quê chồng, rồi đến Hải Phòng, ông thì biền biệt qua từng trận đánh này, chiến dịch khác, việc trọng nọ... Phu nhân Đại tướng cho biết bà vẫn đùa với ông trong từng lần gặp mặt hiếm hoi rằng vợ chồng mình cứ như Ngưu Lang - Chức Nữ, một năm được gặp nhau có một hai lần.
Đại tướng nhìn vợ, mắt long lanh xúc động rủ rỉ, vẫn biết là bà ấy vất vả nhiều, nhưng đến khi đọc cuốn hồi ký của bà ấy mà vẫn không sao cầm được nước mắt, mới biết vợ mình vừa nuôi con vừa làm đủ trọng trách, vất vả khổ sở cũng chẳng kém chi mình.
Rồi đến những tháng ngày ông bị bạo bệnh do cú sốc trước sự ra đi đột ngột của người con trai cũng là một cán bộ cao cấp trong lực lượng Hải quân Việt Nam. Bên cạnh chuyện nén đau thương trong lòng, gượng dậy chăm sóc giúp ông vượt qua được sự mong manh giữa sự sống và cái chết, bà còn đảm nhận vai trò là người thư ký cần mẫn bên cạnh ông, giúp ông hồi tưởng và hiệu đính từng chi tiết để cuốn hồi ký "Con đường đã chọn" của Đại tướng Nguyễn Quyết được ra đời.
"Thấy ông ấy từng ngày từng ngày hồi phục, mắt nhìn rõ dần, tai dần dần nghe được là tôi như bớt được bao nhiêu sự oán trách số phận", phu nhân nhìn Đại tướng trìu mến.
Quả thực, phải thấu hiểu nỗi đau lần lượt mất đi 3 người con do mình dứt ruột đẻ ra như những cú đấm của số phận mà bà đã phải chịu đựng, mới thấy được nghị lực phi thường của người phụ nữ mảnh mai ấy, mới thấu hiểu được hai từ "oán trách" mà nhiều khi trong những nỗi đau tột cùng, bà đã phải sử dụng...
...Tiếng đặng hắng và sự xuất hiện của người cần vụ nhắc tôi biết mình vì say chuyện mà đã chiếm quá ngưỡng thời gian tiếp khách của Đại tướng. Hai ông bà hồn hậu và nồng ấm xiết chặt tay, tiễn khách ra tận cửa.
Đại tướng Nguyễn Quyết như sực nhớ ra một ý trong câu chuyện vẫn đang còn dang dở, níu tay khách lại mà rằng nếu có điều kiện tái bản lại cuốn hồi ký của mình, nhất định ông sẽ dành một lời đề từ cảm ơn trang trọng tặng người vợ yêu quý, và lời cảm ơn ấy sẽ được in ngay trên trang bìa phụ.
Phu nhân Võ Thị Hoàng Mai cười thoáng chút bối rối và khẽ kéo tay chồng rồi đưa tay cho Đại tướng vịn vào cho dễ đứng. Xiết chặt tay khách lần nữa, Đại tướng cười mà đùa rằng: Ngày xưa những ngày đầu dựng cơ sở cách mạng cũng phải dựa vào dân; khi địch khủng bố trắng thì cũng lại phải dựa vào dân mà duy trì cơ sở; nay đến khi bạc đầu rồi thì vẫn phải dựa vào dân...
Hai ông bà nhìn nhau cười, tiếng cười giòn tan vang lên trong yên ả và xanh mướt của cây cối quanh nhà, làm rực thêm ánh nắng vàng của một ngày cuối xuân đang trải đều trên hai mái đầu bạc...

Việt Tây


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét