THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2009

Phóng viên chiến trường

Người thành cổ Quảng trị

Phóng viên chiến trường
Những thước phim ghi bằng máu…

TT - Trong tập 3 của bộ phim tư liệu Những hình ảnh chưa được công bố về chiến tranh Việt Nam, tác giả bộ phim đã công bố một chi tiết lạ: “Khi tấn công vào tòa đại sứ Mỹ Tết Mậu Thân năm 1968, Việt cộng đã cho cả một đội quay phim đi cùng đặc công để chuẩn bị quay cảnh đại sứ Mỹ đầu hàng - nhưng việc đó đã không xảy ra”.
Sự thật câu chuyện đó như thế nào? Phóng viên Tuổi Trẻ đã tìm lại những nhân chứng sống...


Hành trang phóng viên: gấp đôi người lính!
Ngày 19-5-1963, sau 90 ngày đêm luyện tập chuẩn bị đi chiến trường B2, nhà quay phim quân đội Trương Thành Hỷ (anh em thường gọi là “Cố Hỷ”) nhận được mật lệnh: lên đường.
Những năm tháng ấy, việc đi chiến trường B2 là một bí mật tuyệt đối, chính tướng Phạm Văn Trà (thời ấy là trung tướng) có ý kiến và đích thân chính ủy sư đoàn 338 Tô Ký phải đứng ra bảo lãnh cho ông Hỷ đi làm nhiệm vụ biệt phái. Ông thuộc thế hệ điện ảnh bưng biền của nhà quay phim nổi tiếng Khương Mễ.
Ông được giao nhiệm vụ vào gầy dựng cơ sở đầu tiên cho Xưởng phim Quân giải phóng, một xưởng phim chuyên ghi lại những hình ảnh chiến sự, những trận chiến, những sinh hoạt quân đội thời chiến tranh làm tư liệu cho mai sau. Trong 30kg hành trang trên vai ông có một chiếc máy quay phim hiệu AK16 của Cộng hòa dân chủ Đức với đầy đủ phụ tùng, một máy ảnh 24x36 và 3.000m phim 16 li.
Ấy là toàn bộ gia sản ban đầu của điện ảnh quân giải phóng. Nó nặng hơn hành trang của bộ binh đến 15kg và sau ba tháng trời ròng rã, vào tới chiến khu Đ vẫn với 30kg của ngày xuất phát.
Tháng 4-1964, phiên hiệu đơn vị B8C362 được thành lập, ngành điện ảnh quân giải phóng ra đời. Những nhà quay phim thời chiến: Trương Trọng Hỷ, Phạm Tranh, Trường Sơn... là những người đầu tiên. Họ mở lớp đào tạo phóng viên, quay phim với tài sản chỉ có hai máy ảnh, hai máy quay phim và vài cuộn phim tư liệu. Anh em có gì học nấy và cái lo lớn nhất là mai mốt về đơn vị, lỡ có cái máy khác thì làm sao xài được?
Ông Lê Thế Thưởng, phó Phòng tuyên huấn miền, phải động viên: “Về nguyên lý, máy của xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đều giống nhau, chỉ khác nhau cái hình dạng mà thôi, các anh yên tâm”. Sự nhấn mạnh này làm những nhà quay phim chiến trường mới vào nghề thở phào.
Họ bắt đầu đi quay và chính mình không bao giờ được thưởng thức những sản phẩm vừa quay xong. Bởi ngày ấy các phim vừa thực hiện xong là có người bảo vệ đến lẳng lặng thu phim bỏ vào hộp và gửi ra Hà Nội ngay. Thậm chí, có những hội nghị như Đại hội anh hùng quân giải phóng lần 2 năm 1967 bảo vệ không cho quay phim, phải có chỉ huy can thiệp mới được.
Ngay cả đại tướng Nguyễn Chí Thanh - sau khi cho quay hình ảnh ông và đồng chí Hoàng Cầm nghiên cứu chiến dịch Bình Giã - đã nói nửa giỡn nửa thiệt: “Các cậu quay xong gửi cho bảo vệ cục, không khéo họ lột lon đó các cậu à!”. Tất cả đều là tư liệu chiến trường, đều là bí mật quân sự và những nhiệm vụ không thể tiết lộ. Ban đầu nhiều người thắc mắc “làm gì mà ghê thế?”. Nhưng rồi Tết Mậu Thân 1968 đến gần, một nhiệm vụ tối mật cũng đến gần…
Tư thế của người lính
37 năm sau, tại ngôi nhà mình ở ấp Nam Thới, Thới Tam Thôn, Hóc Môn, TP.HCM, “Cố Hỷ” - tức nhà quay phim Trương Thành Hỷ - giờ đã là một ông lão 82 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn và đầy ký ức.
Ông chỉ tay ra phía trước nhà để tôi hình dung nơi của Bộ chỉ huy tiền phương chiến dịch Mậu Thân: “28 tết, đại bản doanh của Xưởng phim Quân giải phóng ở Kà Tum vắng teo vì mọi người đã chia thành sáu đội, mỗi đội ba người, theo chân các trung đoàn I, II, III… vào chiến dịch. Bất thình lình, tôi được đồng chí Bảy Thưởng (Lê Thế Thưởng) gọi lên yêu cầu thành lập ngay một tổ gồm tôi - quay chính, anh Thanh Tịnh - phụ quay và anh Phùng Bất Diệt - nhiếp ảnh, phải hành quân ngay về bộ chỉ huy tiền phương, nhiệm vụ cực kỳ quan trọng: “chuẩn bị quay cảnh đại sứ Bunker đầu hàng !”.
Dự kiến Bunker sẽ bị bắt và dẫn giải về bộ chỉ huy tiền phương để tổ chức ghi hình. Trước khi đi, đồng chí Thưởng dặn: “Chuyện này tôi là người thứ nhất biết và anh là người thứ hai, tuyệt mật, không được cho ai biết!”...
Vẫn câu chuyện của “Cố Hỷ”: Không khí chiến sự đã dồn dập khắp nơi. Từ Bưng Rôn, chúng tôi hành quân tức tốc đến 18g mới tới Bến Cát, sau đó băng đồng qua gặp bộ chỉ huy tiền phương ở Tân Phú Trung nhưng sau đó được lệnh: chuyển ngay về Tân Mỹ. Trên đường đi, toàn bộ phim phải để dành, không được quay bất cứ hình ảnh gì, sinh hoạt anh em trong tổ cũng không thể tiết lộ nhiệm vụ tuyệt mật.
Tối 30 tết chúng tôi ăn Tết Mậu Thân trong một căn nhà lá bỏ trống, chờ tin chiến thắng. Sáng mồng 1 địch bắt đầu phản công, máy bay địch pháo kích vào khu vực Tân Mỹ. Rồi tin như tiếng sét ngang tai: đại sứ Mỹ Bunker đã leo lên trực thăng trốn mất rồi! (Thật ra Bunker lúc đó đang ở một cơ quan khác của Mỹ nằm trên đường Pasteur).
Nhiệm vụ bí mật chưa kịp thực thi thì trong đoàn thương binh chạy trở ra có nhà báo Phú Bằng, người được lệnh đón chờ phỏng vấn Bunker. Chúng tôi được lệnh rút lui. Vậy là tổ quay phim trở thành tổ tải thương. Nhà báo Phú Bằng nằm mê man, phụ quay Thanh Tịnh bị thương chuyển về tuyến sau và hi sinh...
“Anh em bộ binh khi chiến đấu có thể ngắm bắn địch ở nhiều tư thế quì, bò, nằm... hoặc dưới công sự thò đầu lên ngắm bắn. Còn người phóng viên khi quay phim, chụp ảnh ở chiến trường, chỉ có một tư thế đứng thẳng bấm máy. Tư thế này rất dễ bị hi sinh, tôi đề nghị các đồng chí quân đội hỗ trợ, che chắn cho anh em phóng viên”.
Phó Phòng tuyên huấn miền Lê Thế Thưởng đã thông báo khẩn xuống các đơn vị tác chiến ngay sau khi Nguyễn Phú Thạnh, phóng viên chiến trường đầu tiên của quân giải phóng hi sinh khi đang đứng thẳng quay phim. Câu chuyện hi sinh của Nguyễn Phú Thạnh mãi về sau vẫn được anh em nhắc lại như một huyền thoại. Đó là trận Đồng Xoài tháng 12-1964, Thạnh là một trong những người quay phim chính trong hai tổ quay phim bám theo các đơn vị quân giải phóng ở vị trí tiền tiêu.
Lúc công đồn, anh bị thương vào phần mềm, băng bó xong đơn vị cho chuyển về tuyến sau nhưng Thạnh xin ở lại để tiếp tục cầm máy. Khi quân giải phóng đón đánh quân tiếp viện địch trên đường số 2, súng nổ, một số chiến sĩ cầm súng còn chần chừ, Thạnh dõng dạc đứng lên tay cầm máy ảnh và hô “xung phong...”.
Mọi người ào lên... Tay máy, chân chạy ngay giữa hai tầm đạn, cảnh xung phong được quay một cách ngoạn mục nhưng Thạnh lại trúng đạn lần nữa. Anh ngã xuống rồi gượng lên tiếp tục quay. Quay đến khi không còn đứng được nữa người phóng viên mới gục xuống cạnh máy quay. Những thước phim chiến trường với cảnh xung phong tấn công địch trên đường số 2 trở thành di vật cuối cùng của nhà quay phim Nguyễn Phú Thạnh.
Năm 1972, chiến dịch Nguyễn Huệ mở màn, các đội quay phim chia nhau theo các đơn vị chiến đấu. Phan Đồng Cam, một quay phim trẻ, đề nghị cho anh theo đơn vị đầu tiên bởi anh quyết tâm phải quay cho được điểm rơi của pháo ta khi tới mục tiêu đồn địch. Anh vốn là công nhân hãng dệt, quê ở Quảng Ngãi, vui tính, cởi mở. Chỉ huy tiểu đoàn đồng ý để anh theo đơn vị mở cửa.
Cam vượt lên trước đội hình, ngó quanh và tìm ra một cây cao. Anh trèo lên. Phụ quay của Cam lúc này là Minh - Minh “cà hét”, sợi dây đeo bên người Cam được thòng xuống cho Minh buộc máy quay đưa lên. 5 giờ sáng, loạt pháo đầu tiên rót xuống đúng chi khu Lộc Ninh, Cam nắm chặt máy trong tay, trong ống kính máy anh hiện rõ mồn một những cột khói bung lên, lan tỏa trong lòng chi khu nổi tiếng. Tiếp tục pháo. Tiếp tục quay.
Rồi đột nhiên người Cam giật mạnh và sựng lại: một viên đạn ghim trúng ngực anh, máy quay phim vẫn ghì chặt trong tay, cả người và máy buông từ trên cao xuống. Thước phim cuối cùng rất rõ. Lộc Ninh giải phóng. Những thước phim này được tráng ngay và đưa vào phim Chiến dịch Nguyễn Huệ dài hơn 300 thước. Phim được chiếu cho đồng đội của Cam xem. Còn anh thì chẳng kịp nhìn lại cảnh quay rực sáng của chính mình...

Tư liệu mật về đặc công Rừng Sác

TT - Tháng 7-1967, đạo diễn điện ảnh Hà Lan Joris Ivens có tặng điện ảnh VN một số máy quay phim chạy dây cót hiệu Paillard Bolex 16mm. Nhà báo kỳ cựu Đỗ Trọng Hội được nhận một máy để quay Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn Miền lần 2.
Sau đó chiếc máy này trở thành “quyển nhật ký” sinh động cho ra đời những thước phim độc nhất vô nhị về một lực lượng đặc biệt của quân giải phóng ngay sát nách Sài Gòn: đặc công Rừng Sác!


Hai trăm bảy mươi ngày với Rừng Sác
Sau đại hội anh hùng, Đỗ Trọng Hội tháp tùng cùng ông Lương Văn Nho (Hai Nhã, phụ trách tham mưu Miền) về chiến khu Rừng Sác. Mọi người gom hết số lượng phim “nê” còn lại sau đại hội giao cho Đỗ Trọng Hội.
Giải thích lý do tại sao lại chọn Rừng Sác Cần Giờ, một nơi mà chỉ mới nghe người ta đã rùng mình huống chi là đối với một chàng trai Hà Nội 29 tuổi đời. Ông Hội, bây giờ đã là ông cụ gần 70 tuổi, nói không do dự về ý đồ của mình: “Thời ấy, Rừng Sác có một sức thu hút quá đặc biệt với tôi, bởi nó là địa bàn mà mọi người chỉ được nghe qua như một huyền thoại, tôi tin rằng nơi đây sẽ có được những tư liệu sinh động về cuộc chiến ngay sát bên cạnh Sài Gòn - thủ phủ của Việt Nam cộng hòa!”.
“Vậy là ôm máy quay tìm đường về Rừng Sác Cần Giờ. Những ngày đầu tiên là những ngày đeo bám theo lực lượng bộ đội ra sông Lòng Tàu quay cảnh đánh tàu Mỹ. Nhưng đó là những trận đánh không thành mà lần nào đi đạn bắn cũng rát cả mặt. Anh Hai Nhã đề nghị lập riêng một tổ bảo vệ phóng viên nằm ở bờ sông phía khác cho đỡ nguy hiểm hơn, tôi lắc đầu: Làm như vậy khác nào mình cản đường rút lui của anh em, giả sử họ đánh tàu xong cứ nấn ná chờ mà không rút được thì sao!
Có lần anh em tổ chức đưa trái nổ nặng hàng tấn thả xuống sông để canh đánh tàu. Trái nổ thả lơ lửng trên sông, mình thì leo lên một ngọn cây đước để chờ quay cảnh tàu nổ. Có tới mấy người bên dưới giữ cây đước để nó đừng lung lay mạnh. Chiếc tàu mặt dựng từ từ chạy qua mà trái nổ thì không nổ, nó bắn đạn bay vèo vèo, anh em cứ ghìm cái cây, mình thì phải ngồi thu lu trên đó, khung hình chỉ thu được chiếc tàu lừng lững đi qua…”. Những ký ức đầu tiên về Rừng Sác là như vậy trong mắt phóng viên chiến trường Đỗ Trọng Hội.
“Con người, cuộc sống ở đây cái gì cũng kỳ dị đối với tôi. Có lần một anh đi trinh sát, phải bơi qua sông Lòng Tàu xem có địch không để phát tín hiệu cho tàu chở vũ khí qua bờ bên kia. Bất thình lình anh phát hiện địch đang thả tàu nằm phục. Phải quay về ngay để báo động. Về tới giữa sông anh gặp cá sấu. Phải dùng dao găm đâm vào miệng sấu và vật lộn thật lâu với nó mới về được bờ bên này. Thuyền chở vũ khí của ta được an toàn.
Đơn vị đề nghị tuyên dương người lính này, tôi chưa kịp quay hình thì anh lại mất trong một lần rửa súng bị cướp cò. Lần khác, tôi ghi lại được câu chuyện xúc động của một anh trong một trận đánh địch bị lạc đội hình 20 ngày sau mới tìm về đơn vị được... Rồi thì tôi cũng quay được trận đánh tàu. Đó là lần tôi ngồi trước một bụi cây trống và lia máy chực theo một chiếc tàu. Anh em nổ súng, nó bốc lên từng bực khói kéo dài trên sông Lòng Tranh.
Quá đẹp, quá tuyệt vời nhưng bỗng dưng tôi nghe lóe cả mặt lên, không còn thấy gì cả, rồi máu ấm ấm chảy dài xuống miệng. Bị thương rồi, không thấy đường đâu cả, chỉ ôm máy mà chạy quàng. Người chiến sĩ bảo vệ chạy đâu không thấy. Đang quờ quạng thì anh ấy quay lại bảo: “Anh cứ bám em, em chạy tới đâu anh chạy tới đó nghen!”.
Nước cứ mập mờ, bùn ngập tới ống chân. Bác sĩ mở ngay một điểm “phẫu tiền phương” cách nơi đánh trận chừng hơn ngàn mét. Chiếc máy quay phim dính đầy máu, may mà phim không bị ảnh hưởng gì…”.
Chín tháng ăn nằm sinh hoạt với đặc công Cần Giờ, chính ủy trung đoàn đặc công đại tá Lê Bá Ước hết cử anh em bảo vệ bám sát rồi lại đích thân xuống xuồng chở Hội đi tác nghiệp. Ngoài mọi thứ, còn một lý do mà không nói ra nhưng ai cũng biết: chỉ cần một chút sơ suất, 12 hộp phim mà Hội quay được với chiều dài hơn 4.500m lọt vào tay địch thì đó là một mối nguy chưa ai lường hết được đối với Rừng Sác Cần Giờ… Những thước phim tư liệu sau này, cảnh đánh tàu, cảnh chuẩn bị đánh kho xăng Nhà Bè... được đưa vào các phim Đường ra phía trước, Chiến thắng xuân - hè 1969...
Đối với nhà báo Đỗ Trọng Hội: “Dù sau này có hàng loạt trận đánh tôi tham gia, từ trận Bông Trang Nhà Đỏ cho tới những trận đánh ác liệt nhất bên đất bạn Campuchia năm 1970 trở về sau... nhưng những hình ảnh về đặc công Rừng Sác Cần Giờ vẫn làm tôi xúc động nhất mỗi khi nhìn lại. Bởi từng con người trong đó, rất nhiều người chưa từng được hưởng một chút hạnh phúc hòa bình, họ đã trở thành những tư liệu của ký ức, thành một phần gắn bó với cuộc đời tôi...”.

Câu chuyện về những tấm hình sau 25 năm
Đại tá Lê Bá Ước nhớ lại cái thời Đỗ Trọng Hội quay phim bị thương máu loang ướt máy và những nỗi lo làm sao bảo vệ được những hình ảnh đặc công không lọt vào tay địch: “Còn một người nữa cũng chụp được những hình ảnh quí giá của đặc công, đó là Văn Sáu (anh Bé Sáu, Sáu Này), không có những tấm hình của anh này thì sự tồn tại của đặc công Rừng Sác Cần Giờ khó có người tin được. Cho đến 20 năm sau ngày giải phóng, những quyển sách viết về chiến công của đặc công Rừng Sác vẫn chỉ là những câu chuyện kể như huyền thoại, khó lòng minh chứng. Nếu không có một hôm tôi bắt được liên lạc với anh Văn Sáu...”.
Văn Sáu là người của Ban tuyên huấn khu ủy miền Đông. Thời điểm anh chụp hình đặc công Cần Giờ là thời điểm chuẩn bị đánh kho xăng Nhà Bè. Chính ủy trung đoàn lúc đó đi đâu cũng “bốc” Văn Sáu theo để anh vừa chụp hình vừa đảm bảo hình ảnh đó không lọt ra ngoài: “Tôi cho ông chụp hình công việc chuẩn bị đánh kho xăng nhưng ông phải đi với tôi” - lời đề nghị cũng là mệnh lệnh bởi nguyên tắc trước trận đánh thì không được chụp hình.
Nhưng có lẽ, hơn ai hết, vị chính ủy trung đoàn biết rõ những anh em mình ai sẽ mất - còn sau hiệu lệnh xung phong, những tấm hình ấy sẽ có giá trị như thế nào cho ngày mai này... Chiến trường ác liệt quá, cán bộ R không tới được, chỉ có thể liên hệ bằng mật mã.
Đó là những ngày tháng Văn Sáu lăn lộn với mảnh đất Rừng Sác Cần Giờ, anh chụp được một tấm ảnh để sau này mỗi khi nhắc về đặc công Rừng Sác không thể nào người ta quên được: đó là cảnh xuất kích đánh kho xăng Nhà Bè, trong tám người lính đặc công khom người xuất kích có hai người không quay trở về sau chiến thắng. Anh chụp được những cảnh phục kích tàu, những cảnh dầm mình chờ địch nhưng có một cảnh mà Văn Sáu bảo anh không bao giờ chụp được.
Nhà nhiếp ảnh chiến trường Nguyễn Đức Chính kể: “Văn Sáu hay kể với tôi câu chuyện anh đã rình biết bao nhiêu lần vẫn không chụp được cảnh đánh tàu. Rừng sác Cần Giờ lúc đó bị chất độc khai quang đốt trụi, mỗi khi tàu chuẩn bị đi, nó cho trực thăng rà không sót một chỗ, sau đó cho nã pháo hoặc bắn vãi đạn dọc rừng cây hai bên bờ. Rất nhiều lần suýt chết vì bám theo đặc công đánh tàu. Rồi một lần anh mạo hiểm leo lên một ngọn cây, căng mắt chờ chiếc tàu mặt dựng.
Sau những quần đảo của trực thăng, sau những loạt đạn chát chúa, chiếc tàu mặt dựng lừng lững tiến vào vùng nguy hiểm. Một tiếng nổ bùng lên, cột khói bốc giữa sông, Văn Sáu cầm chắc máy ảnh, bấm lia lịa rồi đạn bắt đầu vãi ra, anh chỉ kịp nhảy đại xuống gốc cây bên dưới chạy về. Chắc mẩm phen này thế nào cũng được bức ảnh để đời, nhưng tấm ảnh rọi ra chỉ là một màu đen loang lổ, không hiểu phim bị cháy từ lúc nào...”.
Rồi một ngày của năm 2000, 25 năm sau chiến tranh, đại tá Lê Bá Ước lại bắt được thông tin về Văn Sáu. Sau ngày giải phóng, anh về công tác ở ngành văn hóa thông tin tỉnh Bình Dương rồi về hưu, làm vườn đâu miệt Bến Cát. Văn Sáu gặp một đồng đội cũ, nhắn rằng: anh hiện còn giữ được 40 tấm phim chụp hình đặc công Rừng Sác Cần Giờ, nhưng người duy nhất mà ông có thể trao lại là đại tá Lê Bá Ước.
Nghe tin, ông Ước tức tốc lấy Honda chạy ngay về Bến Cát, tìm nhà cháu nội của Văn Sáu và run tay nhận lại những tấm phim với hình ảnh đồng đội thân thương của mình. Phim được phóng ra, được rọi lên, được đưa vào Bảo tàng Rừng Sác, được in thành sách, được dựng thành phim... Những người lính đặc công lúc ấy mới thật sự tìm thấy hình ảnh quá khứ của mình.

Ký ức của “người đưa tin chiến dịch Thành cổ”3

TT - Hàng trăm nhà báo của hai bên chực chờ bên ngoài “túi lửa” Thành cổ Quảng Trị trong chiến dịch 81 ngày đêm kinh hoàng của năm 1972 vì không thể tiếp cận với cái nơi kinh khủng này. Lúc đó, báo chí Sài Gòn đưa tin có hai nhà báo, một nhà quay phim tử trận khi tìm cách xâm nhập Thành cổ.
Máy bay Mỹ cho oanh kích tự do dù bên dưới binh lính của hai phía vẫn đan xen đánh giáp lá cà... Trong bối cảnh ác liệt ấy, có một nhà báo một mình vác máy ảnh đi vào nơi máu lửa. Đó là Đoàn Công Tính - phóng viên chiến trường duy nhất sống sót trở ra từ Thành cổ Quảng Trị. Ký ức lại sống dậy trong ông...


Đường vào cõi chết
Lệnh từ ban biên tập: “Chiến trường quá dữ dội, các đồng chí không được mạo hiểm để vào bên trong Thành cổ Quảng Trị”. Hàng trăm nhà báo chực chờ hàng tuần lễ vẫn không thể vào Thành cổ mà chủ yếu lấy tin bên ngoài, từ các chuyến chuyển thương ra.
Đó là ngày 15-8-1972, bên bờ bắc sông Thạch Hãn nhìn sang phía Thành cổ pháo từ hạm đội 7 của địch giội vào cứ như bắn pháo hoa. B52, trực thăng vũ trang… giội xuống, pháo lớn từ mặt đất bắn lên… tất cả là một bầu trời khói lửa tập trung trên khoảng hơn 1km Thành cổ. Mới ngày nào giải phóng, Thành cổ vẫn còn nguyên vẹn từng bờ tường, góc đất…
Phía bên địch, hai lực lượng tổng dự bị từ Sài Gòn ra, lính dù, lính biệt động lăm lăm khí thế chuẩn bị san bằng Thành cổ... Thương binh chuyển ra ùn ùn, có người bị bom napalm cháy hết da, chỉ còn thịt đỏ lòm, ai yếu bóng vía nhìn vào sẽ mất tinh thần ngay.
Tôi năn nỉ những cán bộ tải thương tìm đường vào trong, họ lắc đầu “không thể!”. Đường giao liên cứu thương chạy ra còn tắc huống hồ gì đường vào. Nhưng rồi tôi cũng tìm được hai o du kích mới từ trong “chảo lửa” ra, một người tên Lệ, 17 tuổi và một người tên Hảo, 20 tuổi. Sau một hồi ỉ ôi năn nỉ, hai cô liều mạng mở đường: “Thấy anh là nhà báo, chúng em tình nguyện đưa vào nhưng phải xin phép chỉ huy”. Tôi tìm gặp bí thư Đảng ủy xã Triệu Thượng, đầu tiên là cái lắc đầu.
Tôi lấy chuyện “chính trị” ra thuyết phục: “Thành cổ mình đang hồi quyết liệt, tôi muốn mô tả tư thế dũng cảm ngoan cường của ta, mà trong ảnh thiếu người nữ du kích sẽ không được hay lắm”. Tới đây thì hai cô Lệ, Hảo thấy tội quá, nói vào: “Chúng em xung phong đi mà, chỉ huy cứ cho anh ấy vào!”. Vậy là ổn rồi. Trước khi lên đường, tôi hỏi lại một lần nữa: “Quyết định dẫn tôi đi có thể là phải gian khổ và hi sinh nữa, các cô có sợ không?”. Hai cô lắc đầu: “Không!”.

Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị
Tôi đã may mắn được gặp lại nguyên mẫu của bức ảnh Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị, một cuộc gặp dù hơi muộn màng nhưng thật cảm động.
Bao nhiêu năm xa cách, tôi cứ ngỡ là người mà tôi chụp trên chiến trường đã chết, ngay cả khi tôi về thăm Quảng Trị, người hướng dẫn viên du lịch lúc giới thiệu bức ảnh người lính đẹp trai với nụ cười sống mãi của tuổi 20 cũng đi kèm với câu: “Thật tiếc, người lính ấy đã hi sinh”.
Chỉ đến khi một người quen phát hiện nhân vật trong ảnh chính là người cùng quê với anh và cho biết hiện anh ấy - Lê Xuân Chinh - đã lên Điện Biên làm kinh tế.
Hóa ra anh Chinh chỉ bị thương sau khi tôi chụp ảnh một ngày, phải chuyển ra tuyến sau điều trị, ngày về kẻ gian móc túi anh lấy hết giấy tờ, cuối cùng không được hưởng một chế độ gì. Đây cũng là một cuộc gặp ý nghĩa, bởi sau đó các giấy tờ của anh được xác minh lại, giờ cuộc sống của anh Chinh cũng tạm ổn.
Tôi thấy hạnh phúc vì đã góp phần nhỏ bé giữ lại hình ảnh của những người lính, một chút kỷ niệm trên đường hành quân hay một nụ cười.
Dù cái nụ cười hồn nhiên, yêu đời và chan chứa sức trẻ của Chinh năm nào - nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị, do một cuộc sống vất vả, éo le nên không thể còn được như xưa nữa, tôi vẫn tin rằng thời gian không làm khác đi sự tự tin yêu đời trong nụ cười của những con người ấy.
ĐOÀN CÔNG TÍNH
Dòng sông Thạch Hãn ban ngày trông hẹp nhưng đêm sao rộng quá, tôi mượn được hai phao cao su của công binh, quí như vàng, tôi đưa cả hai cho hai cô Lệ và Hảo, còn mình bọc balô, súng máy, máy ảnh... nói chung là toàn bộ gia sản vào trong tấm cao su, dốc ngược xuống làm phao bơi. Chúng tôi bơi qua sông cùng với một đại đội của đơn vị phiên hiệu 312 mới từ Bắc vào bổ sung chiến trường. Tôi cố sức đạp nước mà trên đầu đạn vẫn rít liên hồi...
Về bức ảnh Nụ cười Thành cổ
Qua tới bờ bên kia, lại tiếp tục chạy trong làn đạn pháo bắn xối xả vào bất cứ cái gì động đậy bên bờ sông. Tôi lao vào một tầng hầm mà sau này mới biết đó là dinh tỉnh trưởng. Đêm đó, chúng tôi nằm chịu đựng pháo và bom giội vào trong Thành cổ, chốc chốc từng vụn bêtông và khói bụi bay vào ngạt thở vô cùng. Có tiếng rên rỉ đâu đó trong hầm, tôi ngồi dậy lần bước đi tìm. Đó là những người thương binh đang chờ chuyển ra tuyến sau.
Có lẽ không có bất cứ từ ngữ nào để mô tả nỗi khủng khiếp của một nơi như vậy: tôi đã chứng kiến những ca đại phẫu do các y sĩ quân đội thực hiện mà không có một mũi thuốc tiêm gây tê nào, tiếng người gào thét còn to hơn cả tiếng bom. Một ai đó rên rỉ nửa mê nửa tỉnh: “Ôi, B52 lại đến kìa! Tôi đã chết chưa mà chụp hình đó?!”.
Buổi sáng, 6g tôi thức dậy và theo trinh sát ra khỏi hầm. Hai chiếc A 37 lao ra cắt bom gần cổng thành. Anh em lôi ngay tôi xuống hầm. Ngó lại những chiến sĩ không quen, tôi hỏi họ có sợ không, một anh còn rất trẻ cười tươi: “Chúng tôi đã tự nguyện viết quyết tâm thư bằng máu rồi, sợ gì nữa!”.
Một ý tưởng lóe lên trong đầu tôi làm sao để ghi lại một cách “thần” nhất của nụ cười nơi Thành cổ này - bởi ở đó, chỉ có sức mạnh tinh thần là chiến thắng được đạn bom và nỗi sợ hãi. Chụp dưới hầm thì lại không được. Tôi đề nghị anh em chuẩn bị để mình chạy ra ngoài canh máy, hễ tôi vừa canh máy xong, báo một tiếng, mọi người phải ùa lên ngay kẻo máy bay địch thả bom.
Tôi nhổm lên trên cửa hầm, bước ra cách 5m và canh máy rồi ra hiệu mọi người bước ra. Anh em từ từ, người trước người sau nhô lên, tất cả những nụ cười rạng rỡ ấy làm dâng lên trong tôi niềm cảm xúc lạ thường. Tôi run tay bấm máy tức thì... Vừa lúc đó bom địch cắt ngang nụ cười ngay trong khoảnh khắc. Anh em ôm súng xuất kích luôn, tôi ôm máy ảnh lao theo họ bấm liên tục.
Còn hai cô Lệ và Hảo, những nữ du kích dũng cảm đã mở đường đưa tôi vào đây, thì giờ tôi “trả ơn” họ bằng cách bấm mấy kiểu ảnh cho họ ở chân tường Thành cổ nham nhở vết đạn. Đạn vẫn rít trên đầu nhưng họ vẫn nở những nụ cười thật tươi và tự nhiên nhất.
Chụp ảnh xong họ lại hồn nhiên lao vào khói bom tìm kiếm thương binh, tôi cũng chạy hết hầm này đến hầm khác để bấm các kiểu ảnh chân dung chiến sĩ đang giành giật từng thước đất Thành cổ. Với tôi, họ đều là những người anh hùng và những bức ảnh mà tôi có được không thể gọi là bức ảnh thông thường mà là xương, là máu của những người lính.
Ngay tối hôm đó, tuy phải hứng chịu những trận bom, pháo ghê hồn hơn, nhưng đầu óc tôi chỉ tính làm sao chuyển những bức ảnh này ra ngoài, chuyển về Hà Nội để đưa tin cho thế giới biết sự tồn tại ngoan cường của những chiến sĩ anh hùng trong Thành cổ Quảng Trị. Những tấm ảnh này sẽ là những khoảnh khắc không bao giờ lặp lại và những con người trong ấy chưa chắc sẽ còn sống đến ngày mai...
Tôi cẩn thận lấy từng cuốn phim, gói riêng ra và ghi những dòng chữ bên ngoài: “Tôi là phóng viên chiến trường, đây là những cuốn phim chụp tại mặt trận Thành cổ Quảng Trị, nếu tôi có hi sinh, xin gửi về báo Quân Đội Nhân Dân...”.Vì chính tôi cũng không tin rằng mình có thể vượt qua lưới lửa mà trở ra an toàn…
NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét