THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2009

CÔ TÁM THẢO

Người thành cổ Quảng trị

Trầm Hương

Với vẻ đẹp sang trọng, đài các, tiểu thư Mỹ Nhung làm công tác liên lạc, mang tài liệu của nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn từ chiến khu vào nội thành Sài Gòn và ngược lại một cách dễ dàng.


Vì sao một phụ nữ từng tham gia kháng chiến chống Pháp, được kết nạp Đảng năm 1950, được tổ chức đưa về Sài Gòn hoạt động trước Hiệp định Genève mà vẫn giữ được thế hợp pháp trong lòng địch là một câu chuyện dài. Người biết rõ bí mật này không ai khác chính là Đại tá Nguyễn Văn Tào (còn có tên Trần Văn Quang - Tư Cang) - người chỉ huy Cụm Tình báo chiến lược A18, đơn vị được tuyên dương Anh hùng Quân Giải phóng miền Nam.
Tên thật của cô là Mỹ Nhung. Khi hoạt động tình báo, cô lấy bí danh Nguyễn Thị Yên Thảo (Tám Thảo). Mỹ Nhung xuất thân trong một gia đình bán tơ lụa nổi tiếng, gốc làng Nội Duệ Bao, huyện Tiên Du, Bắc Ninh.
Mẹ cô - bà Đào Thị Tư là một cô gái nhà giàu, xinh đẹp vào những năm đầu thế kỷ XX đã dám vượt qua định kiến, lấy một chàng trai ngụ cư. Cha cô - ông Nguyễn Đăng Phong dù là con trai út một ông tú, có học, gia cảnh khá giả nhưng vì từ làng khác đến lập nghiệp nên không lấy được những cô gái sáng giá trong làng, dù các cô thầm ao ước có được người chồng như ông Phong.
Cô Tư lúc ấy đã 22 tuổi, vốn được đi nhiều nơi giúp cha mở rộng việc kinh doanh tơ lụa nên có cái nhìn phóng khoáng hơn những người bạn đồng trang lứa trong việc chọn người bạn đời. Tin cô nhận lời cầu hôn con trai út gia đình “ông Tú ngụ cư” bay nhanh khắp làng. Ngày cưới, cô Tư bị những lời dè bỉu: “Tưởng danh giá lắm, ai ngờ cũng đi lấy thằng ngụ cư”.
Cô Tư không nói gì, lặng lẽ nuôi ý chí làm vinh danh, rạng rỡ gia tộc một người ngụ cư. Cô mở rộng xưởng dệt lụa. Tơ lụa do xưởng gia đình cô sản xuất được đem chào bán khắp các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc.
Những địa chủ nổi tiếng đều chuộng lụa của cô vì vừa đẹp vừa đa dạng mẫu mã, được cung ứng kịp thời, nhanh chóng. Xưởng dệt lụa gia đình cô ngày càng phát đạt. Mải mê kinh doanh, gần ngày sinh mà bà mẹ tham công tiếc việc vẫn đi Lạng Sơn giao lụa cho khách hàng. Bà không ngờ cô con gái thứ 5 "đòi" ra đời sớm hơn nửa tháng. Bà sinh Mỹ Nhung ở Lạng Sơn.
Ông nội cô nghe tin, thương dâu thương cháu đứng ngồi không yên, bắt con trai thuê một chiếc xe hơi đẹp nhất đón hai mẹ con về. Mọi thành viên trong gia đình vui mừng chào đón một tiểu thư cành vàng lá ngọc. Cô được cha đặc biệt cưng chiều. Trong gia đình có đến 6 người làm, cô sinh ra dường như để được hưởng những gì tốt đẹp nhất của cuộc đời.
Từ bé, cô đã được mặc những bộ quần áo bằng tơ lụa đẹp nhất, đeo đồ nữ trang đẹp nhất. Suốt ngày, Mỹ Nhung chỉ học, chơi đùa và đọc sách. Công việc kinh doanh của mẹ cô ngày càng phát đạt. Bà Tư vào Nam, mở thêm cơ sở buôn bán lụa. Bạn hàng của bà là các đại điền chủ nổi tiếng như gia đình Hội đồng Trạch, gia đình chồng bà Lâm Thị Phấn...

Nhu cầu tơ lụa những gia đình này hàng năm nhân lên con số khổng lồ và bà Tư sẵn sàng đáp ứng. Kiếm được nhiều tiền, bà gửi về Bắc cho chồng mua ấp Văn Chung, mua một chức quan trong làng. Cho đến lúc đó, mỗi khi về làng, bà kiêu hãnh sóng bước bên người chồng đẹp trai, thành đạt mà bà biết rất nhiều cô gái năm xưa ghen tị, ao ước.
Các con mỗi ngày mỗi lớn, công việc kinh doanh ngược Bắc xuôi Nam khiến bà suy nghĩ. Bà bàn với chồng gửi lại ấp Văn Chung cho người cháu cai quản, đưa các con vào Nam mở rộng mạng lưới buôn bán tơ lụa.
Làn gió Cách mạng Tháng Tám làm thay đổi luồng suy nghĩ đôi vợ chồng nhà kinh doanh tơ lụa. Gia đình bà Tư lúc đó đã có một cửa hàng tơ lụa lớn ở Bạc Liêu. Bà gom góp toàn bộ nữ trang quyên tặng Tuần lễ vàng được phát động ở Nam Bộ. Chồng bà được bầu làm chủ tịch xã. Giặc Pháp quay trở lại, nhiều địa chủ bắt tay với quân xâm lược.
Tuy nhiên, nhờ bạn hữu giúp đỡ, vợ chồng ông Phong trốn thoát khỏi Bạc Liêu, qua Vĩnh Long. Dự định lên Sài Gòn lập nghiệp, họ bán hết tài sản, lại trắng tay khi Pháp không xài tiền “giấy xăng đỏ”. Gánh nặng gia đình dồn trên đôi vai bà Đào Thị Tư, khi Mỹ Nhung tham gia kháng chiến ở Vĩnh Long, chồng bị bắt vì tội tham gia Việt Minh, tứ cố vô thân giữa đất Sài Gòn với đàn con nheo nhóc. Nhưng nghị lực và tài buôn bán tháo vát của bà Tư đã vực gia đình đứng vững giữa thời cuộc nhiễu nhương.
Bà mất số tiền lớn để lo cho chồng ra khỏi nhà tù, đưa chồng và hai con ra Bắc tránh sự theo dõi của mật thám. Bà ở lại với hai đứa con nhỏ dại, tiếp tục công việc kinh doanh tơ lụa. Lòng người mẹ thắc thỏm không yên khi gia đình ly tán, mỗi người mỗi ngả.
Năm 1950, khi đang là đảng viên dự bị, ông Phong đành xin phép tổ chức vào Nam, theo ý nguyện đoàn tụ gia đình. Năm 1954, gia đình cô phân ly theo dòng lịch sử. Hai người anh và hai em của Mỹ Nhung ở lại miền Bắc học tập, công tác. Người anh cả của cô sau này vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu và hy sinh.
Lúc gia đình tản cư về Vĩnh Long, Mỹ Nhung mới 16 tuổi, bài hát “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” đã thôi thúc cô. Cô bỏ học, đón xe đò, tìm đường vào chiến khu, tìm người dì ruột cũng tham gia kháng chiến. Không gặp được dì, Mỹ Nhung được đưa đến một cơ quan đặc biệt. Cũng từ đây, cuộc đời cô gắn chặt với nghề tình báo như một định mệnh. Với vẻ đẹp sang trọng, đài các; Mỹ Nhung làm công tác liên lạc, mang tài liệu từ chiến khu vào nội thành và ngược lại một cách dễ dàng.
Năm 1950, Mỹ Nhung được kết nạp Đảng, khi cô mới 18 tuổi. Tâm hồn đa cảm của cô nữ sinh vừa rời ghế nhà trường đã rung lên trước lời bày tỏ chân thành của người con trai cùng có niềm say mê văn học, yêu cái đẹp mà họ có dịp gặp gỡ, gần gũi nhau trong chiến khu.
Năm 1954, cô có nguyện ước được tập kết ra Bắc cùng với người yêu nhưng tổ chức thuyết phục cô ở lại, bởi “Nếu Tám Thảo ra đi, tổ chức mất đi một cơ sở nội thành cho công tác lâu dài về sau”. Mối tình ấy cô chôn kín trong tim, vừa là nỗi đau, vừa là sức mạnh để cô vượt qua những tình huống hiểm nguy, khắc nghiệt của nghề tình báo sau này...
Sau Hiệp định Genève, gia đình Mỹ Nhung tiếp tục kinh doanh nghề bán vải vóc, tơ lụa. Họ có cửa hàng vải lụa Tân Mỹ nổi tiếng ở chợ Bến Thành. Những năm tháng đó,
Là con gái lớn trong gia đình, Mỹ Nhung ngoài việc học thêm tiếng Anh còn phụ giúp mẹ và các em kinh doanh cửa hàng Tân Mỹ. Công việc lấy hàng từ các đại lý tơ lụa khiến Mỹ Nhung quen biết nhiều khách hàng danh tiếng. Không chỉ thông thạo các chủng loại tơ lụa, cô còn giúp khách chọn chất liệu, màu sắc hợp với vóc dáng và tính cách.. Khả năng ấy cộng với vẻ đẹp khả ái, biết ăn nói duyên dáng, mềm mỏng; Mỹ Nhung bán hàng rất giỏi. Khách tìm đến Tân Mỹ ngày càng đông.
Hàng xóm gia đình Mỹ Nhung ở căn nhà 136 B quen với hình ảnh các cô tiểu thư cành vàng lá ngọc cửa hàng vải Tân Mỹ mỗi khi ra đường đều diện những bộ quần áo dài đẹp nhất, những bộ quần áo thời trang nhất. Cha mẹ cô còn phóng khoáng cho con gái đi học... nhảy đầm để giao tiếp, tạo mọi điều kiện cho các con học tốt ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh.
Tám Thảo kể: “Người thầy đầu tiên dạy tiếng Anh cho chị em chúng tôi là anh Phạm Xuân Ẩn. Anh ấy khen chị em chúng tôi có khiếu ngoại ngữ, tiếp thu nhanh, phát âm chuẩn. Lúc đầu, tôi học vì yêu thích, vì phát hiện ra mình cũng có chút năng khiếu như lời anh Ẩn khen. Chúng tôi còn được biết tổ chức có ý định tác hợp một trong hai chị em tôi cho anh Ẩn, để hỗ trợ nhau trong công tác.
Tôi thì lòng đã đóng kín, luôn vọng tưởng về người yêu đang tập kết ra Bắc. Còn Mỹ Linh có lẽ lúc ấy còn quá trẻ, chưa đủ từng trải để hiểu được sự quyến rũ của một con người “giàu năng lực, đa tính cách, tài năng” của anh Ẩn. Tổ chức định đưa Mỹ Linh đi học ở Anh, còn anh Ẩn du học ở Mỹ nhưng anh Ẩn có ý không muốn cho Linh đi, bày tỏ nỗi lo ngại cô ấy và anh sẽ xa cách 4-5 năm. Anh cũng đã có tuổi, cần sớm ổn định gia đình để có một “bình phong” thuận lợi trong công tác.
Nhưng Mỹ Linh có cá tính rất mạnh mẽ. Cô nói cô còn có sự nghiệp của mình. Cô không muốn làm cái bóng của một người đàn ông. Chuyện giữa em gái tôi và anh Ẩn đang dằng dai thì sau đó, anh Ẩn nhận được “học bổng” đi du học sang Mỹ theo sự sắp xếp của ông Mười Hương, thủ trưởng của chúng tôi lúc bấy giờ. Bốn năm sau, khi anh Ẩn về nước thì Mỹ Linh đã thoát ly vào chiến khu, công tác tại đơn vị tình báo Miền, theo yêu cầu cần một người giỏi tiếng Anh để dịch tài liệu, thông tin quân sự của quân đội Mỹ.
Anh Ẩn ở lại Sài Gòn, cưới vợ, tạo một gia đình hợp pháp để “chui sâu leo cao” vào hàng ngũ đầu não chính quyền Sài Gòn. Chị ấy là một người phụ nữ hiền thục, chịu đựng. Đúng như Mỹ Linh nói, lấy một người chồng như anh Ẩn là phải chấp nhận hy sinh. Chúng tôi vẫn thân thiết với anh như ngày nào, bởi chúng tôi cùng nằm trong đường dây hoạt động tình báo...”.
Khi nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn từ Mỹ về Sài Gòn hoạt động báo chí, ông tìm cách bắt liên lạc với cách mạng. Chính Mỹ Nhung là người tổ chức móc nối, đưa Phạm Xuân Ẩn ra chiến khu ở Củ Chi gặp những đồng chí lãnh đạo. Từ đó, Mỹ Nhung có tên bí danh là Nguyễn Thị Yên Thảo (Tám Thảo) là người giao liên mang tài liệu do nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn và ngược lại, mang những chỉ thị mật cho các cơ sở nội thành.
Mỹ Nhung đã đi trên hiểm nguy và cái chết bằng vẻ đẹp dịu dàng, nụ cười rạng rỡ trên môi và tà áo dài lụa tha thướt.
Cô nhớ lại một chuyến “giao hàng” gồm 24 cuộn phim Kodax chụp tư liệu mà Phạm Xuân Ẩn nhờ lăn lộn trong hàng ngũ cao cấp chính quyền Sài Gòn mới có được. Cô cho thứ hàng chết người ấy vào chiếc giỏ màu hồng xinh xắn, diện bộ quần áo dài tha thướt, đón xe lên Củ Chi rồi đón chiếc xe lam vào căn cứ. Bất ngờ, địch bắt xe dừng lại, bắt hành khách trên xe xuống giải quyết hậu quả do hôm qua “Cộng sản đắp mô, phá đường”. Nhìn thấy cô gái đẹp, tên lính mời cô ngồi nghỉ dưới bóng mát một tán cây, trong khi những hành khách khác làm nhiệm vụ lấp đường.

Tên lính hỏi: “Người đẹp đi đâu mà cực khổ vậy?”. Đã định sẵn trong đầu câu trả lời, cô nói mình là cháu một tư sản đồn điền cao su nhân ngày nghỉ về thăm dì. Cô chủ động hỏi đường. Tên lính sốt sắng giúp đỡ “cô cháu bà tư sản”. Và thế là Mỹ Nhung ung dung lên xe, chiếc giỏ hồng xinh xắn trên tay, tà áo dài tha thướt tiếp tục chuyến hành trình.
Tại ngôi nhà "bà dì tư sản" ấy, ông Mười Nho đã đợi sẵn. Khi giao cho thủ trưởng 24 cuộn phim Kodax có đánh số hẳn hoi, Mỹ Nhung mới hay mình vừa thoát qua cửa tử. Nếu tên lính trên đường bắt cô lại xét giỏ, chắc chắn cô bị bắt.
Thỉnh thoảng ông Phạm Xuân Ẩn lái xe đưa chị em Tám Thảo đi dự những tiệc chiêu đãi quan trọng. Ba mẹ Tám Thảo rất tin các con nên chuyện các tiểu thư đi chơi với nhà báo Phạm Xuân Ẩn là chuyện bình thường. Tuy nhiên, ông Ẩn vốn thận trọng, một lần nhắc Tám Thảo: “Nè, các em lên xe ngồi cho ra dáng quý bà một chút. Khi xe dừng, cứ ngồi đó, anh mở cửa mời các quý nhân xuống. Đừng tự động mở cửa xe xuống ào ào, quê lắm nghen!”.
Bị chạm tự ái, Mỹ Nhung giận mà ông Ẩn không hề biết. Lần sau, “nhà báo Ẩn” lái xe đến nhà, cười tươi đón các cô em: “Chiều nay đi nhảy đầm với anh nghen!”. Mỹ Nhung nói: “Thôi, đi với anh rắc rối nhiều thứ, mấy ông cứ bắt tụi em nhảy, mệt thấy mồ!”. Ông Ẩn nhăn nhó nói: “Mấy em phải cứu anh. Tiệc chiêu đãi hôm nay nếu có các em, anh sẽ có cớ mấy em khiêu vũ mệt, anh có nhiệm vụ phải đưa các “tiểu thư” về, hiểu không?!”.
Nhưng khi Phạm Xuân Ẩn bất ngờ gặp cô, vẻ khẩn trương: “Mỹ Nhung, em chuyển ngay cho anh tài liệu quan trọng này” thì cô hiểu mình phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh.

Hôm ấy, Phạm Xuân Ẩn lái xe đưa cô lên Củ Chi. Từ Củ Chi, Tám Thảo phải quyền biến tìm phương tiện thích hợp đi vào căn cứ. Hôm ấy, Phạm Xuân Ẩn ngồi trên xe hơi, vờ lấy thuốc hút nhưng tâm trạng rối bời. Ông cứ nhìn theo dáng mảnh mai của Tám Thảo leo lên chiếc xe thổ mộ khuất dần. Cô ngoái lại, bắt gặp cái nhìn của sâu thẳm, đầy tâm trạng, chia sẻ của ông Ẩn. Cái nhìn ấy đi theo cô suốt cuộc đời. (kỳ1, ngày 12/5/07)

Một buổi sáng, ngồi sau lưng Tư Cang, cô mỉm cười nói: “Nghĩ đời em cũng hay! Sáng thiếu tá Việt Cộng đưa đi làm, chiều thiếu tá Mỹ đưa về, sĩ quan Việt Cộng đưa đi bằng Honda, sĩ quan Mỹ đưa về bằng xe jeep”. Ông “thiếu tá Việt Cộng” nghe đau thắt lòng trước câu nói đùa của Tám Thảo.
Để chuẩn bị cho một công tác quan trọng, Mỹ Nhung được chỉ thị dừng những chuyến giao hàng mạo hiểm. Cô được Tư Cang (Nguyễn Văn Tàu, còn có tên là Trần Văn Quang) - người chỉ huy Cụm tình báo chiến lược A18 - H63 (Đơn vị Anh hùng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được tuyên dương năm 1970. Năm 2006, ông Tư Cang (được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND) chỉ đạo phải học giỏi tiếng Anh.
Có trong tay tấm bằng loại ưu, cô nhờ cậy một công chức ngụy chạy chọt để cô được vào làm tại sở Mỹ. Cô thổ lộ với viên công chức này: “Tôi thành thật nói với ông, tôi xin đi làm không phải vì tiền mà mong có cơ hội trau dồi thêm tiếng Anh. Cửa hàng Tân Mỹ của gia đình tôi rất cần người quản lý. Nhưng tôi không muốn đóng khung cuộc đời mình trong phạm vi hẹp mà tôi đã từng sống. Tôi muốn được giao tiếp với những người Mỹ thực sự...”.
Mắt anh ta sáng lên: “Tôi hiểu rồi. Vậy cô có muốn được xếp vào vị trí làm phiên dịch cho ngài thiếu tá Tình báo Hải quân Mỹ, phụ trách cố vấn cho Tình báo Hải quân Sài Gòn không?”. Tốn thêm cho viên công chức văn phòng ấy vài chục ngàn nữa, Mỹ Nhung được xếp vào “mục tiêu mơ ước”. Cô hồi hộp hỏi: “Tôi rất biết ơn nếu ông nói cho tôi biết vài điều về sếp mới của tôi”.
Anh ta cười cười nói: “Họ là những người Mỹ thực sự. Đó là những người Mỹ ưu việt, giàu có và lẽ tất nhiên rất ga-lăng với phụ nữ, nhất là với một người đẹp như cô. Tôi rất lo lắng, bởi nếu như cô không làm tốt, tôi sẽ bị mất mặt. Tôi nói trước là tôi chỉ xếp chỗ, còn việc họ có chính thức chọn cô hay không thì tôi không dám hứa. Thành bại là do buổi phỏng vấn sắp tới...”. Mỹ Nhung cười tươi nói: “Tôi sẽ rất cố gắng. Ông hãy tin tôi”.
Cô biết mình đang chuẩn bị bước vào trận chiến đấu và cô chuẩn bị rất kỹ cho "cuộc chiến đấu" này.
Đón cô trong văn phòng là một người đàn ông Mỹ trạc 30, cao lớn, đẹp trai trong bộ âu phục. Thoáng nhìn cung cách lịch sự, thân thiện của anh ta, cô thầm nghĩ: “Nếu người phỏng vấn mình là anh ta chắc sẽ tốt... Nhưng hình như anh ta chỉ là nhân viên đang tiếp nhận hồ sơ”.
Anh ta gợi chuyện: “Cô đã sẵn sàng công việc chưa? Áp lực công việc ở đây rất nặng nề. Tuy nhiên, nếu cô tập được thói quen chỉ làm những gì chúng tôi yêu cầu, đừng hỏi tại sao, mọi việc sẽ rất thoải mái với cô”.
Anh ta trao cho cô lá đơn có những chỗ trống cần điền vào, nhờ cô dịch một đoạn trong quyển sách dày cộp. Trong lúc cô làm việc, anh ta huyên thuyên trò chuyện, hỏi cô về tình trạng gia đình, về nhà văn Mỹ nào cô thích, tổng thống Mỹ nào cô lấy làm thần tượng... Mỹ Nhung trò chuyện tự nhiên với anh ta như hai người bạn. Họ nói với nhau về phim ảnh, lịch sử, địa lý, triết học...
Nửa tiếng trôi qua, Mỹ Nhung sốt ruột, lộ vẻ trông đợi vị thiếu tá tình báo mà tên sĩ quan công chức hé lộ sẽ là người trực tiếp phỏng vấn và quyết định sự tồn tại của cô ở Cơ quan Bộ Tư lệnh Hải quân thì anh ta đứng lên, giơ cánh tay về phía cô: “Good bye”.
Mỹ Nhung còn tròn xoe mắt nhìn thì anh ta trao cho cô một thẻ vàng, nói: “Ngày mai, cô đi khám sức khỏe. Thứ 5, cô đến đây làm việc”. Mỹ Nhung như không tin vào tai mình, hỏi lại: “Thưa ông, tôi còn chưa được phỏng vấn...”. Anh ta cười tươi nói: “Cuộc trò chuyện với cô vừa rồi đã là cuộc phỏng vấn rồi đó. Lương của cô được tính từ hôm nay!”.
Mỹ Nhung tỏ vẻ bình thản nói lời cám ơn anh ta rồi thầm nghĩ: “Vậy là mình đã bắt đầu tiếp cận được mục tiêu sở Mỹ - Bộ Tư lệnh Hải quân”.
Sau khi nghe tin Tám Thảo vào làm “sở Mỹ”, nhiều đại gia kinh doanh vải vóc, tơ lụa có mối quan hệ với cửa hàng Tân Mỹ của gia đình cô cảm thấy bị mất mát to lớn. Họ gặp và thuyết phục cô tiếp tục làm việc cho cửa hàng Tân Mỹ nhưng cô từ chối, thuyết phục không được, họ nói những lời như xát muối vào lòng cô, rằng cô ham tiền, ham mùi Mỹ... Tám Thảo uất ức mà không thốt được nên lời, để mặc cho nước mắt tuôn rơi.
Người an ủi, lau khô những dòng nước mắt tủi hờn cho cô chính là ông Phong - cha của cô.
Ông hiểu và tin con gái của mình.
Trong một lần Tám Thảo cải trang về chiến khu Bến Đình (Củ Chi) để học nghị quyết cấp trên, Tư Cang - Cụm trưởng tình báo A18 dò hỏi: “Nếu vào nội đô Sài Gòn công tác, anh ở nhà em được không?”. Tám Thảo nói: “Bình phong gia đình em thuận lợi cho anh. Anh biết tiếng Anh, có thể “hợp pháp” trong vai thầy giáo dạy ngoại ngữ hoặc công chức. Nhưng điều quan trọng là làm sao thuyết phục được ba em...”.
Tư Cang rất hiểu nỗi trăn trở của cha Tám Thảo. Gia đình của ông Phong hiện ở lại Sài Gòn ngoài vợ chồng ông còn có Tám Thảo, Lan, Huệ và hai cháu Khánh, Quang. Người con trai cả đã vượt Trường Sơn về Nam chiến đấu, hiện đang có mặt ở chiến khu, còn lại là Hồng - trung úy quân y cùng hai em là Nhân và Mai tập kết ra Bắc.
Em kế của Tám Thảo là Mỹ Linh (Chín Chi) cũng là cán bộ trong Cụm tình báo H.63 do Tư Cang phụ trách, đã thoát ly vào chiến khu năm 1962.
Gia đình ông đã hy sinh nhiều cho cách mạng, giờ thuyết phục ông chứa một thiếu tá Cộng sản trong nhà, thật lòng, Tư Cang thấy ông phải gánh một áp lực quá sức. Nếu địch bắt được một tên “Việt Cộng” trong nhà, gia đình ông chắc chắn không tránh được cảnh tù tội.
Nhưng còn một nguyên nhân sâu kín mà Tư Cang rất chia sẻ với cha mẹ Tám Thảo không hẳn vì sợ tù tội mà còn vì sự an toàn của những đứa con gái đang tuổi thiếu nữ. Nhưng ngoài gia đình ông Phong, trong hoàn cảnh lúc đó, Tư Cang cũng không tìm đâu ra một “bức bình phong” nào tốt hơn.
Tuy nhiên, khi nghe Tư Cang đặt vấn đề, không cần nghĩ ngợi, ông Phong nói rất sẵn sàng bởi ông nghĩ đã làm cách mạng thì phải biết hy sinh vì nghĩa lớn... Quả thật, chủ nhân ngôi nhà 136B đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng) có sạp vải Tân Mỹ nổi tiếng, có những cô con gái xinh đẹp mà Tám Thảo là chị lớn là một "bức bình phong" tốt cho Tư Cang chọn làm nơi ẩn mình hoạt động.
Chính nơi đây, trong vai trò “thầy giáo dạy tiếng Anh” cho chủ nhân, khi là “con nuôi”, khi là “chàng rể tương lai”, Tư Cang đã bám Sài Gòn, mở rộng đường dây điệp báo. Mỗi sáng, Tư Cang thường lấy Honda đưa Tám Thảo đến bến Bạch Đằng để làm việc cho văn phòng Bộ Tư lệnh Hải quân quân đội Sài Gòn (QĐSG). Chiều, tên thiếu tá Mỹ lái xe đưa cô về nhà.
Cũng có nhiều đêm, tên thiếu tá Mỹ tiện đường ghé thăm nhà Tám Thảo, không thể ngờ có tên “thiếu tá Việt Cộng” nằm trên gác, đang lắng nghe hắn ngồi nói chuyện, cười đùa vui vẻ dưới phòng khách với Tám Thảo vừa bực mình, vừa yên tâm. Dù sao, chiếc xe jeep của tên thiếu tá tình báo Mỹ thường xuyên đậu trước nhà Tám Thảo cũng khiến những tên công an, mật vụ kiểm soát khu vực phải kiêng nể...
Một buổi sáng, ngồi sau lưng Tư Cang, cô mỉm cười nói: “Nghĩ đời em cũng hay! Sáng thiếu tá Việt Cộng đưa đi làm, chiều thiếu tá Mỹ đưa về, sĩ quan Việt Cộng đưa đi bằng Honda, sĩ quan Mỹ đưa về bằng xe jeep”. Ông “thiếu tá Việt Cộng” nghe đau thắt lòng trước câu nói đùa của Tám Thảo. Ông hiểu cô vì lạc quan mà buông câu đùa cho vui. Hơn ai hết, ông hiểu để có được cái “cũng hay” ấy, Tám Thảo và gia đình cô đã vượt quan muôn vàn cam go, thử thách. Gia đình cô phải tốn rất nhiều tiền bạc thì mới được yên ổn làm ăn, hơn nữa cơ sở kinh doanh của gia đình còn là hộp thư của Cụm tình báo A18.
Cũng không phải dễ dàng mà Tám Thảo trụ lại được ngay trong hang ổ cao cấp của Bộ Tư lệnh Hải quân QĐSG. Cô đã trải qua nhiều kỳ thử thách khốc liệt, thậm chí chúng dùng cả máy đo sự thật để kiểm tra “lòng trung thực” của cô. Một buổi chiều trong văn phòng, Tám Thảo được tên cố vấn Mỹ mời lên chiếc Mercury. Hắn đưa cô đến một biệt thự vắng vẻ ở Chợ Lớn.
Tám Thảo khéo léo gợi chuyện nhưng cô không moi được lý do những người Mỹ đưa cô đến đây. Sau đó, cô được đưa vào phòng sáng choang ánh điện. Giữa phòng là chiếc máy giống như tivi màu đen, dây nhợ chằng chịt. Sự lầm lì của tên sĩ quan Mỹ và tên sĩ quan người Việt mặt lạnh như tiền càng tăng thêm sự căng thẳng trong Tám Thảo. Cô tự nhủ mình phải bình tĩnh và hiểu ra chúng đang dùng máy đo sự thật để kiểm tra lòng trung thành của cô.
Tên Mỹ lầm lì tháo từ máy ra một bộ phận giống như dụng cụ đo huyết áp rồi gắn vào cánh tay phải của cô. Nơi đầu những sợi dây đủ màu dính vào chiếc máy bí hiểm ấy có những chụp nhựa màu đỏ. Hắn cầm lấy những thứ ấy rồi chụp lần lượt vào năm đầu ngón tay bên phải của cô.
Trước đó vài tháng, cô được cấp trên phổ biến về máy đo sự thật này nên tự nhủ phải bình tĩnh để tìm cách đối phó. Tên Mỹ càng cố tạo ra vẻ lầm lì, bí hiểm, nhìn vào mắt cô như thôi miên, buộc cô phải trả lời “có” hay “không” những câu hắn hỏi bằng tiếng Việt.
Khi hắn ra hiệu đã bắt đầu buổi phỏng vấn, cô cố trấn tĩnh, vừa thăm dò đối phương bằng cách trả lời bằng tiếng Anh khá văn chương, dài dòng. Hắn ngưng máy, nghiêm giọng nói: “Tôi buộc lòng phải nhắc lại lần nữa. Cô chỉ trả lời “có” hay “không”. Câu dài nhất không được quá ba từ”. Hắn hỏi cô những câu rất đột ngột, như cô người Nam hay Bắc, có mấy anh chị em, có sợ Việt Cộng không, anh trai, em trai làm gì ở miền Bắc... Gương mặt dữ dằn, lạnh lùng của hắn nhằm uy hiếp tinh thần đối phương.
Cô nghĩ mình phải vững vàng đối phó với chúng, tập trung tinh thần nghĩ đến bộ phim “Người vĩ đại” mà cô đã từng được xem trước đó. Cô nhớ lại từng chi tiết, cận cảnh trong phim; nhớ vẻ đẹp bốc lửa của cô diễn viên điện ảnh Liz Taylor mà cô ngưỡng mộ. Cô đặt mình vào các nhân vật trong phim...
Tên Mỹ lại gắn máy đo tiếng động vào tay trái của cô. Tám Thảo lại tập trung nội lực để trả lời "yes" hoặc "no". Và lần này, quá thấu hiểu âm mưu người Mỹ, cô dễ dàng vượt qua những câu hỏi “cắc cớ” và cân não của địch. Cuối cùng, cô cũng được phép rời khỏi căn phòng ấy. Tên thiếu tá cố vấn ngồi chờ bên ngoài vừa thấy cô bước ra khỏi “phòng thẩm vấn” vô cùng mừng rỡ.
Hắn vô tình (cũng có thể cố ý) thốt lên: “Sao lâu quá. Tôi rất lo, cứ nghĩ hay là cô bị giữ luôn rồi”. Tám Thảo vờ như không biết gì, tỏ vẻ ngây thơ, hỏi: “Bị giữ luôn à, tại sao?”. Đến lượt hắn lúng túng, khỏa lấp: “Ồ không, tôi chỉ nói đùa thôi mà”. Tám Thảo giận dỗi định bỏ đi nhưng tên thiếu tá Mỹ kiên quyết mời cô lên xe, đích thân anh ta lái xe đưa cô về nhà.
Rất may, khi về nhà, Tám Thảo được gặp ông “Thiếu tá Việt Cộng”. Cô thở phào nói: “Chú Mười Hương mà không nói trước cho em về cái máy đo sự thật chắc là gay lắm. Biết được cái máy chết tiệt ấy là cái gì nên em bình tĩnh vượt qua”. Tư Cang trầm ngâm nói: “Cho dù cái máy đo sự thật kia bị vô hiệu thì em cũng vẫn phải cảnh giác, càng phải cảnh giác hơn...”. Cô mím môi nói: “Anh Tư yên tâm, em biết mình phải làm gì!”.
Ngày hôm sau, Tám Thảo đi làm rất đúng giờ. Khi tên thiếu tá Mỹ bước vào văn phòng, nhìn thấy gương mặt ướt đẫm nước mắt của cô, anh ta ngạc nhiên hỏi: “Ai đã làm cho cô khóc”.
Tám Thảo nói trong tức tưởi, nghẹn ngào: “Từng đến nhà tôi, chẳng lẽ ông không biết tôi đi làm không phải vì cần tiền mà muốn trau dồi tiếng Anh, học phong cách văn minh, lịch sự của người Mỹ nhưng những con người mà tôi ngưỡng mộ, đặt trọn niềm tin đã làm nhục tôi, cho buộc dây vào tay tôi, tra vấn tôi như tra xét một tên bất lương. Tôi xin nghỉ việc từ hôm nay vì cảm thấy mình bị tổn thương!”.
Vừa nói, Tám Thảo vừa lấy ra trong xắc tay lá đơn xin nghỉ việc. Tên thiếu tá Mỹ hiểu ra sự việc, vò nát lá đơn, quẳng vào sọt rác, lau nước mắt, an ủi cô: “Cô đang làm việc cho ngành tình báo. Đã vào ngành tình báo thì bất cứ ai cũng phải trải qua cuộc điều tra như vậy. Bản thân tôi cũng không là một ngoại lệ. Cô phải hiểu người Mỹ hơn nữa. Lòng tin của người Mỹ không thể dựa trên cảm giác mà còn phải qua kiểm chứng. Dầu sao, tôi cũng rất cảm ơn cái máy đo sự thật kia. Nó là phương tiện để tôi hoàn toàn tin được cô. Tôi không bao giờ muốn cô rời khỏi vị trí này. Tôi cần sự cộng tác của cô”.
Hôm ấy, Tám Thảo đã khóc thực sự. Những giọt nước mắt của một tâm trạng luôn kìm nén, phải sống hàng giờ với bất trắc, với cuộc sống hai mặt. Nhưng cũng nhờ những giọt nước mắt ấy mà cô đo được suy nghĩ của người Mỹ về mình. Cũng nhờ sự tin tưởng đó mà Tám Thảo yên tâm làm việc trong Bộ Tư lệnh Hải quân QĐSG, lặng lẽ góp phần làm nên một ngày lịch sử.... (kỳ 2, ngày 16/5/07)

Tỏ ra đã thỏa mãn với niềm say mê “trau dồi nâng cao tiếng Anh”, Tám Thảo vò nát tờ tài liệu, quẳng vào sọt rác, quẳng đi cả sự nghi ngờ của Mỹ Hồng. Nhưng những thông tin trong “tài liệu dịch thêm” ấy đã được "chụp lại" qua bộ nhớ của Tám Thảo...
Bà Tám Thảo với chiếc đồng hồ do một Thiếu tá Mỹ Ở bộ Tư lệnh hải quân – Quân đội Sài Gòn tặng trong thời gian bà hoạt động tình báo (1964-1969).
Năm ấy, những giọt nước mắt tổn thương của cô phiên dịch xinh đẹp đã làm mềm lòng John - viên Thiếu tá tình báo Mỹ trong Bộ Tư lệnh Hải quân - QĐSG. Cũng từ đó, chỉ có Tám Thảo khi ra khỏi văn phòng là không bị xét cặp, xắc tay, túi xách.
Những tên lính gác thoáng nhìn thấy gương mặt rạng rỡ, tỏa sáng, với tà áo dài tha thướt của Tám Thảo là mỉm cười chào, khoát tay cho cô đi.
Cụm trưởng Cụm tình báo chiến lược A18 Tư Cang đánh giá những tài liệu quan trọng mà Tám Thảo lấy được: “Đó thường là những hiểu biết, những đánh giá của tình báo Mỹ, của Tổng Tham mưu chính quyền Sài Gòn về lực lượng của ta, những phán đoán về ý đồ hành động của ta trong thời gian tới...”.
Nhờ sống hợp pháp trong ngôi nhà 136B đường Gia Long mà Tư Cang đã phối hợp nhịp nhàng với Tám Thảo khi cô lấy được những tài liệu quý ấy: “Trưa, Tám Thảo về nhà ăn cơm và đem tài liệu về cho tôi. Tôi dịch ra tiếng Việt, viết lại thật nhỏ vào tờ giấy hút thuốc A.B.C để chiều nghi trang đưa cho người giao thông mật mang về khu du kích. Sau giờ nghỉ trưa, Tám Thảo chuẩn bị đi vào sở làm thì tôi cũng vừa hoàn thành công việc. Tài liệu được để lại vào trong chiếc ví da và cô mang vào đặt trên bàn làm việc của viên thiếu tá Mỹ”.
Làm việc cùng phòng với Mỹ Nhung là Mỹ Hồng - con gái cưng của một đại tá cảnh sát. Một hôm, đã quá giờ nghỉ mà Tám Thảo vẫn say sưa ngồi dịch một tài liệu quan trọng. Cô thầm nghĩ: “Trưa nay, anh Tư sẽ rất bất ngờ về tin tức này, chắc là ảnh sẽ cho liên lạc về chiến khu...” thì Mỹ Hồng bước vào. Liếc nhìn tài liệu Tám Thảo đang dịch, cô ta gặng hỏi: “Mỹ Nhung, sếp đâu yêu cầu bồ dịch tài liệu ấy?”. Rồi cô ta nửa đùa nửa thật: “Bồ siêng năng như vậy sếp cũng chẳng trả thêm tiền “over-time” mà còn nghi ngờ bồ là V.C đấy”.
Tám Thảo vờ như không hiểu những lời bóng gió xa xôi của “đồng nghiệp”, lôi Mỹ Hồng vào cuộc: “Hồng đọc đoạn văn này chưa? Có một từ mà tôi thấy khó diễn đạt bằng tiếng Anh quá. A, để tôi qua Phòng Tác chiến cầu cứu sư phụ H. Thầy mà không dịch nổi thì tôi cũng chào thua!”.
Nói xong, cô cầm tài liệu thoăn thoắt sang Phòng Tác chiến. Một lúc sau, cô trở lại, cười tươi rạng rỡ: “Hồng thấy chưa, sư phụ H tìm được một từ thật đắt. Tụi mình còn lâu mới đạt tới trình độ dịch thuật của thầy. Hôm nay, mình học được một từ tuyệt vời!”.
Tỏ ra đã thỏa mãn với niềm say mê “trau dồi nâng cao tiếng Anh”, Tám Thảo vò nát tờ tài liệu, quẳng vào sọt rác, quẳng đi cả sự nghi ngờ của Mỹ Hồng. Nhưng những thông tin trong “tài liệu dịch thêm” ấy đã được "chụp lại" qua bộ nhớ của Tám Thảo...
Trong công tác chuẩn bị chiến trường phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, và phục vụ cho trận đánh của biệt động, đặc công vào các mục tiêu của địch, Cụm tình báo A18 - H63 được cấp trên giao nhiệm vụ điều tra, cung cấp sơ đồ chi tiết, sự bố trí lực lượng phòng thủ bên trong của Bộ Tư lệnh Hải quân - QĐSG.
Việc quan sát mục tiêu bên ngoài do Cụm trưởng và một cơ sở nội thành đảm trách, bằng cách mướn một xuồng con chèo dạo mát trên sông buổi chiều. Còn bên trong hang ổ tòa nhà bí hiểm, kiên cố này thật không dễ thực hiện nhiệm vụ nếu không có Tám Thảo.
Hôm ấy, Tám Thảo bước vào phòng làm việc với nỗi lòng trĩu nặng. Cô chưa biết bằng cách nào để hoàn thành nhiệm vụ cung cấp sơ đồ bên trong của Bộ Tư lệnh Hải quân. Điều cô băn khoăn là sơ đồ ấy dù có tỉ mỉ đến đâu cũng sẽ rất mơ hồ cho người thực hiện trận đánh nếu như họ chưa bao giờ vào được hang ổ, tường tận từng ngóc ngách như cô.
Sơ đồ ấy cần phải có thêm những bức ảnh minh họa cụ thể. Cô giấu nỗi lo lắng của mình bằng cách cắm lại những cành hoa trong chiếc bình pha lê. Chợt viên thiếu tá Mỹ bước vào, giơ cao chiếc máy ảnh mới toanh về phía cô, tươi cười khoe: “Mỹ Nhung, tôi vừa mua được chiếc máy ảnh cực tốt, chụp được tự động. Tôi đoán chắc với cô, đây là cái duy nhất ở châu Á. Tôi muốn cùng cô chụp tự động bức ảnh đầu tiên!”. Tám Thảo không tin vào tai mình. Đó là vận may mà cô không bao giờ ngờ tới. Mừng vô kể nhưng cô cố kìm nén thể hiện, bẽn lẽn nói: “Tôi chỉ sợ mình xấu, làm hư máy ảnh của anh!”. John nắm tay cô: “Mỹ Nhung đừng nói vậy!”.
Làm ra vẻ miễn cưỡng nhận lời vì nể sếp chớ kỳ thực mình chẳng mấy thích, Tám Thảo đi theo John. Họ đến góc trái, góc phải của tòa nhà, dừng lại ở những vị trí mà John cho rằng có “background” đẹp, có ánh sáng tuyệt hảo. Mê mải chụp ảnh, một lúc sau, chính Tám Thảo khéo léo “điều khiển” John đến những vị trí quan trọng.
Kết quả là cô có được trong tay những bức ảnh quý giá từ chính phía đối phương thực hiện. Sau này đồng chí Cụm trưởng tình báo xác nhận: “Cô đã vẽ sơ đồ các tòa nhà cùng với sự bố trí phòng ốc bên trong, cung cấp chính xác lực lượng phòng vệ, số quân trực chiến ban đêm. Ngoài ra, cô còn trao cho tôi một xấp ảnh, trong đó cô đứng chụp chung với viên thiếu tá Mỹ trước những tòa nhà quan trọng trong Bộ Tư lệnh Hải quân. Từ những bức ảnh này, anh em biệt động đặc công sẽ dễ nhận dạng mục tiêu trong chiến đấu”.
Và đêm 31/1/1968, cuộc tổng nổi dậy Mậu Thân đã nổ ra. Cả nhà Tám Thảo đều thức dậy. Cô cùng Tư Cang nghe tiếng nổ mà phán đoán mũi tấn công vào Bộ Tư lệnh Hải quân, Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng tham mưu - QĐSG, sân bay Tân Sơn Nhất... Lòng họ reo vui rộn rã. Niềm hạnh phúc to lớn lặng lẽ nở bừng trong lòng họ. Nước mắt Tám Thảo chảy tràn vì hạnh phúc...
Mũi tấn công vào Bộ Tư lệnh Hải quân - QĐSG gồm 16 chiến sĩ do Bảy Lốp chỉ huy đã vào được mục tiêu và họ đã chiến đấu vô cùng anh dũng. Ngay trước ngôi nhà Tám Thảo là mục tiêu Dinh Độc Lập. Tám Thảo và Tư Cang leo lên gác, qua cửa sổ, theo dõi diễn biến trận đánh. Đó là một trong những đội biệt động nổi tiếng nhất của Biệt động Sài Gòn.
Sau khi một chiến sĩ biệt động hạ 2 tên gác cổng, một chiến sĩ khác ôm khối bộc phá lao vào rào cửa giật nụ xòe. Tiếc thay, kíp nổ và dây cháy bị ẩm nên bộc phá không nổ. Địch phát hiện, tập trung chống trả ác liệt. Nhiều chiến sĩ hy sinh và bị thương. Số chiến sĩ biệt động còn lại phá cổng nhỏ xông vào trong, chiếm được 2 tầng trệt của hai dãy nhà Lữ đoàn Phòng vệ, lực lượng biệt động và địch giằng co từng lầu một...
Đến 5 giờ 30 phút sáng, Tiểu đoàn dù của ngụy ở Tao Đàn đã leo rào vào được Dinh Độc Lập, phản kích dữ dội. Các chiến sĩ biệt động phải mở đường máu thoát ra phía đường Thủ Khoa Huân, Nguyễn Du và cố thủ tại một cao ốc đang xây dở để chiến đấu. Địch bao vây khu cao ốc, chiếm lĩnh phần trên và phần dưới, lực lượng biệt động chốt giữ lầu 3. Hai bên giằng co nhau... Lực lượng biệt động có thêm nhiều người hy sinh và bị thương. Cả trên và dưới đều bị địch trấn giữ nên khi rút quân, các chiến sĩ vừa cõng thương binh vừa di chuyển từ nóc nhà này sang nóc nhà khác.
Đến 3 giờ sáng ngày mồng 3 tết, tất cả đến được góc đường Gia Long, ém quân trên tầng 5 của một tòa cao ốc.... Chỉ với một số ít chiến sĩ biệt động mà phải đối chọi với bọn giặc đông nhung nhúc gồm biệt động quân, thủy quân lục chiến, trên trời là trực thăng tâm lý phát loa kêu gọi đầu hàng.
Tại căn nhà 163B đường Gia Long, đối diện với tòa cao ốc mà các chiến sĩ biệt động chốt giữ, trên căn gác, Tám Thảo và Tư Cang dán mắt qua khung cửa sổ quan sát trận địa. Hơi cay xông vào nhà làm mắt mũi họ cay xè. Lòng họ như bị xát muối trước những mục tiêu đặc công đã lọt vào trong nhưng không phối thuộc được với đại quân, đành phải chiến đấu trong tình thế vô cùng bất lợi.
Địch không ngờ trên căn gác ngôi nhà 163B đường Gia Long, có một “Thiếu tá Việt Cộng” đang chĩa mũi súng căm hờn về phía địch, sẵn sàng chia lửa với đồng đội, dù ông biết đó là một việc làm vô cùng nguy hiểm...
Việc ông “Thiếu tá Việt cộng” có được khẩu súng K54 và 27 viên đạn trong thời điểm Mậu Thân là một kỳ công. Trong tình huống các con đường vào thành phố bị phong tỏa gắt gao, Hai Ánh - nữ giao thông viên từ Củ Chi vẫn tìm cách vào thành phố, mang cho Tư Cang “chồng bánh tráng” nặng khác thường, chứa 2 khẩu súng và 27 viên đạn được ngụy trang khéo léo. Chính Tám Thảo đề nghị Tư Cang giấu khẩu súng này dưới gối nằm trong phòng ngủ của cô, còn 27 viên đạn cô gói kỹ đặt vào hũ mắm trong nhà bếp.
Những ngày Mậu Thân diễn ra, Tám Thảo không đi làm, lấy cớ ngôi nhà mình nằm trong khu vực bị “VC” tấn công. Cơm nước xong, cô lại cùng Tư Cang lên căn gác, quan sát trận địa trên tầng 5 tòa cao ốc đối diện.
Địch đang tập trung lực lượng cho trận tấn công dứt điểm, nhiều xe bọc thép được điều động tới, nòng súng hướng về tầng 5 tòa cao ốc. Xe chữa cháy có thang dựng cao cũng sẵn sàng xông vào tòa nhà bắt sống các chiến sĩ biệt động mà chúng đoán là giờ đây đã kiệt sức, rã rời. Vậy mà tiếng súng tiểu liên AK từ tòa cao ốc bị địch vây bủa vẫn bắn ra, đủ sức làm câm họng chiếc máy bay phát ra rả bài tâm lý chiến kêu gọi đối phương đầu hàng.
Bọn địch dự định nhảy vào đếm xác “VC” thì hứng lấy những quả lựu đạn - có lẽ đó là những quả lựu đạn cuối cùng mà các chiến sĩ có được. Rồi tiếng súng phản công từ lầu 5 tòa cao ốc càng lúc càng yếu ớt.
Lòng căm thù dâng cao, Tám Thảo xin Tư Cang hãy nhằm vào địch đang dùng mọi sức mạnh bao vây mục tiêu mà nổ súng. Lý trí người chỉ huy mách bảo Tư Cang rằng nếu nổ súng, hậu quả sẽ khôn lường.
Trong lòng người chỉ huy đan xen câu hỏi: “Nhiệm vụ tình báo có được phép tham gia chiến đấu võ trang không? Đào tạo một đội biệt động đặc công giỏi là khó nhưng không khó bằng xây dựng được một lưới tình báo chui sâu, leo cao trong lòng địch, lưới tình báo muốn phát huy hiệu lực phải mất hàng chục năm...”. Từ chỗ Tư Cang đứng đến mục tiêu là những tên chỉ huy điều khiển trận bao vây không quá 70 mét - còn trong tầm ngắm của súng ngắn K54. Viên đạn có thể trúng đích kẻ thù nhưng biết đâu cả anh, cả Tám Thảo sẽ bị bắt, và gia đình cô chắc chắn sẽ bị liên lụy.
Nhưng Tám Thảo phớt lờ hiểm nguy, cứ thúc giục, gương mặt cô giàn giụa nước mắt: “Anh Tư, có súng trong tay mà anh nỡ đứng nhìn đồng đội mình chết sao, anh Tư!”. Tư Cang nắm lấy bàn tay Tám Thảo, run giọng nói: “Anh khử nó thì được rồi, nhưng... hậu quả...”. Tám Thảo cắt lời: “Em sẽ lo, em và ba sẽ có cách, bắn đi anh!”. Tư Cang mím chặt môi, cho 5 viên đạn vào băng. Với tài bắn súng “bách phát bách trúng”, dù sử dụng súng ngắn ở cự ly xa, viên đạn bay ra khỏi nòng súng của Tư Cang ghim chính xác vào đầu tên lính đánh thuê Nam Triều Tiên. Phát súng thứ hai, thứ ba... nhiều tên lính ngã gục.
Tám Thảo vội vàng đưa tay khép cánh cửa sổ, giục cụm trưởng: "Anh đi nhanh và cẩn thận. Thế nào chúng cũng lục soát cả vùng này!”. Rất nhanh, Tư Cang lượm những vỏ đạn cho vào túi áo, len nhanh qua phòng Tám Thảo, trốn vào một góc thật kín đáo mà trước đó, khi chấp nhận chứa Tư Cang, cha của Tám Thảo đã chuẩn bị sẵn.
Đêm căng thẳng trôi đi.... Tư Cang dự đoán đơn vị biệt động đã rút, cũng có thể họ đã hy sinh và quân địch đã chiếm được tòa nhà. Đang suy nghĩ tìm đường thoát thì dưới nhà, một tốp lính gõ cửa, xông vào, tỏa đi lục soát mọi ngóc ngách. Chúng tiến lên gác, nơi có phòng ngủ của Tám Thảo và một bên là bàn thờ Phật. Chúng đòi mở tủ, lục tung từng quyển sách.
Vừa lúc đó, Tám Thảo vén màn bước ra. Trông thấy người đẹp, tên chỉ huy tốp cảnh sát dã chiến phân trần, vì nhiệm vụ buộc hắn phải hành động như thế. Cô làm bộ hờn dỗi, vừa sắp đặt những quyển sách vào tủ (thực chất phía dưới tấm ván mỏng của tủ sách kéo ra có chỗ trống đủ cho một người ẩn nấp): “Làm như chỉ có các ông là vì nhiệm vụ, còn chúng tôi dân quèn hết chắc. Tôi cũng phụng sự cho chế độ cộng hòa như các ông, sao bị sỉ nhục và xem thường đến vậy!”. Tên chỉ huy tỏ ra chú ý khi biết cô làm việc cho “Thiếu tá John đẹp trai".
Tuy khoác lác với cô nhưng hắn vẫn để mắt từng chi tiết trong căn phòng, buộc cô giải thích vì sao phía lối đi trong căn gác có nhiều đống ngổn ngang. Tám Thảo nói: “Vải. Gia đình tôi có sạp vải Tân Mỹ ở cửa Bắc chợ Bến Thành”. Sau mấy câu hỏi dò xét, anh ta quát tên lính đang lùng sục phía trên: “Thôi, xuống. Về tụi bây, nhà buôn lương thiện!”.

Bọn lính đành bỏ dở cuộc lục soát, lục tục kéo nhau ra khỏi nhà. Cho đến lúc ấy, từ chỗ ẩn nấp, Tư Cang mới biết mình vừa thoát chết. Tư Cang giấu súng đạn vào chỗ kín nghi trang, rồi bò lần ra lỗ hổng, len qua mấy bành vải. Tám Thảo còn ngồi trên giường, đang khỏa lấp sự hồi hộp bằng cách dán mắt vào trang sách mà kỳ thực cô không hề biết nội dung trang sách có gì.
Cô nghe thấy Tư Cang mà vẫn ngồi êm, vẫn chưa tin là vị chỉ huy đã thoát nạn. Tư Cang đến bên Tám Thảo, dịu dàng lên tiếng: “Mỹ Nhung, cám ơn em, anh hết sức cám ơn em!”. Tám Thảo buông quyển sách, nắm lấy tay Tư Cang, bật khóc: "Nguy hiểm quá anh Tư ơi! Bây giờ em mới thấy sợ!”. “Sao lúc nãy anh nghe em đối đáp với bọn lính bình tĩnh, thông minh vậy?”.
Sau phút hiểm nguy, Tư Cang vẫn tiếp tục ẩn mình trong nhà Tám Thảo thêm mấy ngày nữa. Cho đến buổi sáng mùng 5 tết, Tư Cang phải đến điểm hẹn. Và không ai làm tốt vai trò hộ tống người cụm trưởng hơn Tám Thảo. Cô ngồi vào bàn trang điểm, mở tủ, lấy ra bộ quần áo dài màu hoàng yến. Tư Cang cũng ăn mặc bảnh bao, dắt chiếc Honda nữ màu đỏ ra khỏi nhà. Họ sóng đôi bên nhau, như một cặp tình nhân đi chơi tết.
Vừa ra tới đầu ngõ, hai người đã gặp phải tên chỉ điểm. Tám Thảo cười tươi chào. Hắn cũng chào cô vui vẻ, mắt liếc nhìn người đàn ông sóng bước bên cô. Tư Cang khởi động xe Honda. Tám thảo vén tà áo dài một cách duyên dáng, ngồi sau lưng Tư Cang. Họ hòa vào dòng người trên đường...(kỳ 3, ngày 22/5/07)
Tám Thảo đi thẳng lên gác, mở túi xách lấy ra hai xấp tài liệu đóng dấu “Top secret” trao cho Tư Cang, nói nhanh: “Trong lúc em xuống nhà ăn cơm, anh Tư phải giải quyết những tài liệu này ngay, để chiều đi làm, em đặt chúng trở lại đúng vị trí trong văn phòng”. Chỉ trong 15 phút, Tư Cang đã chụp xong tập tài liệu mật gồm 20 trang đánh máy.

Đời tình báo vinh quang và nghiệt ngã
Sau cuộc Tổng tiến công năm Mậu Thân, Tám Thảo vẫn tiếp tục đến làm việc tại Bộ Tư lệnh Hải quân - QĐSG. Cô đến văn phòng với túi thức ăn trên tay, với "hảo ý" chia sẻ món ngon cho “đồng nghiệp”. Vì chút “hảo ý” này mà thủ trưởng Tư Cang nói mát mẻ: “Chà, cô thương tụi nó quá ha!”. Tám Thảo nén giận, cho thêm thức ăn vào túi, cố lấy giọng dịu dàng, nói: “Anh Tư đừng nói vậy. Không phải em thương tụi nó mà thương cho đường đi của anh đó”.
Quả là ít lâu sau, Tư Cang yêu cầu cô lấy tài liệu của địch về trận tấn công vào Sài Gòn - Gia Định. Những tài liệu đó của Bộ Tổng tham mưu QĐSG và tình báo Mỹ cô đã đọc rất kỹ, có thể kể nội dung để thủ trưởng ghi lại nhưng ông yêu cầu cô phải mang được tài liệu nguyên bản về căn cứ. Quả đó là một việc làm vô cùng khó khăn, đặc biệt sau Mậu Thân, địch sợ hãi, cảnh giác cao độ.
Nhân viên ở Phòng Tình báo và những người gác cổng vốn đã quen với hình ảnh tiểu thư Mỹ Nhung được sếp đích thân lái xe đưa về nhà, khi thì do sếp tiện đường, cùng cô đi dự chiêu đãi hoặc có khi cô tỏ vẻ mệt mỏi khiến sếp phải lo lắng.
Thế là trưa hôm ấy, chiếc xe mang biển số đặc biệt do viên thiếu tá Mỹ lái ung dung lăn bánh khỏi cánh cổng kiên cố của Bộ Tư lệnh Hải quân - QĐSG, bon nhanh trên đường, hướng về phía ngôi nhà 136B Gia Long. Cô đi thẳng lên gác, mở túi xách lấy ra hai xấp tài liệu đóng dấu “Top secret” trao cho Tư Cang, nói nhanh: “Trong lúc em xuống nhà ăn cơm, anh Tư phải giải quyết những tài liệu này ngay, để chiều đi làm, em đặt chúng trở lại đúng vị trí trong văn phòng”.
Chỉ trong 15 phút, Tư Cang đã chụp xong tập tài liệu mật gồm 20 trang đánh máy. Tài liệu ấy cùng những tin tức tổng hợp được từ nhiều phía về Mậu Thân được Tư Cang ngụy trang trong những gói nem chuyển về cấp trên.
Nhờ thái độ thân thiện, sẵn sàng chia sẻ của Tám Thảo trong “sở làm” mà cô chiếm được cảm tình, lòng tin của nhiều sĩ quan, binh lính. Cũng nhờ viên sĩ quan Phòng Tác chiến có mối cảm tình đặc biệt dành cho Tám Thảo mà cô thường xuyên biết được hoạt động ở bộ phận này.
Một hôm, cô vô tình lắng nghe một tin quan trọng qua câu chuyện phiếm giữa các sĩ quan trong Phòng Tác chiến: “Thằng X phen này chết chắc. Nó làm kinh tài cho V.C mà chui được vào Bộ Tư lệnh Hải quân thì vừa gan, vừa giỏi. Tình báo vừa phát hiện. Lẽ ra nó bị bắt khẩn cấp nhưng nó đang nghỉ phép. Thứ hai này, nó sẽ dẫn xác vào cơ quan. Thế là hết, thật êm!”.
Ngay sau buổi tan sở, Tám Thảo vội vàng báo tin khẩn cấp này cho Tư Cang. Vị sĩ quan X ấy nhanh chóng được cơ sở đưa về chiến khu. Sáng thứ hai, tình báo Mỹ đã giăng bẫy sẵn nhưng vị sĩ quan X bặt tăm hơi.
Cũng nhiều lần Tám Thảo bị nghi ngờ là V.C nhưng vẻ đẹp và “hoàn cảnh gia đình khá giả” đã cứu cô.
Để giữ phong cách “con gái nhà giàu”, vừa có thời gian bắt liên lạc, tin tức với cơ quan tình báo từ chiến khu, Tám Thảo từ chối đi làm ngoài giờ, dù tiền trả cho “over-time” rất cao. Một hôm, một trung tá tình báo Việt Nam cộng hòa tiết lộ: “Thằng Morse khó chơi lắm. Nó nghi Mỹ Nhung là V.C. Tôi nói, nếu cô ta là V.C thì tất cả ở đây là V.C. Mỹ Nhung đi làm là để học thêm tiếng Anh và khoe sắc đẹp mà thôi. Cô ta là con một tư sản, đâu cần những đồng lương quèn người Mỹ trả cho cô ta!”.
Làm việc với cái thằng “mốc xì” đó tức chết được. Ai nó cũng nghi là V.C. Em đừng chơi với nó nữa!”. Tám Thảo bật cười khi nhớ lại tính đa nghi của Morse. Một lần, có người ở Phòng Tác chiến tặng cho anh ta một túi cam. Morse tỏ vẻ lịch sự, nói lời cám ơn nhưng khi người ấy vừa bước ra khỏi phòng, Morse ném túi cam vào sọt rác. Cô mở to mắt nhìn hắn, bình thản lượm túi cam lên, trách: “Cam ngon lắm, không phải lựu đạn V.C đâu”.
Rồi cô chọn những trái ngon nhất cắt ra, mời hắn: “Thật tuyệt vời, sếp nếm thử xem. Ngọt lắm, cam thật mà!”. Morse khỏa lấp: “Phòng xa vẫn tốt hơn. Hôm trước cô vừa dịch cho tôi một báo cáo về cách ngụy trang tài liệu, thuốc nổ cực kỳ tinh vi, khéo léo của V.C trong những loại hoa quả xứ nhiệt đới này, phải không?”.
Tám Thảo hiểu tâm trạng của Morse. Anh ta mới sang Việt Nam. Cái gì anh ta cũng hoài nghi, cũng sợ, nhất là sau sự kiện Mậu Thân 1968. Nhưng với phong cách tự nhiên, thân thiện của Tám Thảo, Morse dần dần xóa đi sự hoài nghi với cô.
Khi nghe tin Bác Hồ mất, cô mặc bộ quần áo dài trắng để tang Bác Hồ hàng tháng liền. Dave - tên thiếu tá mới từ Mỹ đến Sài Gòn, thay Morse, hỏi: “Sao gần đây tôi thấy cô chỉ mặc toàn áo dài trắng?”. Tám Thảo trầm tĩnh nói: “Nhà tôi bán tơ lụa. Mẹ tôi may cho tôi hàng trăm chiếc áo dài. Tôi muốn thử hết tất cả chiếc áo dài màu trắng trước khi chuyển qua màu khác”. Dave thán phục: “Ồ, cô thật sành điệu!”.
Một buổi sáng, Tám Thảo đến từ giã Dave:
- Tôi xin tạm biệt ông trong một tuần để đi du lịch Hồng Công. Thú thực với ông, tôi thấy căng thẳng quá!
Dave trố mắt nhìn cô, sực nhớ ra điều gì:
- Tôi xin lỗi, lẽ ra tôi phải khuyến khích cô có những kỳ nghỉ thú vị. Rất tiếc, tôi vướng vào một công việc quan trọng, không thể đi cùng cô. Chúc cô có một kỳ nghỉ tuyệt vời.

Ngay ngày hôm đó, Cục Tình báo Miền đã tổ chức sắp xếp đưa Tám Thảo vào chiến khu. Đó là năm 1970.
Được sống giữa đồng đội, Tám Thảo nhanh chóng thích nghi những khó khăn vùng căn cứ.
Sau giải phóng, Tám Thảo là Phó chủ tịch phụ trách công tác tổ chức Trung tâm Nghiên cứu dịch thuật TP HCM. Cô là trung tâm đoàn kết cho hàng ngàn trí thức từ nhiều nguồn hội tụ về thành phố. Với vẻ đẹp dịu dàng, với lòng nhiệt tình, chân thành và chia sẻ, cô góp phần thuyết phục, giữ chân nhiều nhân tài cho đất nước trước làn sóng xuất cảnh dâng cao.
Cô lấy sinh mạng chính trị của mình bảo lãnh cho nhiều sĩ quan, công chức chính quyền Sài Gòn còn bị “quản chế sau cải tạo” vì tiếc tài năng và hiểu nỗi khao khát được làm việc, được cống hiến sức lực của họ. Sau chiến tranh, với tà áo dài, Tám Thảo lại đứng trên bục giảng, lặn lội thành lập các trung tâm ngoại ngữ, nhằm đáp ứng nhu cầu học ngoại ngữ cho một thành phố lớn.
Một ngày cuối năm 2006, gặp nữ chiến sĩ tình báo Tám Thảo ở ngôi nhà riêng xinh xắn tại con hẻm đường Nguyễn Trọng Tuyển, tôi say sưa nghe cô kể về những năm tháng hoạt động tình báo. Tôi hỏi cô ấn tượng sâu sắc về những người Mỹ trong Bộ Tư lệnh Hải quân - QĐSG.
Cô nói: “Người Mỹ rất cảnh giác, rất khoa học trong sắp xếp công việc”. “Cô có bí quyết gì để hoàn thành vai trò khó khăn của mình”. “Làm tình báo là một nghệ thuật. Mình làm nhiệm vụ nhưng đừng nghĩ mình đang làm một việc nặng nề, quan trọng, có nghĩa là phải biết “bình thường hóa” công việc mình đang được giao. Một khi sự sợ hãi lấn át mọi giác quan thì còn tâm trí đâu để đối phó, để hoạt động. Có lẽ nữ tính đã giúp tôi rất nhiều trong công tác. Dễ gần gũi mà không lẳng lơ, tạo được sự hấp dẫn mà giữ khoảng cách mới là điều khó khăn, cần có bản lĩnh giữa một môi trường thật dễ dàng bị cám dỗ. Bình tĩnh, thân thiện, chia sẻ, chân thành; tôi đã tạo được niềm tin...”.
Chắc hẳn, những chuyện tôi kể cho cháu nghe chỉ là một phần nhỏ trong cuộc đời tình báo. Vinh quang lớn nhất là hoàn thành nhiệm vụ. Còn nghiệt ngã của nghề là phải biết chấp nhận hy sinh mà không được hỏi tại sao. Anh Phạm Xuân Ẩn, người anh, người đồng chí của tôi mãi đến sau này mới được Nhà nước phong Anh hùng nhưng với tôi, với những hy sinh thầm lặng của anh ấy và cả gia đình, anh đã là một anh hùng khi tôi biết anh. Mỹ Linh - em gái kế của tôi vì nhiệm vụ cách mạng, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống nhung lụa, vào chiến khu công tác ở Đơn vị tình báo Miền. Do áp lực công việc, trực máy theo dõi thông tin trận càn Giônxơn City của địch mà bị sẩy thai. Nhưng cô ấy vẫn vượt qua những mất mát riêng tư, lặng lẽ với vai trò người lính ngành tình báo. Bản thân tôi, vì ý thức vai trò người lính mà tôi đã nhiều lần cắn răng hy sinh hạnh phúc riêng tư. Là phụ nữ, trận chiến lớn nhất là vượt qua sự mềm yếu của chính trái tim mình...
Nói về thủ trưởng của mình - Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Tàu, tức Tư Cang, cô Tám Thảo luôn dành một thái độ trân trọng. Hoạt động bên nhau một thời gian, Tám Thảo mới biết thủ trưởng đã có vợ.
Vợ anh cũng là một hộp thư sống của cụm tình báo, cô Tám Thảo lặng lẽ giúp chúng tôi hoạt động. Qua quá trình công tác, chị Tư rất tin chồng và hiểu tôi. Sau ngày hòa bình, chúng tôi xem nhau như người một nhà. Những ngày nghỉ, anh Tư lái xe Jeep về Long Đất, thăm quê anh. Chị Tư ngồi một bên, tôi một bên. Lòng chúng tôi dạt dào hạnh phúc, cảm nhận cái giá quá lớn của hòa bình. Tám Thảo ngậm ngùi kể về chuyện tình của mình.
Chồng cô là một sĩ quan quân đội thời chống Pháp. Vì yêu ông mà cô đã kiên trì chờ đợi. Đất nước bị chiến tranh chia cắt, mối tình hai người cũng phân ly hai miền đất nước. Người ấy tập kết ra Bắc. Cô vì nhận nhiệm vụ mới phải ở lại, bám Sài Gòn hoạt động.
Người ấy sau này lấy vợ, bản tình ca đành dang dở. Mấy mươi năm đã trôi qua mà cô vẫn nhớ mãi chiếc áo len mà cô thức suốt đêm đan tặng người chiến sĩ, khi anh vào bộ đội năm nào. Chiếc áo ấy, trong đáy lòng, ông xem như một báu vật.
Khi kết hôn, cô Tám Thảo đã gần 40 tuổi, lại sống trong chiến khu, không dễ dàng có được cơ hội làm mẹ. Cô có những đứa con nuôi nhưng vẫn sống một mình trong ngôi nhà tại con hẻm đường Nguyễn Trọng Tuyển... Trong đôi mắt cô, lấp lánh niềm lạc quan về một ngày mai tươi sáng...(kỳ cuối, ngày 2/6/07)

Trầm Hương, ANTG, ngày 12-16-22/5/07 & 2/6/07
NDVN, ngày 20/5/07

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét