THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2009

Người thành cổ Quảng trị
Về cái gọi là “học thuật” của Ban Mai trong nghiên cứu Trịnh Công Sơn

Nguyễn Hoàn

9 tháng 9, 2009

Sau bài viết của tôi nhan đề Những sai lệch, thiếu sót trong cuốn sách “Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng” đăng trên báo chí và mạng internet, tác giả cuốn sách này là Ban Mai đã im lặng (sách do NXB Lao Động, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, Hà Nội, 2008). Nghĩ rằng Ban Mai chắc đã nhận ra sai lầm của mình, tôi chưa viết thêm nhiều điều lẽ ra còn phải viết về bài “Trịnh Công Sơn và chiến tranh Việt Nam” của Ban Mai in trong cuốn sách này và đăng trên một số trang Web trong nước và hải ngoại. Gần đây, Ban Mai đã “đánh tiếng”, dĩ nhiên không phải bằng tranh luận trực tiếp mà bằng lối trả lời phỏng vấn trên mạng, qua bài “Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng-Tạp chí Da Màu phỏng vấn Ban Mai” do Lê Đình Nhất Lang đặt câu hỏi, đăng trên Web: http://damau.org. Tôi không lạ gì chuyện “vẽ đường cho hươu chạy” đã xưa như trái đất này. Nhưng mới đây, một số trang mạng, một vài tác giả đã tìm cách vào hùa với Ban Mai, cố “bảo vệ” cho Ban Mai, tôi thấy cần viết tiếp để làm rõ chuyện Ban Mai đã nhân danh “học thuật” nhằm lợi dụng, xuyên tạc vấn đề “Trịnh Công Sơn và chiến tranh Việt Nam” như thế nào.

Về ý kiến cho rằng Ban Mai “sao chép” văn người khác


Trong bài “Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng-Tạp chí Da Màu phỏng vấn Ban Mai”, cả Lê Đình Nhất Lang và Ban Mai đều vội vàng, nhầm lẫn khi cho rằng tôi đã đưa ra trên các báo một thông tin “nhạy cảm”: “Năm 2006, tác giả Ban Mai (tức thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trường Đại học Quy Nhơn) công bố trên một tạp chí của người Việt ở nước ngoài bài viết có nhan đề Thân phận con người và tình yêu trong ca từ Trịnh Công Sơn. Về bài viết này, có tác giả từng chỉ rõ Ban Mai “đã sao chép nguyên văn (hoặc gần như nguyên văn, chỉ sửa đổi một vài từ) nhiều đoạn văn dài” của người khác, Sau đó Ban Mai biện hộ rằng “đã ghi chú sai sót trong quá trình làm việc””. Thực tế, thông tin này nằm trong phần lời dẫn của các báo khi đăng bài viết của tôi. Giờ đây, tôi không muốn nhắc đến thông tin có tính scandal này của Ban Mai nữa, vì chính Ban Mai đã từng tự bạch trên mạng hồi tháng 8-2006 rằng, Ban Mai cảm thấy “đau xót vô cùng”, “càng thấy xót xa và buồn bã đến tận cùng” khi có người phê bình Ban Mai “sao chép” văn người khác. Nhưng Lê Đình Nhất Lang và Ban Mai đã quy kết cho tôi, Ban Mai còn cho rằng, tôi đã giới thiệu những sai sót của Ban Mai như một “phát hiện” của tôi, tôi xin nói ngay với bạn đọc rằng, đấy chính là phát hiện của ông Vũ Đông Ngọc chứ không phải của tôi. Tôi không hề làm cái việc đáng chê trách là “sao chép” văn hay cướp công ông Vũ Đông Ngọc bao giờ.
Ban Mai đã nhắc lại chuyện cũ thì xin hãy nhắc cho minh bạch, tỏ tường. Sau khi đọc bài viết “Thân phận con người và tình yêu trong ca từ Trịnh Công Sơn” của Ban Mai đăng trên báo Văn Học, số 232, tháng 7 và 8-2006 tại Mỹ (theo Ban Mai, bài viết này tổng hợp từ luận văn thạc sĩ có cùng tựa đề của Ban Mai và luận văn này đã được chuyển lên thành sách “Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng”), ông Vũ Đông Ngọc đã viết bài phê bình đăng trên mạng nhan đề “Nghiên cứu về Trịnh Công Sơn-Một luận văn tốt nghiệp thạc sĩ tại Việt Nam với số điểm tối đa có vấn đề” (xem bài đăng lại trên các trang: http://lethieunhon.com/read.php/2257.htm, http://tranquanghai. info/index.php?p=213). Qua bài này, một bài viết mà ông Vũ Đông Ngọc bộc bạch là đã được ông viết với cảm giác “buồn bã và xót xa”, ông Ngọc khẳng định luận văn Ban Mai đã sao chép văn người khác, nhân đó, ông đề cập đến vấn đề đạo đức và kỹ thuật trong thao tác khoa học của người làm nghiên cứu.

Sau khi đọc bài của ông Vũ Đông Ngọc, Ban Mai đã tiếp thu và thừa nhận: “Cám ơn ông rất nhiều khi có những lời lẽ đúng mực khi phê bình, và đem tôi làm minh chứng cho trường hợp về đạo đức trong nghiên cứu khoa học”, “Những điều ông Vũ Đông Ngọc chỉ ra phần nào là chính xác và đúng như vậy, tôi đã ghi chú sai sót trong quá trình làm việc. Trong quá trình sắp xếp ý tưởng của mình để kết nối với các nguồn dẫn liệu theo một bố cục nhất định, có lúc tôi đã sơ suất chưa ghi hiệu đính”. Ban Mai cũng đã nhận lỗi thay cho thầy hướng dẫn: “Riêng phần sai sót khi hiệu đính tư liệu tham khảo tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm không liên quan đến người hướng dẫn”.

Trên đây, tôi đã nêu lại phát hiện của ông Vũ Đông Ngọc về luận văn của Ban Mai để Ban Mai rõ đấy không phải là “phát hiện” của tôi. Còn đây mới là “phát hiện” (chữ Ban Mai đã dùng) của tôi mà không thấy Ban Mai nhắc đến.

Trong bài viết “Những sai lệch, thiếu sót trong cuốn sách “Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng”, tôi đã nêu ra một đoạn văn trong cuốn sách của Ban Mai sao chép văn Võ Phiến. Trong cuốn sách “Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng” (TCSVCDT), ở trang 56, có một đoạn, Ban Mai trích dẫn Võ Phiến và có chú thích, nhưng với một đoạn văn khác ở cùng trang, Ban Mai đã sao chép văn Võ Phiến trong “Tổng quan Văn học Miền Nam” đăng trên: http://www.tienve.org, vì sao chép nên “khỏi phải chú thích”: ““Những đứa xăm mình”, những con người ấy cũng một dòng máu như ta thôi. Trong lúc người lính Cộng hòa đã nhận ra cuộc chiến này “cũng chỉ một trò chơi” thì...phần đông “Kẻ thù ta ơi” đều “điên say chiến đấu”, đều tin chắc vào chính nghĩa của cuộc chiến, đều hô hào cổ võ một cách trịnh trọng”.

Cần nói thêm rằng, trong cuốn sách Trịnh Công Sơn Vết Chân Dã Tràng (TCSVCDT) của Ban Mai, có nhiều đoạn trích dẫn từ nhiều nguồn nhưng không thấy ghi dấu mở ngoặc kép và đóng kép, khiến người đọc không phân biệt được chỗ nào là văn Ban Mai, chỗ nào là văn trích dẫn. Cả Ban Mai khi hiệu đính, ông Đoàn Tử Huyến (người biên tập cuốn sách của Ban Mai) khi biên tập đã bỏ qua khâu sơ đẳng này. Vậy mà các ông Đoàn Tử Huyến, Vũ Ngọc Tiến vẫn cố mượn uy các giáo sư đã chấm luận văn của Ban Mai để “bảo vệ” cho lối “làm khoa học” kiểu Ban Mai. Đoàn Tử Huyến cho rằng: “Luận văn của chị đã được bảo vệ trước cả một hội đồng chuyên ngành, gồm nhiều giáo sư, tiến sĩ có uy tín chuyên môn, vững vàng chính trị” (xem bài Đoàn Tử Huyến trả lời phỏng vấn của Vietnamnet, nhan đề “Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng: cần đúng luật” đăng trên Vietnamnet ngày 18-8-2009). Vũ Ngọc Tiến qua bài “Bàn về cuốn “Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng” của Ban Mai” đăng trên: http://www.vanchuongviet.org cũng viết tương tự rằng luận văn của Ban Mai đã “được Hội đồng các GS, PGS thẩm định kỹ càng”. Các ông Đoàn Tử Huyến, Vũ Ngọc Tiến cần gì phải “đánh bóng” cho những cái sai của Ban Mai mà chính Ban Mai đã nhận lỗi trước ông Vũ Đông Ngọc và bạn đọc từ lâu.

Đã vậy, ông Vũ Ngọc Tiến lại còn “đi xa hơn” khi quả quyết về một “phát hiện” của Ban Mai trong cuốn sách TCSVCDT: “Trước Ban Mai, chưa ai tổng hợp ca từ Trịnh Công Sơn theo các thể loại thơ: 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ, lục bát và thơ tự do, ca dao, tục ngữ (trang 107- 110)”. Xin mời ông Vũ Ngọc Tiến đọc bài “Có một nhà thơ tên là Trịnh Công Sơn” của Nguyễn Trọng Tạo (in trong cuốn “Một cõi Trịnh Công Sơn”, NXB Thuận Hóa, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2002) viết vào dịp giỗ đầu Trịnh Công Sơn năm 2002, để thấy trước Ban Mai rất lâu, Nguyễn Trọng Tạo đã khẳng định Trịnh Công Sơn là một nhà thơ đích thực, sử dụng nhuần nhuyễn nhiều thể thơ truyền thống và thơ tự do, đặc biệt là sử dụng tài tình nhiều thể thơ trong một bài thơ.

Về cái gọi là “học thuật” và về sự xuyên tạc lịch sử

Trong bài trả lời phỏng vấn của Lê Đình Nhất Lang trên Da Màu, Ban Mai đã nhân danh cái gọi là “học thuật” để biện hộ cho những cái sai của mình.

Nói về cách hiểu tác phẩm, Ban Mai nhắc lại điều đã quá quen thuộc của lý thuyết tiếp nhận văn học: “Trong cùng một tác phẩm nghệ thuật sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau, tùy theo trình độ tiếp nhận tác phẩm của người đọc”. Nhưng hiểu theo cách gì đi nữa cũng phải trên cơ sở bám vào văn bản tác phẩm, không được xuyên tạc hoặc gán ghép cho tác phẩm những nội dung xa lạ mà nó không có. Chẳng hạn, không thể chỉ chuyên chú vào có mỗi từ “nội chiến” trong ca khúc “Gia tài của mẹ” của Trịnh Công Sơn để vội cho rằng người nhạc sĩ này coi cuộc chiến tranh Việt Nam 1954-1975 là “nội chiến” như cách của Ban Mai đã làm. Từ “nội chiến” này được Trịnh Công Sơn viết ra bằng “ngôn ngữ hợp pháp” lúc đó, ngoài nghĩa hiển ngôn mà ai cũng hiểu nhưng dễ bị xuyên tạc, điều quan trọng là còn có nghĩa ẩn ngôn của nó nhằm đánh thức, lay động tình tự dân tộc, lương tri dân tộc trong lòng những người cầm súng cho ngoại bang xâm lược. Nhạc ngữ phản chiến của Trịnh Công Sơn được viết ra một cách công khai, “hợp pháp” nên phải dùng nhiều ẩn ngôn, “mật ngữ” mà không dễ gì được hiểu đúng nếu không đặt chúng trong hệ thống liên văn bản của tất cả các ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn.

Với phương pháp nghiên cứu liên văn bản, nếu đặt từ “nội chiến” bên cạnh những từ ngữ khác như: “nô lệ da vàng”, “người cúi xin”, “lưu vong”, “tôi đòi”, “lao tù”…sẽ thấy Trịnh Công Sơn đã bóc gỡ lớp vỏ ngôn từ “nội chiến” nhờ vào những từ ngữ khác đầy bi phẫn để nhấn mạnh yếu tố ngoại bang xâm lược trong chiến tranh Việt Nam. Vượt qua ý niệm “nội chiến”, nhạc Trịnh đã thể hiện đầy thống thiết khát vọng hàn gắn vết thương chia cắt đất nước ở sông Bến Hải, Quảng Trị, băng bó thịt xương của hai miền đất nước bị tàn sát bởi đạn bom của ngoại bang xâm lược:
“Người nô lệ da vàng

Bước đi đi về biển xanh

Đi khâu vá con sông

Việt Nam hai mươi năm liền

Thịt xương phơi trên đôi miền”

(Đi tìm quê hương)

Vượt qua ý niệm “nội chiến”, nhạc Trịnh đã hát lên niềm tin, khát vọng vượt thoát thảm cảnh “nô lệ” ngoại bang xâm lược của những người dân Việt bằng quyết tâm “chống cướp đất”, “quyết lòng giữ nước”, “chờ diệt mối thù chung”:

“Dù trăm năm dài ngày đêm dân ta cứ quyết chiến đấu mãi

Đánh trăm quân thù

Mặt đất âm u đang dọn ngày về trong câu thề máu xương

…Ta nối nối tay cất tiếng cười thách đố ai cướp đất này”

(Chưa mòn giấc mơ)

“Dân ta thề quyết lòng giữ nước”

(Đừng mong ai, đừng nghi ngại)

“Bắc Nam hai miền những đứa con ngang tàng

Sao không chờ diệt mối thù chung”

(Tuổi trẻ Việt Nam)

Do không bám chắc vào toàn bộ ca từ nhạc Trịnh, do chỉ xuất phát và tập trung khai thác xoay quanh ca từ “nội chiến”, thiếu đi một cái nhìn liên văn bản, Ban Mai đã phân tích phiến diện, sai lệch ý nghĩa nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn, không thấy hết giá trị đóng góp của dòng nhạc này cho khát vọng hòa bình, thống nhất của dân tộc.
Đã không bám chắc vào văn bản, Ban Mai lại đi “cảnh tỉnh” về nguy cơ “thoát ly văn bản” trong nghiên cứu: “Ngôn ngữ nghệ thuật chỉ có ý nghĩa khi nằm trong văn bản, phải xét trong ngữ cảnh cụ thể, bước ra ngoài văn bản ngôn ngữ nghệ thuật sẽ có ý nghĩa nội dung khác”. Khi nêu lên điều này, Ban Mai đã tự mâu thuẫn với chính mình. Trong nghiên cứu văn bản nghệ thuật, dĩ nhiên là phải bám chắc vào văn bản nhưng không được “cô lập” văn bản như mẫu vật trong phòng thí nghiệm mà phải đặt văn bản trong bối cảnh nó ra đời chẳng hạn để “soi tỏ” toàn vẹn những giá trị của nó. Cách làm này, Ban Mai đã học được ở nhà nghiên cứu Bùi Vĩnh Phúc, ngay trong “Lời mở đầu” của cuốn sách TCSVCDT, Ban Mai đã dẫn: “Mặc dù coi những ca từ của Trịnh Công Sơn là những văn bản chính để khảo sát, nghiên cứu, chúng tôi còn muốn dựa vào một thứ “siêu văn bản” khác. Đó là hoàn cảnh xã hội, không khí thời đại, bầu khí quyển triết học, chính trị trong đó những ca từ của ông ra đời, và sự giáo dục cá nhân của chính con người nghệ sĩ. Tất cả những điều ấy cũng là những loại “văn bản khác”, qua đó, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần vào việc giúp nhìn rõ hơn chân dung tác giả, cũng như phát hiện phần chìm của tảng băng trong ngôn ngữ Trịnh Công Sơn” (1). Sao điều hay ho này, Ban Mai đã học được ở người khác mà vội “quên” nhanh vậy?

Cuối cùng, để né tránh hiện thực lịch sử, né tránh sự thật về chiến tranh Việt Nam mà Ban Mai đã tìm cách xuyên tạc, Ban Mai “phát kiến” ra thứ “học thuật” tách lịch sử, tách chiến tranh ra khỏi đề tài của văn học nghệ thuật. Đưa ra những lập luận kỳ quặc sau đây, Ban Mai cho đó là những “kiến thức cơ bản về lý luận văn học” cần lưu ý: “Đối tượng của chính trị là lịch sử, đối tượng của văn chương là tác phẩm”, “Trong lãnh vực văn học nghệ thuật, chiến tranh chỉ là một thi pháp (poetics). Là thi pháp, tức là nghệ thuật. Một sự thể hiện, chứ không phải là hiện thực. Một cuộc chiến tranh có thể mang tính chính nghĩa hay phi nghĩa; nhưng một tác phẩm viết về chiến tranh thì chỉ có vấn đề hay hoặc dở mà thôi. Trong các tác phẩm xuất sắc viết về chiến tranh, chúng ta dễ dàng nhận thấy tác phẩm Chiến tranh và Hòa bình của Leo Tolstoy không phải là tác phẩm thể hiện hiện thực lịch sử đúng nhất mà là tác phẩm viết hay nhất về cuộc chiến tranh Nga-Pháp”.

Thực ra, lịch sử đâu phải chỉ là đối tượng của chính trị, lịch sử và hiện thực cuộc sống nói chung còn là đối tượng của văn học nghệ thuật. Tách hiện thực chiến tranh ra khỏi đối tượng phản ánh, khám phá của văn học nghệ thuật, để từ đó cho rằng, trong văn học nghệ thuật, “chiến tranh chỉ là một thi pháp” là một sự nhầm lẫn ghê gớm về học thuật. Theo các nhà nghiên cứu, thi pháp là tổ hợp những đặc tính thẩm mỹ nghệ thuật, phong cách của một hiện tượng văn học, các thành tố nghệ thuật và mối quan hệ giữa chúng. Hiểu theo nghĩa rộng, thi pháp bao gồm cả những vấn đề loại hình, thể tài, những nguyên tắc, phương pháp phản ánh thực tại và các phạm trù không gian, thời gian nghệ thuật, hình tượng tác giả, điểm nhìn nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật về con người…“Chiến tranh” là một trong những đề tài của văn học nghệ thuật, còn “thi pháp” là cách viết. Viết về chiến tranh bằng cách nào, bằng phương thức thể hiện nào, đấy mới chính là thi pháp. Ở đây, Ban Mai đã lẫn lộn hoặc đánh tráo khái niệm “chiến tranh” với “thi pháp”, “đề tài” với “cách viết”, nhằm “chạy trốn” việc luận bàn về đề tài chiến tranh trong văn học nghệ thuật, với những vấn đề đặt ra như chiến tranh chính nghĩa hay phi nghĩa, sự thể hiện hiện thực lịch sử trong tác phẩm có đúng không…do Ban Mai đã “lỡ” viết sai về đề tài chiến tranh trong nhạc Trịnh chăng?
Một tác phẩm hay viết về lịch sử, về chiến tranh, đặc biệt là hay vào cỡ kiệt tác như tiểu thuyết trường thiên “Chiến tranh và hòa bình” của đại văn hào Nga Lép Tônxtôi, trước tiên phải là tác phẩm “thể hiện hiện thực lịch sử đúng nhất” đã, bởi trong văn học nghệ thuật, không hề có cái Mỹ mà xa rời cái Chân, cái Thiện. Để miêu tả đúng lịch sử, Tônxtôi đã sử dụng rất nhiều tài liệu, đã đi thăm chiến trường Bôrôđinô và vẽ nên bản đồ ghi lại việc bố trí quân đội Nga và Pháp trước và trong khi giao chiến. Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, Tônxtôi đã dùng nghệ thuật để khám phá sự thật lịch sử: “Tôi cố gắng viết lịch sử của nhân dân” (2). Nếu Tônxtôi viết về chiến tranh, ở đây là cuộc chiến tranh yêu nước của nhân dân Nga chống lại đội quân Napôlêông xâm lược mà không cần quan tâm đó là cuộc chiến tranh chính nghĩa hay phi nghĩa, Tônxtôi có thể đã mắc bệnh sùng bái mù quáng Napôlêông như thói thường thanh niên châu Âu thế kỷ XIX đã mắc phải (xin lỗi đại văn hào) chứ sao Tônxtôi lại đã miêu tả Napôlêông như con người “nhỏ bé, vô nghĩa”, “tên đao phủ của các dân tộc” được? Vậy ở đây, nên hiểu những điều mà Ban Mai nêu trên là “kiến thức cơ bản về lý luận văn học” hay phải gọi đích xác đấy chính là “những lỗ hổng tai hại về lý luận văn học”?

Nhân danh “học thuật thuần túy”, Ban Mai cho rằng: “Nghiên cứu dưới góc nhìn chính trị lấy lịch sử ra chứng minh là việc làm trái với học thuật”. Biện hộ cho Ban Mai, ông Đoàn Tử Huyến (bài đã dẫn) cũng nói: “Trao đổi về học thuật thì phải dùng học thuật để nói chuyện chứ không nên qui chụp chính trị”. Sự thật, Ban Mai đâu có làm “học thuật thuần túy”. Lợi dụng việc nghiên cứu về Trịnh Công Sơn, Ban Mai đã tìm cách xuyên tạc lịch sử và phủ nhận ý nghĩa của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc 1954-1975. Điều này thể hiện rất rõ qua bài viết “Trịnh Công Sơn và chiến tranh Việt Nam” của Ban Mai đăng trên Web của Hội Văn hóa Trịnh Công Sơn ở Pháp: http://www.tcs-home.org, nhất là với những đoạn đã được lược đi khi làm sách TCSVCDT.

Trong bài này, Ban Mai viết bừa rằng cả một thế hệ thanh niên nhận lãnh sứ mệnh yêu nước là bi kịch, trong đó kể cả nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm với cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” được phát hiện, xuất bản ở trong nước và nước ngoài những năm qua gây “chấn động” mạnh mẽ trong lòng đông đảo bạn đọc: ““Kẻ thù ta ơi” là một thế hệ tươi sáng, họ là những học sinh, sinh viên đầy nhiệt huyết, được đào tạo từ nhỏ về lòng yêu nước, yêu nước ở đây đồng nghĩa với ý thức của chủ nghĩa cộng sản về nhiệm vụ và sứ mệnh. Yêu nước ở đây đã gắn liền với một thể chế. Đây lại là một bi kịch khác. “Nhiệm vụ của ta là phải đấu tranh cho lẽ phải. Mà đã đấu tranh thì phải bỏ sức lực, phải suy nghĩ và phải hy sinh những quyền lợi cá nhân, có khi là cả cuộc đời mình, cho lẽ phải chiến thắng (Nhật ký Đặng Thùy Trâm)”. Ban Mai còn “cao giọng” phủ nhận sạch trơn ý nghĩa của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, coi đó là “binh đao điên loạn”: “Tại sao từ một cuộc kháng chiến chống Pháp ban đầu, vì lý tưởng chung của dân tộc - đánh đuổi ngoại xâm - lại đưa đất nước vào con đường chia cắt, đẩy thành một cuộc chiến tranh ý thức hệ cốt nhục tương tàn. Liệu có thứ triết thuyết hay chủ nghĩa cao cả nào có thể biện minh cho những quyết định lịch sử - đẩy anh em cùng giống Lạc Hồng lao vào cơn binh đao điên loạn này chăng? Vì lý tưởng hay vì cuồng vọng lợi quyền? Lịch sử mai sau rồi sẽ phán xét”.

Viết đến đây, tôi không thể không nhớ đến sự việc vừa qua, ngày 21-8-2009, trung uý William L. Calley, người đã tham gia trực tiếp và chỉ huy lính Mỹ gây ra vụ thảm sát kinh hoàng Mỹ Lai (làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) hơn 40 năm trước, vụ thảm sát giết hại hơn 504 dân thường làm chấn động lương tri nước Mỹ và nhân loại, nay Calley sau nhiều năm im lặng đã phải nói lời “tự phán xét” muộn màng về tội ác của mình trước công chúng: “Đó không phải là một ngày để dễ cho qua đi. Không ngày nào tôi không ăn năn hối hận với những gì đã xảy ra ở Mỹ Lai. Tôi hối hận với những người Việt Nam đã bị giết hại, với gia đình họ và với những binh lính Mỹ đã dính líu tới vụ việc. Tôi rất xin lỗi" (3). Đấy, Ban Mai chẳng cần gì phải đợi đến “lịch sử mai sau” đâu, trung uý William L. Calley đã “mở mắt” cho Ban Mai “tự phán xét”.

Vĩ thanh: Hãy nghe chính Trịnh Công Sơn nói về nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn

Trở lại với vấn đề học thuật, trong nghiên cứu về Trịnh Công Sơn, ngoài việc khảo sát ca từ nhạc Trịnh ra, cần phải dựa vào những loại “văn bản khác” nhằm “góp phần giúp ta nhìn rõ hơn chân dung, diện mạo của Trịnh Công Sơn” (4) như cách của Bùi Vĩnh Phúc đã làm mà Ban Mai đã “học” nhưng “học” không thấu đáo. Xin dẫn ra đây một loại “văn bản khác” mà nếu dựa vào đó, người ta không dễ gì lợi dụng đề tài Trịnh Công Sơn để xuyên tạc Trịnh Công Sơn và xa hơn là xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự thật chiến tranh Việt Nam.
Loại “văn bản khác” đó là những lời của chính Trịnh Công Sơn nói về nhạc phản chiến của mình. Trong bài “Xin nối một vòng tay” của Lưu Trọng Văn viết dưới hình thức một cuộc trò chuyện tâm tình với Trịnh Công Sơn, Trịnh Công Sơn đã bộc bạch mục đích làm nhạc phản chiến của mình là để chống chiến tranh phi nghĩa: “Khi người ta ý thức được về chiến tranh chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc thì không thể có tiếng nói chống lại” (5). Khi Lưu Trọng Văn chia sẻ: “Phản chiến…nhưng đã có lúc ông bị hiểu lầm”, Trịnh Công Sơn trả lời: “Nhưng tôi luôn tự hào rằng rất nhiều lính của Thiệu đã bỏ ngũ vì nghe bản nhạc “Người con gái da vàng” của tôi”, “Nói cho cùng thì…Trương Lương thổi sáo đâu phải cho quân mình buông kiếm. Đâu phải tự dưng chính quyền Sài Gòn ra lệnh cấm, tịch thu các bài hát của tôi. Ông xem cái lệnh cấm số 33 ngày 8-2-1969 này…” (6).

Trong bài phỏng vấn Trịnh Công Sơn của Ngô Ngọc Ngũ Long, nhan đề “Một cõi riêng thuần khiết cùng cuộc đời”, Trịnh Công Sơn đã hào hứng kể lại những năm tháng “xuống đường” tham gia phong trào đô thị tranh đấu đòi hòa bình và chính phong trào này đã nuôi nguồn cảm hứng cho những ca khúc Da Vàng của nhạc sĩ: “Bắt đầu từ những năm 70, tôi bị cuốn hút vào phong trào tranh đấu của sinh viên - học sinh, đó là những tháng ngày tôi sống hết mình và say sưa nhất, tôi viết trong niềm phấn khích mãnh liệt của những đêm không ngủ và chứa chan niềm hy vọng. “Ta phải thấy mặt trời” được hát tại giảng đường Đại học Huế, hát trong những ngày đấu tranh sôi bỏng nhất. Bạn bè tôi lúc ấy tôi biết rất rõ chí hướng của họ, và kính phục họ” (7). Phong trào tranh đấu đòi hòa bình này đã góp phần cùng dân tộc đi tới ngày thống nhất đất nước, như Trịnh Công Sơn đã nhấn mạnh trong ca khúc “Trong mỗi đời riêng” viết năm 1980:

“Qua chiếc cầu xưa nhớ anh Trỗi ngày nào

Qua những đường xưa nhớ tiếng hát tự hào

Dậy mà đi dậy mà đi

Xưa trong phố này từng quặn đau bao nỗi đời

Dậy mà đi ta cùng dậy mà đi

Có những ngày ấy mới có phút giây này”

Đúng, “có những ngày ấy mới có phút giây này”, nhạc Trịnh trước và sau năm 1975 là một sự liền mạch, tiếp nối thủy chung sau trước, một sự liền mạch chỉ có được do người nhạc sĩ tài hoa này luôn “Về trong suối nguồn” (tên một ca khúc Trịnh Công Sơn) của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, khát khao độc lập, thống nhất. Trước sức sống bất tận của mạch nguồn này, bao nhiêu thứ váng bọt “lợi dụng nhạc Trịnh”, “xuyên tạc Trịnh Công Sơn”, “xuyên tạc lịch sử” đều tiêu tan.
Nguyễn Hoàn

--------------------------------------------------------------------------

(1) Ban Mai, Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng, NXB Lao Động, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2008, tr. 12.

(2) Dẫn theo Nguyễn Hải Hà, Thi pháp tiểu thuyết L.Tônxtôi, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr. 71.

(3) Theo Báo điện tử Vietnamnet, ngày 22-8-2009.

(4) Bùi Vĩnh Phúc, Trịnh Công Sơn ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật, NXB Văn hóa Sài Gòn, 2008, tr. 28.

(5), (6) Trịnh Công Sơn - Rơi lệ ru người, Lê Minh Quốc sưu tầm và tuyển chọn, NXB Phụ nữ, Hà Nội, 2005, tr. 92, 93.

(7) Trịnh Công Sơn - Rơi lệ ru người, Sđd, tr. 79, 80.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét