THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2009

Người trở về từ Thành Cổ Quảng Trị

Người thành cổ Quảng trị

Một sáng mùa hè năm 2005, sau ba mươi tư năm, kể từ ngày những sinh viên trẻ măng rời Hà Nội vào chiến trường máu lửa, có một người cựu chiến binh - thương binh đến trồng bên mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc hai cây bạch đàn.
Đây loài cây mà Nguyễn Văn Thạc yêu thích, được nhắc tới nhiều lần trong những trang nhật kí Mãi mãi tuổi hai mươi. Anh là đồng đội, nhập ngũ cùng ngày với Nguyễn Văn Thạc (6/9/1971), nhưng may mắn hơn, anh đã có cơ hội đi tiếp vào “chảo lửa” Quảng Trị, có mặt trong 81 ngày đêm khốc liệt và bi tráng của Thành Cổ trong mùa hè đỏ lửa năm 1972.
Người cựu chiến binh đó là ông Nguyễn Quốc Triệu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đấu tranh thống nhất đất nước, Quảng Trị là chảo lửa tiếp tuyến giữa hai miền Nam - Bắc, nơi đụng độ quyết liệt giữa ta và địch. Người ta ước tính rằng, cứ mỗi mét vuông đất ở Quảng trị phải hứng chịu 250 kg bom pháo. Số lượng đạn bom của kẻ thù dội xuống Quảng Trị có sức công phá bằng 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945.
Tính riêng ở Thành Cổ, trung bình một chiến sĩ giải phóng phải hứng chịu 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Có ngày địch xả vào Thành Cổ 5.000 quả đại bác, vài chục lượt B52 quần đảo.
Cho đến nay, chưa có con số thống kê chính xác bao nhiêu người lính đã nằm lại Thành Cổ Quảng Trị. Có tài liệu ghi hơn một vạn, có  tài liệu ghi hơn một vạn rưỡi, nhưng tại nghĩa trang Thành Cổ chỉ quy tập được chưa đầy một ngàn nấm mộ, hầu hết là vô danh.
Biết bao chiến sĩ trẻ vừa rời giảng đường đại học đã mãi mãi nằm lại trong đống đổ nát của Thành Cổ và cả dưới dòng sông Thạch Hãn. Lê Bá Dương đã viết những câu thơ yêu thương máu ứa: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.
Máu xương của hơn một vạn người lính đã nằm xuống Thành Cổ ngày ấy đã góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Paris 1973 và Đại thắng Mùa xuân năm 1975. Nhiều người trong lớp sinh viên vào tuyến lửa năm ấy may mắn được trở về cứ mãi đau đáu với nghĩa tình đồng đội, lao vào cuộc chiến đấu mới trong công cuộc xây dựng đất nước, gánh cả phần việc của những đồng đội đã hy sinh.
Cùng với ông Nguyễn Quốc Triệu, đồng đội năm ấy nhiều người hôm nay cũng đang nắm giữ các trọng trách khác nhau như ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân dân và hàng ngàn kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà văn hoá… hoạt động trên nhiều lĩnh vực công tác.
Ông Nguyễn Trọng Bường, một cựu chiến binh Thành Cổ người Quảng Trị đã rưng rưng hồi tưởng lại trong lễ trao Kỉ niệm chương bảo vệ thị xã Thành Cổ ngày 22/12/2006 tại Hà Nội: “Hồi đó, thấy mấy anh từ Bắc vô, anh nào cũng trắng trẻo, thư sinh, đẹp trai, nhìn mấy anh tụi tui thấy tiếc, cứ nghĩ những người như mấy anh phải đi học,  phải là bác sĩ, kỹ sư để xây dựng đất nước chứ răng lại vô đây cầm súng chiến đấu?”.
Vậy đó, chính lớp chiến sĩ - sinh viên ấy đã làm nên trang sử hào hoa trong khúc ca bi tráng của Thành Cổ Quảng Trị. Đúng như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, khi nói về những người lính Thành Cổ đã viết: “Những người chết không phải vì để trở thành anh hùng mà chính là để đằng sau họ những người khác được tiếp tục sống trong tự do và hoà bình, chết cho nhân loại sống còn và thức tỉnh”.
Không có may mắn đi hết cuộc chiến tranh, không được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, nhưng trong những thời khắc máu lửa, trong những giờ phút đối mặt với cái chết, đối mặt với thử thách khốc liệt ấy, người lính trẻ Nguyễn Quốc Triệu cùng đồng đội Trương Xuân Hương đã vinh dự được kết nạp Đảng tại trận (ngày 25/8/1972). Đó là 2  chiến sĩ tiêu biểu của cả Đại đội quân y, được chọn lựa sau thử thách  một chiến dịch ác liệt.
Lễ kết nạp Đảng tổ chức ngay trong một căn hầm dã chiến ở thôn An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Giờ phút thiêng liêng trước Đảng kỳ năm đó mãi in sâu trong tâm trí ông: “Đồng đội ơi, sao đồng đội không về/ Vinh dự thế mà lòng son máu ứa/ Trên nóc hầm vẫn gầm gào đạn nổ/ Ôm súng xông lên sau phút thiêng này”(thơ Lê Cảnh Nhạc).
Về cuộc pháo kích dữ dội khiến ông Nguyễn Quốc Triệu bị thương năm ấy, ông Ngô Thản - nguyên Chủ nhiệm hậu cần Trung đoàn18 chiến đấu ở phía Nam Thành Cổ Quảng Trị và ông Dung- nguyên là chiến sĩ y tá, quê Thái Bình kể lại: Đó là một ngày khốc liệt. Khi C24 vừa được điều động đến địa điểm tập kết thì địch nã pháo dồn dập vào trúng đội hình đại đội quân y. Căn hầm chữ A của ông Triệu và một đồng đội khác bị quả đạn pháo gần kề cắt đứt nóc.
Cả “cái mũ” chữ A bay đi. Ngớt tiếng bom pháo, ông Ngô Thản cùng Đại đội trưởng Phan Ngọc Sơn đi kiểm tra thì thấy ông Triệu bị thương nặng ở ổ bụng,  máu tuôn trào. Đại đội trưởng Phan Ngọc Sơn và y tá Trương Xuân Hương cõng ông Triệu xuống xuồng máy, cho chở ngay ra bệnh viện mặt trận ở Cam Lộ. Xuồng chở ông Triệu đi được nửa chừng thì chết máy.
Tình hình hết sức nguy cấp. Vết thương ở ổ bụng càng ra máu nhiều, nếu không nhanh thì tính mạng khó qua khỏi. Vậy là các chiến sĩ quân y phải bỏ xuồng máy, khiêng ông Triệu và các đồng chí thương binh chạy bộ 3 cây số mới tới bệnh viện mặt trận đặt tại Cùa. Hôm đó may mắn là bệnh viện vừa được tăng cường đội điều trị của  quân y viện 103 từ miền Bắc nên anh Triệu đã được cứu sống...
Đã ba mươi sáu năm trôi qua, trang sử bi tráng của 81 ngày đêm máu lửa ở Thành Cổ Quảng Trị vẫn trào dậy trong kí ức những Cựu chiến binh- Người lính - Sinh viên hào hoa mà trung kiên năm ấy. Hằng năm, cứ đến ngày 6/9 - ngày lớp sinh viên trẻ rời giảng đường đại học vào tuyến lửa, các anh Nguyễn Quốc Triệu, Đinh Thế Huynh, Trịnh Quân Huấn, Trương Xuân Hương, Đỗ Hán, Dương Cao Tường, Nguyễn Văn Khanh, Trần Sỹ Lập, Hoàng Văn Dung ... và nhiều đồng đội cũ lại gặp nhau để ôn lại những kỷ niệm chiến trường, gắng làm điều gì đó cho đồng đội, cho những người đã hy sinh.
Mãi ba mươi lăm năm sau, ông Nguyễn Quốc Triệu mới tìm lại được đại đội trưởng Phan Ngọc Sơn của mình, cũng là người giới thiệu ông vào Đảng, hiện đang công tác ở Hội Chữ thập đỏ Cần Thơ. Ông Bộ trưởng tóc hoa râm khiêm nhường chào Thủ trưởng như đang đứng giữa hàng quân ba mươi lăm năm về trước.
Người đại đội trưởng năm nào nay tóc mây mướt gió, tâm hồn nghệ sĩ, thấp thoáng bóng dáng của tài tử hào hoa, sống chan hòa vào cỏ cây hoa trái của bình dị đời thường. Họ đều trở về từ Thành Cổ Quảng Trị, mỗi người một vị trí khác nhau nhưng cùng có một điểm chung, đó là tuổi tác và thời gian không thể xoá nhòa được dư âm hào sảng của năm tháng chiến trường gắn bó bên nhau, vào sinh ra tử, với tâm hồn trong sáng, vô tư và tình yêu cuộc sống thiết tha của một thời Sinh viên - Chiến sĩ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét