THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2009

Thành cổ Quảng Trị

Người thành cổ Quảng trị


Thành cổ nằm ngay trung tâm thị xã Quảng Trị, cách quốc lộ 1A khoảng 2km về phía đông và cách dòng sông Thạch Hãn khoảng 500m về phía nam.
Ban đầu Thành cổ được đắp bằng đất, đến năm 1827 được vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Thành có hình vuông, chu vi tường thành 2.000m, cao 9,4m, bao quanh có hệ thống hào, có bốn cửa Đông Tây Nam Bắc. Sau này Thành cổ vừa là công trình quân sự, vừa là trụ sở chính của nhà Nguyễn trên đất Quảng Trị (1909-1945). Năm 1972, trải qua 81 ngày đêm Thành cổ như một túi bom của kẻ thù. 81 ngày đêm, từng giờ từng phút trôi đi là biết bao mất mát, biết bao máu xương trộn lẫn với từng nắm đất nơi đây Thành cổ bị san bằng, chỉ còn sót lại một cửa phía đông.
Đến nay, trên những bức tường thành vẫn còn chi chít mảnh bom đạn. Qua một chiếc cầu bắc qua con sông nhỏ dẫn chúng tôi đến cổng thành vào bên trong. Khác với tưởng tượng của tôi, Thành cổ không có một ngôi mộ riêng nào cả. Sừng sững trước mắt tôi là một đài tưởng niệm duy nhất giữa bốn bề cỏ non và cây xanh mơn mởn.
Tượng đài được xây dựng khá cao, hình tròn tượng trưng nấm mồ chung cho những người con đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Bước lên đài tưởng niệm, du khách có thể nhìn được toàn cảnh Thành cổ. Tượng đài tạo ra một thế lưỡng nghi, trên là phần dương, dưới là phần âm. Phần dương có một lỗ thông từ dương xuống âm và hai nửa vầng trăng khuyết. Nó như diễn tả triết lý kinh Dịch: Trong âm có dương và trong dương có âm.
Phía bên dưới là phần âm, bên trong phần âm có đặt hành trang người lính (mũ và balô). Phần dương hướng lên trời với một cây Thiên mệnh. Nó có ý nghĩa đưa linh hồn các chiến sĩ đến sự siêu thoát trên thiên đường. Cây thiên mệnh đó xuyên qua ba áng mây tượng trưng cho: thiên, địa, nhân.
Phía trên cây thiên mệnh có một ngọn nến, tượng trưng cho ánh hào quang tỏa sáng nơi nơi. Và cũng là để nhắc nhở thế hệ sau luôn nhớ đến công lao trời biển của cha ông mình. Dưới tầng mây cuối cùng có hình tượng trưng cho ba bát cơm cúng người đã khuất. Điều đặc biệt là ngoài vòng tròn có gắn 81 tờ lịch, thể hiện 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt giữ Thành cổ của quân giải phóng.
Từng đoàn người bước lên dâng hương, hoa tưởng niệm. Khúc mặc niệm vang lên là lúc thiêng liêng nhất, không ai cầm nổi nước mắt.
Khi cô hướng dẫn viên đưa chúng tôi đến Bảo tàng Thành cổ, tôi không khỏi xúc động trước những di vật còn lại nơi đây. Là thế hệ trẻ, chưa một lần biết đến khói lửa chiến trường. Nơi đây còn minh chứng cho quá khứ hào hùng của dân tộc.
Những lá thư nặng lòng của người con gửi về quê mẹ, tinh thần lạc quan của các chiến sĩ trẻ với những nụ cười ngời lên trong bom đạn... Những dòng nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn viết trước lúc hi sinh khoảng một tuần: "19-8-1972: Ngày mai tôi giáp trận. Ác liệt, đấy là một điều tất nhiên của chiến trận. Rất có thể rồi đây tôi sẽ ngã xuống.
Không can gì, đấu tranh là phải đổ máu. Có máu mới có màu đỏ, có chiến thắng. Không sợ chết, không sợ hi sinh, gian khổ. Cái chủ yếu là phải sống. Cuộc sống đẹp nhất là sống trong chiến trận. Cuộc đời đẹp nhất là cuộc đời được tôi rèn". Thiết nghĩ trong thời bình hôm nay, đó vẫn là lý tưởng sống mà tuổi trẻ hôm nay nên noi theo: "Cuộc đời đẹp nhất là cuộc đời được tôi rèn".
Nhìn làn khói hương nghi ngút lan tỏa ở đài tưởng niệm, tôi chợt nhớ đến những câu thơ của cựu chiến binh Lê Bá Dương, khi ông trở lại chiến trường xưa rải những bông hoa trắng xuống dòng Thạch Hãn:

"Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Những tuổi đôi mươi thành sóng nước
Giữ yên bờ bãi mãi ngàn năm...". 

ĐỔ HUYỀN ANH
(K9 ĐH Văn hóa Hà Nội)/ www.tuoitre.com.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét