THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

Lịch sử Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị (1966- 1973)

Người thành cổ Quảng trị

CHƯƠNG II
MỞ CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG 9 - KHE SANH PHỐI HỢP VỚI TOÀN MIỀN TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY MẬU THÂN 1968

I. Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.

Cuối tháng 12 năm 1967, trên địa bàn vùng 1 chiến thuật, Mỹ - ngụy đã tập trung 243.000 quân (bao gồm:134.000 quân Mỹ, 99.000 quân ngụy và 5.000 quân các nước chư hầu). Đặc biệt, đối với khu vực trọng điểm Đường 9 - Khe Sanh, chúng đã tăng cường chủ lực lên đến 45.000 quân, trong đó có 28.000 quân Mỹ (biên chế thành 10 tiểu đoàn bộ binh, 9 tiểu đoàn pháo binh, 3 tiểu đoàn và một đại đội cơ giới), 17.000 quân ngụy (gồm 5 tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn và một đại đội pháo, một đại đội xe cơ giới), riêng lực lượng cơ động có 4 tiểu đoàn Mỹ và 2 tiểu đoàn ngụy. So với các vùng chiến thuật khác thì đây là vùng địch tập trung số lượng quân và phương tiện chiến tranh có quy mô lớn nhất, nhằm mục đích: ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, tạo ra bức "bình phong” án ngữ trực tiếp cho địa bàn Trị - Thiên - Huế, đồng thời giữ cho ngụy quân, ngụy quyền trong khu vực khỏi bị tan rã.

Song song với việc tăng cường lực lượng, Mỹ - ngụy tập trung đầu tư công sức, tiền của củng cố lại hệ thống phòng ngự gồm 23 vị trí liên hoàn với nhau dọc theo Đường 9 - Khe Sanh, chạy từ biên giới Việt - Lào đến bờ biển bắc Quảng Trị. Đây là hệ thống phòng ngự được tổ chức khá hoàn chỉnh, công sự được xây dựng vững chắc, có hầm ngầm kiên cố chống được đạn pháo cỡ lớn. Trong các khu vực phòng ngự có tổ chức các cụm hỏa lực pháo binh mạnh và không quân địch sẵn sàng chi viện cho việc cơ động khi thực hành các tình huống chiến đấu.

Trước việc Mỹ thay đổi các biện pháp chiến lược trên chiến trường, Bộ Chính trị ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra nghị quyết chỉ rõ: "Thực trạng diễn biến cơ bản của tình hình là ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi, địch đang ở thế thua, bị động và khó khăn, tình hình cũng cho phép ta có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của ta sang một thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định”.

Từ nhận định như vậy, Trung ương quyết định: "...Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định” (Chú thích: Viện Lịch sử quân sự Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975.). Những sự kiện quân sự. Nhà XB QĐND, Hà Nội, 1988, tr.56).

Qua nghiên cứu tình hình cách bố trí lực lượng cuối năm 1967, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã vạch ra kế hoạch chiến lược năm 1968 là: Cùng với đòn tiến công của bộ đội chủ lực nhằm thu húi, phân tán lực lượng, tiêu diệt địch mà chiến trường chính là hướng Đường 9 - Khe Sanh, thực hiện cuộc tiến công đồng loạt vào thành phố, thị xã kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng mở đầu cho một cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa lấy chiến trường chính là Sài Gòn, Nam Bộ, Trị - Thiên - Huế, trọng điểm là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng.

Để thực hiện quyết tâm chiến lược trên, ngày 6 tháng 12 năm 1967, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Theo quyết định trên, Thiếu tướng Trần Quý Hai Phó tổng tham mưu trưởng làm tư lệnh, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy mặt trận.

Cùng với việc kiện toàn công tác lãnh đạo, chỉ huy của mặt trận, Bộ cũng nhanh chóng điều động lực lượng đảm bảo dồn sức mạnh cho chiến dịch hoạt động giành thắng lợi. Ngoài lực lượng đã và đang hoạt động trên địa bàn mặt trận như: Sư đoàn bộ binh 325, các Trung đoàn 1, 2, 3 (của Sư đoàn 324 cũ), Trung đoàn 270 (Quân khu 4), 2 tiểu đoàn địa phương Quảng Trị, các đại đội địa phương huyện, 1 đoàn đặc công, 3 Trung đoàn pháo binh 84, 164, 204, hai Trung đoàn cao xạ 128, 282... là những đơn vị đã có ít nhiều kinh nghiệm đánh Mỹ và rất quen thuộc với chiến trường. Bộ Quốc phòng đã điều động 2 Sư đoàn bộ binh 304, 320, 5 đại đội đặc công, 4 đại đội xe tăng, 2 Trung đoàn pháo binh 675, 45, Trung đoàn cao xạ 241 vào tham gia chiến dịch. Các đơn vị mới được điều động từ miền Bắc vào được huấn luyện khá tốt, được trang bị đầy đủ, nhưng chưa có kinh nghiệm đánh Mỹ, chưa quen biết địa hình và thời tiết khu vực tác chiến.

Sau khi đã cơ bản tập kết được lực lượng và binh khí kỹ thuật, ổn định về tổ chức, ngày 31 tháng 12 năm 1967, Đảng ủy Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị đã họp hội nghị để xác định quyết tâm thực hiện nhiệm vụ trong đợt ra quân đầu năm 1968.

Dựa trên cơ sở chủ trương, kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng, chỉ lệnh nhiệm vụ của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, Đảng ủy Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị ra nghị quyết chỉ rõ: Trong Xuân - Hè năm 1968, toàn mặt trận phải quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ: tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, chủ yếu là Mỹ. Khi có điều kiện thì phá vỡ một phần hệ thống phòng ngự của địch ở đường 9 và phát triển vào Trị - Thiên - Huế. Thu hút, giam chân, tiêu diệt lực lượng Mỹ - ngụy ra đường 9 càng nhiều càng tốt. Đồng thời hiệp đồng chặt chẽ với các chiến trường toàn Miền, tạo điều kiện thuận lợi cho Trị - Thiên - Huế tiến công và nổi dậy (chủ yếu là Huế) và giải phóng nông thôn đồng bằng. Từ thực tiễn chiến đấu góp phần rèn luyện bộ đội, bồi dưỡng cán bộ để đánh lâu dài, càng đánh càng mạnh. Trong các nhiệm vụ trên, nhiệm vụ tiêu diệt địch, thu hút và giam chân địch tạo điều kiện cho các chiến trường toàn Miền mà trực tiếp là Trị - Thiên - Huế thực hiện tiến công và nổi dậy giành thắng lợi là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất.

Cũng tại hội nghị, bản quyết tâm thực hiện kế hoạch chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh chính thức được thông qua và ngay sau đó được triển khai xuống các đơn vị trực thuộc. Đảng ủy chủ trương chia Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị thành hai chiến trường:

Hướng tây (Khe Sanh) là hướng chủ yếu do các Sư đoàn 325 và 304 phụ trách.

Hướng đông là hướng quan trọng do Sư đoàn 320 và 3 Trung đoàn (của Sư đoàn 324 cũ) phụ trách (trong quá trình diễn biến chiến dịch, tùy tình hình có thể hướng đông sẽ trở thành hướng chủ yếu).

Hướng nam (khu đệm) phát triển vào Trị - Thiên - Huế, sử dụng Trung đoàn 27 làm lực lượng đi trước.

Với nhiệm vụ và mục tiêu được phân công trên các hướng, các đơn vị nhanh chóng bắt tay vào thực hiện công tác chuẩn bị của mình như: Trinh sát nắm địch, địa hình, bổ sung súng đạn, thuốc men, lương thực và phương tiện vũ khí kỹ thuật vừa trải qua một cuộc hành quân đường dài sức bộ đội giảm, pháo và xe tăng cần phải bảo dưỡng, sửa chữa và hiệu chỉnh... Hơn nữa, thời gian mở màn chiến dịch có sự thay đổi, lúc đầu dự kiến là cuối tháng 2, sau lại chuyển sang ngày 20 tháng 1 năm 1968, nên mọi công việc chuẩn bị đặt ra càng phải tích cực và chủ động hơn bất cứ lúc nào.

Ở Hướng Hóa, những ngày giáp Tết Mậu Thân 1968, hầu hết nhân dân vừa trải qua nạn đói khủng khiếp do chất độc hóa học của Mỹ gây ra, nhưng sau khi được các cơ sở Đảng và các đoàn thể cách mạng tuyên truyền, làm rõ tình hình và nhiệm vụ mớt, mọi người đều ghi tên đăng ký đi dân công hỏa tuyến phục vụ mặt trận. Do vậy, trong đợt đầu, toàn tuyến đã huy động được hơn 3.000 người lên đường phục vụ chiến đấu. Phần lớn số còn lại được phân công phối thuộc với một đơn vị công binh đi mở đường cho mặt trận Huế.

Ngoài việc đóng góp sức người cho mặt trận, mặc dù số đông gia đình vẫn còn thiếu đói nhưng để hưởng ứng chủ trương quyên góp lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến, nhân dân đã "thắt lưng buộc bụng" cùng nhau tự nguyện quyên góp gạo, sắn cho cách mạng. Kết quả đợt 1, các xã nam Hướng Hóa đã đóng góp được 200 tấn gạo, 2 triệu gốc sắn (mỗi gốc sắn thu được 1,5 đến 2 kg củ).

Đi đôi với việc đóng góp dân công, gạo, sắn cho mặt trận, lực lượng vũ trang huyện Hướng Hóa (trong đó có trung đội 4 bộ đội địa phương khu vực Ba Lòng trực thuộc đại đội bộ đội địa phương huyện Hướng Hóa) đã tích cực phục vụ và phối thuộc với bộ đội chủ lực tổ chức một số trận phục kích diệt 1 đoàn xe vận tải của Mỹ vào ngày 13 tháng 1, phá hủy 9 xe, loại khỏi vòng chiến đấu gần 100 tên địch ở đoạn đường Tân Lâm đi Cà Lu, đánh các điểm cao 1009, 845, 852 đêm ngày 18 tháng 1 năm 1968.

Đồng thời với công việc chuẩn bị, ngày 18 tháng 1 năm 1968, Trung đoàn 95C và 101D thuộc Sư đoàn 325 đã tiến công tiêu diệt cứ điểm Động Trị (điểm cao 1009), các điểm cao 845, 832, 683, 573 để thực hiện phối hợp và “dọn đường" cho các lực lượng chiến dịch áp sát lực lượng vào vị trí xung quanh Hướng Hóa, Tà Cơn (những mục tiêu mở màn cho chiến dịch Đường 9 -Khe Sanh Xuân - Hè 1968).

Ngày 20 tháng 1 các đơn vị cơ bản đã tập kết xong lực lượng, phương tiện vũ khí kỹ thuật trên các vị trí được phân công, Bộ tư lệnh chiến dịch đã phát lệnh nổ súng tiến công Khe Sanh với trận mở màn trên hướng tây đánh chiếm chi khu quân sự quận lỵ Hướng Hóa và điểm cao 832 (ngoại vi Tà Cơn).

Hướng Hóa là huyện vùng cao của tỉnh Quảng Trị, diện tích rộng nhưng phần lớn là rừng núi. Dân số ở đây có khoảng 30.000 người chủ yếu là người Tà Ôi và Vân Kiều. Chi khu quân sự và quận lỵ Hướng Hóa nằm trên đường 9 và là vị trí trung tâm Khe Sanh nên nơi đây được Mỹ - nguỵ đánh giá là "nơi an toàn nhất" của chúng trong hệ thống phòng thủ Đường 9 - Khe Sanh.

Đêm ngày 20 rạng ngày 21 tháng 1, khi pháo binh chiến dịch và của Sư đoàn 304 phát hỏa thì tiểu đoàn 7 Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304) có 1 tiểu đội bộ đội địa phương huyện dẫn đường bắt đầu xuất kích. Do máy bay B52 Mỹ đánh bom phát quang địa hình, cây cối ngổn ngang chắn đường cơ động liên đội hình tiến công rất chậm, một số bộ phận bị lạc hướng... mãi đến 4 giờ sáng ngày 21 tháng 1 tiểu đoàn 7 mới chiếm lĩnh được vị trí xuất phát tiến công.

Đòn tiến công bất ngờ kéo dài với uy lực mạnh chưa từng có của pháo binh ta đánh vào nhiều mục tiêu quan trọng của địch ở Khe Sanh đã “khoan" nhiều hố trên đường băng, làm cháy kho đạn 1.500 tấn, phá một máy bay lên thẳng (Chú thích: Lịch sử Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam 1945- 1975. NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội 1980. tr225). Mô tả cảnh tượng trên, nhà báo Mỹ Mai-cơn Mắc-li-a viết: “rạng sáng ngày 21 tháng 1 năm 1968, pháo tầm xa của Bắc Việt mở màn cuộc bao vây ở Khe Sanh với sự chính xác tai hại, 300 quả đạn đã làm 18 lính Mỹ chết, 40 bị thương, những quả đạn pháo ấy như rơi ngay vào Oa-sinh-tơn” (Chú thích: Mai-cơn Mắc-li-a. Việt Nam - Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Nxb Hà Nội l990, tr.148).

Khi quân địch chưa kịp lấy lại tinh thần, tiểu đoàn 7 đã đưa lực lượng lên nhanh chóng mở cửa, khắc phục vật cản và cơ động đánh chiến các mục tiêu trong tung thâm chi khu quân sự - quận lỵ Hướng Hóa.

Phối hợp chặt chẽ với Sư đoàn 304 đánh Hướng Hóa, Sư đoàn 325 dùng tiểu đoàn 6 Trung đoàn 2 đánh điểm cao 832 (tây bắc Tà Cơn khoảng 4 km) do 1 đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ tổ chức phòng ngự. Mặc dù được hỏa lực pháo binh chi viện nhưng quân Mỹ dựa vào lợi thế điểm cao, có hệ thống công sự trận địa phòng ngự vững chắc, đặc biệt là được cụm pháo Tà Cơn chi viện trực tiếp nên mọi sự cố gắng và quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 6 đều bị đẩy lùi và bị thiệt hại lớn. Trước tình hình này, Bộ tư lệnh chiến dịch đã quyết định chuyển tiểu đoàn 6 vào tổ chức bao vây kiềm chế địch.

Mất Hướng Hóa, Tà Cơn bị uy hiếp từ hướng nam. Điểm cao 832 ở phía bắc bị bao vây, địch dùng hỏa lực phi pháo ngăn chặn lực lượng ta.

Tiếp tục thực hiện ý định chiến dịch, ngày 23 tháng 1, Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh hạ lệnh tiến công tiêu diệt cứ điểm Huội San nằm sát biên giới Việt - Lào.
Huội San là khu vực phòng ngự của tiểu đoàn 33 - ngụy Lào (6 đại đội) và một số trung đội dân vệ, tổ chức thành 12 cứ điểm nhỏ, trung tâm là cứ điểm Tà Mây. Đây là cụm cứ điểm ngăn chặn đường 9 rất lợi hại của địch ở khu vực biên giới Việt - Lào.

Để đảm bảo đánh chắc thắng, ngoài lực lượng Trung đoàn 24 Sư đoàn 304, Bộ tư lệnh đã tăng cường thêm 1 đại đội xe tăng lội nước (11 xe PT-76) 1 đại đội công binh, một số trung đội địa phương và một số cán bộ địch vận của Quân giải phóng Lào.

Đây là lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bộ đội xe tăng được trực tiếp vào chiến trường tham gia chiến đấu. Vì vậy đại đội 3 xe tăng họp xác định quyết tâm "Kiên quyết đánh thắng trận đầu, một xe, một người cũng quyết đánh. Nếu phải chuyển sang đánh ban ngày cũng quyết đánh cho đến khi thắng lợi" (Chú thích: Lịch sử binh chủng Thiết giáp Quân đội nhân dân Việt Nam 1954 - 1975, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 1982 tr. 54)

Mặc dù phải chuẩn bị quá gấp, bộ binh và xe tăng chưa có điều kiện hợp luyện, nhưng đúng 19 giờ ngày 23 tháng 1, khi hỏa lực pháo binh bắn chuẩn bị, các mũi tiến công của bộ binh và xe tăng ta bắt đầu xuất phát xung phong. Khi xe tăng vượt qua các ngầm thì 2 chiếc (số 555 và 558) bị sa lầy, phải tập trung sức lực để cứu kéo, nên đội hình tiến công của ta bị địch phát hiện. Chúng dồn hỏa lực pháo binh và không quân đánh phá dữ dội vào đội hình của ta, sau đó tổ chức đánh chặn trên đường 9.

Trước tình hình khó khăn, phức tạp trên, chỉ huy Trung đoàn 24 đã quyết định đưa bộ binh cơ động vượt lên trước chủ động kiên quyết tiến công địch. Khoảng 6 giờ sáng ngày 24 tháng 1, tiểu đoàn 5 và đại đội 8 tiểu đoàn 6 đã vào tiếp cận địch. Đại đội 6 mở cửa đột phá trên hướng đông bắc, đại đội 7 bám được hàng rào tây bắc... nhưng hầu hết các mũi tiến công của Trung đoàn 24 đều bị hỏa lực các loại của địch chặn lại gây cho ta một số thiệt hại.

Trong lúc các mũi bộ binh của Trung đoàn 24 đang phải chống trả quyết liệt với quân địch, các xe tăng 558, 555 đã được kéo khỏi vùng lầy và không chờ tập kết đủ đội hình, đã nhanh chóng cơ động theo đường 9 bất chấp mọi hỏa lực đánh chặn dữ dội của địch, tiến thẳng vào căn cứ Tà Mây.

Thấy xe tăng quân giải phóng lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường, toàn bộ quân địch trong căn cứ lâm vào tình trạng hoảng loạn. Được xe tăng chi viện, các mũi tiến công của bộ binh nhanh chóng vượt qua cửa mở, tiến vào tung thâm, chia cắt địch, diệt sở chỉ huy, chiếm các mục tiêu và dập tắt mọi sự chống cự của địch.

8 giờ sáng cùng ngày, quân ta đã làm chủ căn cứ Tà Mây cùng hệ thống phòng ngự Huội San của địch. Phần lớn quân địch chốt giữ ở đây đều bị tiêu diệt và bị bắt, chỉ một bộ phận nhỏ chạy thoát về Làng Vây. Đây là trận chiến đấu ban ngày đầu tiên của Trung đoàn 24 trong chiến dịch đánh quân địch phòng thủ trong công sự vững chắc, giành thắng lợi nhanh chóng. Đặc biệt, đại đội 3 xe tăng mới chỉ có 2 chiếc (555 và 558) tham gia chiến đấu đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho bộ binh đánh thắng địch làm chủ mục tiêu, bảo tồn lực lượng, phương tiện, tạo niềm tin tưởng bước đầu về sức mạnh đột phá của xe tăng trong chiến đấu hiệp đồng binh chủng.

Cụm cứ điểm phòng ngự Huội San, chi khu quân sự quận lỵ Hướng Hóa bị tiêu diệt đã cắt đứt 2 mắt xích rất quan trọng trong hệ thống phòng thủ phía tây đường 9 của địch. Vòng vây xung quanh căn cứ Tà Cơn của ta mỗi ngày một xiết chặt, Mỹ đã khẩn trương dồn lực lượng không quân, pháo binh đánh phá quyết liệt nhằm ngăn chặn và đẩy lùi các mũi tiến công của Quân giải phóng. Mặt khác, chúng cấp tốc đưa thêm một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 9 lính thủy đánh bộ đến tăng cường cho Khe Sanh, nâng lực lượng đồn trú ở đây lên đến 6.000 tên (cuối tháng 1 năm 1968).

Cùng với các Sư đoàn 304 và 325 đánh địch trên hướng chủ yếu, trên hướng thứ yếu chiến dịch, Sư đoàn 320 được giao nhiệm vụ tác chiến tiêu diệt sinh lực địch, cắt đứt sự vận chuyển của địch trên đường 9, đẩy Khe Sanh vào tình trạng bị cô lập.

Đêm ngày 23 tháng 1, Sư đoàn 320 lệnh cho tiểu đoàn 1 Trung đoàn 64 cùng các tiểu đoàn 14 (pháo, cối mang vác) và 16 khẩu súng máy cao xạ 12.7 ly... cơ động triển khai xây dựng hệ thống công sự trận địa ở Động Mã (gồm các dãy điểm cao 322, 388, 166, 554 thuộc phía bắc đường 9); lệnh cho tiểu đoàn 8 Trung đoàn 64 vào bố trí ở đông nam Cù Đinh (điểm cao 182) sẵn sàng đánh địch ra ứng cứu đường 9, đưa tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 vào bám đánh địch trên đường 76 và phối hợp chiến đấu với Trung đoàn 64 khi cần thiết. Đồng thời Sư đoàn 320 cũng cho tiểu đoàn 1 và 2 (Trung đoàn 48) đi chuẩn bị cho trận đánh chiếm chi khu Cam Lộ.

Qua hai ngày chiến đấu (23 và 24 tháng 1), tiểu đoàn 7 Trung đoàn 64 Sư đoàn 320 đã phá hủy 10 xe quân sự (có 2 xe tăng), loại khỏi vòng chiến đấu hơn 100 tên địch. Sư đoàn 320 đã hoàn thành được nhiệm vụ cắt đứt đường 9, góp phần quan trọng vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho các Sư đoàn 304 và 325 của chiến dịch, siết chặt vòng vây ở Khe Sanh.

Ngày 25 tháng 1, tướng hai sao Uy-liêm Giôn, Tư lệnh Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ (lực lượng chủ yếu bảo vệ đường 9) sau khi đi thị sát đường 9, trực tiếp thấy những hố đạn pháo và cả đoàn xe quân sự của Mỹ bị Quân giải phóng thiêu hủy còn nằm ngổn ngang trên đường, đã đi đến quyết định: điều tiểu đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ từ Đông Hà ra Cam Lộ, đưa tiểu đoàn 2 từ Dốc Miếu về đánh chiếm điểm cao 105 (bắc đường 9) chuẩn bị bàn đạp tiến công Động Mã, "đuổi" tiểu đoàn 7 Trung đoàn 64 ra xa, phối hợp với lực lượng chốt giữ ở điểm cao 241 tổ chức bảo vệ đoạn đường này.

Qua nguồn tin tức của trinh sát phát hiện thấy địch đang cơ động lực lượng và xây đựng công sự trận địa ở khu vực điểm cao 105, ngay trong đêm ngày 25 tháng 1, tiểu đoàn 7 đã được lệnh cấp tốc luồn rừng, lội suối tới tiếp cận địa điểm dã chiến của địch khi chúng còn đang ngủ. Bộ đội nổ súng. Hầu như quân địch không kịp chống cự, phần lớn bị diệt, số sống sót vội tháo chạy vào ẩn nấp trong rừng chờ đồng bọn đến ứng cứu.

Trận đánh diễn ra chưa đầy 20 phút nhưng ta đã tiêu diệt được 1 số lượng khá lớn sinh lực địch, phá tan âm mưu đóng chốt trên điểm cao, từng bước giải toả và khống chế đường 9 của Mỹ.

Cùng với các đòn tiến công trên bộ, trong các ngày 20, 21, 22 tháng 1 năm 1968, Đoàn 126 đặc công Hải quân có sự phối hợp chiến đấu của tiểu đoàn 47 bộ đội Vĩnh Linh và du kích huyện Do Linh đã liên tiếp đánh chìm 6 tàu LCU trên cảng Đông Hà và đoạn sông làng Xuân Khánh.

Tiếp đó, trong 3 ngày 26, 27 và 28 tháng 1, các chiến sĩ đặc công Hải quân Đoàn 126 lại dùng thủy lôi diệt thêm 3 tàu LCU chở đầy hàng hóa quân sự của Mỹ từ Đà Nẵng qua Cửa Việt lên Đông Hà. Thắng lợi bước đầu trong việc phong tỏa cảng sông Cửa Việt đã góp phần quan trọng cho chiến dịch tiếp tục tiến công tiêu diệt địch trên hướng chủ yếu Khe Sanh.

Sức ép của Quân giải phóng ở Đường 9 - Khe Sanh ngày càng tăng đã làm cho bộ chỉ huy quân Mỹ ở Nam Việt Nam thực sự lo ngại. Tướng Oét-mo-len đã từ Sài Gòn ra Đà Nẵng để gặp các tướng lĩnh chỉ huy các sư đoàn lính thủy đánh bộ và lục quân vùng 1 chiến thuật bàn cách đối phó với ta.
Về lực lượng, Oét-mo-len đã quyết định tăng cuờng cấp thời toàn bộ sư đoàn A-mê-ri-cơn và 2 lữ đoàn của sư đoàn kỵ binh số 1 cho vùng 1, chủ yếu là Trị - Thiên - Huế, chuyển lữ đoàn lính thủy đánh bộ Nam Triều Tiên ra Đà Nẵng thay thế cho lữ đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, tăng thêm 1 lữ đoàn cho sư đoàn dù 101 và lên kế hoạch sẵn sàng đưa cả sư đoàn vào chiến đấu khi cần thiết.

Cùng với việc tăng quân, chúng đã thiết lập một Bộ chỉ huy quân sự Việt - Mỹ (MACVFOARD) tại Phú Bài để điều khiển lực lượng đánh trả các cuộc tiến công của ta trên đường 9 - Khe Sanh. Vì vậy số lượng quân chiến đấu của địch ở đây đã lên tới 43 tiểu đoàn chủ lực (25 tiểu đoàn Mỹ, 18 tiểu đoàn ngụy) với tổng quân số 69.490 tên (40.800 Mỹ, 28.690 ngụy).

Đến đây, Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh đã thực hiện được một phần nhiệm vụ thu hút giam chân một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động chiến lược của địch (chủ yếu là lính Mỹ), góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho toàn Miền thực hiện đòn chiến lược tổng tiến công đồng loạt Tết Mậu Thân 1968.

Trong khi quân địch đang tìm mọi cách đối phó với chủ lực giải phóng trên mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, trong các ngày 30 và 31 tháng 1 năm 1968, quân và dân ta đã mở cuộc tổng tiến công đồng loạt ở 39 trên tổng số 44 thành phố, thị xã, 71 trên tổng số 242 quận lỵ và hàng trăm vị trí quân sự của Mỹ - ngụy trên toàn miền Nam.

Lần đầu tiên quân và dân miền Nam đã giáng một đòn chí mạng vào các cơ quan chỉ huy đầu não địch như: Sứ quán Mỹ, Bộ Tổng Tham mưu quân đội Việt Nam cộng hòa, sở chỉ huy các quân đoàn, quân binh chủng, các sư đoàn, lữ đoàn... Mỹ - ngụy và chư hầu, các tiểu khu, chi khu quân sự, các sân bay, bến cảng, hệ thống kho tàng quân sự... làm tê liệt nhiều trung tâm thông tin liên lạc, vận chuyển và cơ động của chúng.

Phối hợp với các đòn tiến công của bộ đội chủ lực trên chiến trường, lực lượng vũ trang địa phương và các tổ chức cơ sở Đảng đã làm nòng cốt động viên hô hào nhân dân nổi dậy tiến công địch, giành quyền làm chủ nhiều vùng rộng lớn ở nông thôn, vùng quanh các thành phố, thị xã và thị trấn. Chính quyền cơ sở của địch ở nhiều địa phương bị xoá bỏ. Hệ thống "ấp chiến lược” và khu dồn dân của Mỹ - ngụy ở nhiều vùng đã bị phá banh, phá rã... Vùng giải phóng của cách mạng được mở rộng.

Ở mặt trận Thừa Thiên - Huế, do có sự chuẩn bị mọi mặt chu đáo nên các trung đoàn chủ lực 18C, 9 và 6 đã phối hợp với các lực lượng tại chỗ tiến công vào khắp các mục tiêu quan trọng của địch. Chỉ sau một thời gian ngắn ta đã làm chủ thành phố Huế - một sào huyệt quan trọng về quân sự, kinh tế, chính trị xã hội ở miền Trung của Mỹ - ngụy. Những thắng lợi to lớn và đều khắp miền Nam trên đây đã "giáng một đòn vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ", làm đảo lộn thế chiến lược của địch, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ", làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ" (Chú thích: Cuộc kháng chiến chóng Mỹ cứu nước 1954 – 1975 (Những sự kiện quân sự). sách đã dẫn, tr. 184.).

Hòa nhịp với khí thế tiến công mùa Xuân năm 1968 trên toàn miền Nam, trực tiếp nhất là Trị -Thiên - Huế và đặc biệt là để nhanh chóng ngăn chặn địch rút lực lượng từ đường 9 (hướng đông) vào gây khó khăn cho Trị - Thiên, Bộ tư lệnh Đường 9 – Khe Sanh đã ra lệnh cho Sư đoàn 320, có 1 trung đội bộ đội phân khu và 1 tiểu đội du kích huyện Cam Lộ phối thuộc tổ chức tiến công tiêu diệt chi khu quân sự - quận lỵ Cam Lộ (nằm trên ngã ba đường 9 và đường 76). Đây là căn cứ quân sự rất kiên cố gồm nhiều lô cốt hầm ngầm, công sự trận địa được xây dựng bằng bê tông cốt thép.
Mặc dù thời gian chuẩn bị cho trận đánh chỉ có hai ngày, lại đúng vào dịp tết Nguyên Đán nên khó khăn càng nhiều nhưng Sư đoàn 320 đã kiên quyết chấp hành chỉ lệnh của Bộ tư lệnh Mặt trận là "phải nổ súng đúng thời gian quy định".

Với bề dày kinh nghiệm đánh công kiên từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nên tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48 được giao thực hiện nhiệm vụ đúng thời gian và ý định tác chiến.

Sau khi khẩn trương hoàn thành công tác nắm địch, hiệp đồng với các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, đưa bộ đội vào chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công một cách bí mật an toàn, 1 giờ sáng ngày 2 tháng 2 năm 1968, tiểu đoàn 1 đã nổ súng tiến công vào căn cứ chi khu quân sự Cam Lộ.

Bị đánh bất ngờ và mãnh liệt bọn địch không kịp trở tay đối phó. Một số lượng quan trọng quân địch đã bị loại khỏi chiến đấu, bọn sống sót phải chui xuống hầm ngầm công sự lẩn tránh. Riêng ở phía nam chi khu, một đơn vị lực lượng vũ trang huyện Cam Lộ đã đột nhập diệt gọn trung đội dân vệ ác ôn, giải phóng 6.000 dân bị địch giam giữ trong trại tập trung.
Hơn 1 giờ sau đó, tình thế chiến đấu bắt đầu diễn ra bất lợi cho ta. Bọn địch bên dưới các hầm ngầm đã dần dần ổn định tinh thần, dùng máy thông tin gọi pháo bắn trực tiếp vào các mục tiêu trong cứ điểm nơi có quân ta đang tiến công. Tiểu đoàn trưởng Bùi Dung hy sinh, chính trị viên Ngọc Giao bị thương nặng. Cán bộ cấp đại đội và trung đội cùng một lực lượng quan trọng chiến sĩ trên các mũi tiến công bị thương và hy sinh, sức chiến đấu của ta giảm hẳn.

Trong khi đó, càng lúc địch càng tăng cường thêm pháo, máy bay ném bom quyết ngăn chặn cho được lực lượng tiến công của ta. Trước tình huống khó khăn phức tạp, biết có cố tập trung diệt cho được những lực lượng địch còn đang trốn dưới hầm ngầm cũng khó thành công mà nhất định số thương vong sẽ tăng thêm, sư đoàn ra lệnh cho tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48 lui quân.

Trong khi đó, tại thị xã Quảng Trị, mặc dù địch bố trí lực lượng phòng thủ khá dày đặc, nhưng đêm ngày 31 rạng ngày 1 (ngày 1 Tết) lực lượng đặc công biệt động của Mặt trận và Bộ đánh mạnh vào phía đông nam thị xã tiêu diệt và làm thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn quân ngụy. Cùng đêm, 2 phân đội đặc công bí mật vượt sông Thạch Hãn đột nhập vào bên trong đánh chiếm ty cảnh sát, dinh tỉnh trưởng, nhà máy đèn. Sau hai giờ chiến đấu, mặc dù đã diệt hàng chục tên, phá hủy được một số mục tiêu, nhưng sau đó bị địch chặn đánh quyết liệt, ta không tiếp tục phát triển được. Trong khi đó, các mũi của bộ đội địa phương và dân quân du kích đánh vào La Vang Thượng, Cầu Lớn cũng không dứt điểm. Vì thế đêm ngày 1 tháng 2, toàn bộ lực lượng phải rúi ra bên ngoài thị xã.

Sau khi tiêu diệt các căn cứ Hướng Hóa, Huội San, đánh thiệt hại nặng lực lượng địch trên đường 9 và chi khu Cam Lộ, Bộ Tổng Tham mưu đã gửi công điện khẩn cho Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị "Phải diệt căn cứ Làng Vây trong ngày 6 tháng 2 để phối hợp tác chiến chung với toàn Miền”.

Cứ điểm Làng Vây được địch xây dựng gấp rút vào cuối 1967 (cách căn cứ Làng Vây cũ khoảng 2 km đã bị ta tiêu diệt cùng với 1 tiểu đoàn biệt kích ngụy vào ngày 1 tháng 5 năm 1967), trên hai điểm cao 320, 230 có 6 lớp rào kẽm gai kiên cố bảo vệ xung quanh. Với lực lượng chiếm đóng cỡ tiểu đoàn biệt kích thám báo ngụy do cố vấn Mỹ chỉ huy và bộ phận tàn quân từ căn cứ Tà Mây chạy về tổng cộng khoảng 1.000 quân, chia thành 2 cụm phòng ngự có hệ thống lô cốt, hầm ngầm, công sự vững chắc, được trang bị cả súng chống tăng và thường xuyến được không quân chiến lược B52 liên tục đánh phá để chặn lực lượng ta tiến công... quân địch tin chắc sẽ khống chế, bảo vệ được đường 9 và cụm cứ điểm Tà Cơn.
Để đánh chắc thắng Làng Vây, Bộ tư lệnh Mặt trận chủ trương dùng một lực lượng mạnh áp đảo quân địch gồm Trung đoàn 24 Sư đoàn bộ binh 304, tiểu đoàn 3 Sư đoàn bộ binh 325, tiểu đoàn pháo 122 nòng dài Trung đoàn 45, Trung đoàn công binh 7 (thiếu), 2 đại đội xe tăng số 3 và số 9, 2 đại đội đặc công 4 và 10.

Tiếp tục phát huy yếu tố bất ngờ của lực lượng tăng - thiết giáp, cán bộ chỉ huy các đơn vị này đã nhiều lần đi nghiên cứu thực tế địa hình Làng Vây để tìm ra hướng tiến công lợi hại nhất. Do vậy, ngoài hướng phía tây đường 9, ta đã tìm ra một hướng rất hiểm yếu nữa là lợi dụng sông Sê Pôn đưa xe bí mật vào ém sẵn ở phía nam căn cứ. Đây là cả một sự quyết tâm rất cao của tất cả cán bộ, chiến sĩ tham gia trận đánh Làng Vây mà trực tiếp nhất là cán bộ, chiến sĩ công binh và xe tăng.

Trong lúc xe tăng và pháo binh đang gấp rút triển khai công tác chuẩn bị thì các đơn vị bộ binh đã nhanh chóng cơ động áp sát, hình thành thế bao vây căn cứ Làng Vây.

Cũng trong khoảng thời gian này, pháo binh địch từ các căn cứ Làng Vây và Tà Cơn kết hợp với không quân tập trung bắn phá dữ dội vào đội hình tiến công của ta.

Đúng 23 giờ 15 phút, pháo binh của ta tập kích hỏa lực đợt 2. Lợi dụng thời cơ này, phân đội mở cửa hướng chủ yếu (phía nam) do tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 trực tiếp chỉ huy đã cơ động lên đặt bộc phá mở cửa. Được pháo trên xe tăng yểm trợ trực tiếp nên chỉ 10 phút sau cửa vào căn cứ đã được mở thông. Đại đội 9 được 2 xe tăng dẫn đầu tiến vào đánh chiếm đầu cầu nhưng bị địch tập trung các loại hỏa lực đánh chặn quyết liệt, 2 xe tăng đều bị trúng đạn, một số chiến sĩ trong kíp lái bị thương, bộ binh đi cùng cũng bị thương vong một số, đội hình tiến công bị chậm lại.

Trước tình huống này, đại đội trưởng xe tăng Ngô Xuân Nghiên đã lệnh cho toàn đội hình xung phong nhanh chóng yểm trợ cho tiểu đoàn 3, lực lượng đặc công tíến sâu vào tung thâm căn cứ địch. Tiếng nổ dữ dội của đạn pháo, bộc phá, lựu đạn và tiếng gầm rú của động cơ và xích xe tăng đã làm cho cả vùng rừng núi phía tây nam thung lũng Khe Sanh rung chuyển, quân địch hoang mang, dao động, chống cự một cách yếu ớt rồi chui xuống hầm ngầm cố thủ. Tiểu đoàn 3 lần lượt đánh chiếm mục tiêu theo kế hoạch phân công.

Trên hướng Tây, tiểu đoàn 5 dùng 2 tiểu đội đặc công thực hành mở cửa lần 1 không thành công phải chuyển sang vị trí khác nên mãi tới 23 giờ 50 phút mới mở thông được đường vào căn cứ địch. Được đại đội 3 xe tăng tiến quân đi đầu đội hình, tiểu đoàn 5 đã dàn đội hình đánh chiếm các mục tiêu trên các điểm cao 230, 320, diệt gọn các đại đội 102, 103 biệt kích ngụy, sau đó phát triển tiến công cùng đánh vào sở chỉ huy tung thâm căn cứ Làng Vây với tiểu đoàn 3.

Riêng trên hướng đông bắc của tiểu đoàn 4 tình hình rất khó khăn. Vị trí mở cửa được chọn ở sườn đồi dốc giữa hai lô cốt địch, do vậy nhiều cán bộ, chiến sĩ xung phong lên đặt bộc phá mở cửa đã bị thương vong. Khi mở được hai lớp rào thì bộc phá hết mà hỏa lực địch từ hai sườn cửa mở vẫn bắn quét xối xả. Trung liên của ta tập trung đánh trả mãnh liệt nhưng không mang lại kết quả, còn B40, B41 chưa tìm ra được giải pháp ngắm bắn thích hợp vì sườn đồi dốc, vì vậy chỉ còn một cách là phải đứng bắn. Lợi dụng thời khắc khi địch thay băng đạn, các xạ thủ B40 và B41 của tiểu đoàn 4 mới diệt được các lô cốt của địch. Tiếp đó, theo lệnh của Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24, các phân đội mở cửa đã nhanh chóng cơ động lên cắt rào và chống rào lên cho bộ đội xung phong vào đánh chiếm các mục tiêu trong căn cứ.

Đến 3 giờ 30 phút ngày 7 tháng 2, cả ba hướng đã cơ bản hoàn thành việc đánh chiếm được các mục tiêu theo phân công.
Phát huy thắng lợi của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương Nam Hướng Hóa dưới sự chỉ huy của 2 đồng chí Hồ Văn Lôi và Hồ Văn Long đã tiến đánh bọn bảo an, dân vệ ở “ấp chiến lược" Làng Vây, diệt 17, bắt 8 tên, thu 17 súng các loại, tạo điều kiện cho nhân dân nổi dậy phá vỡ "ấp chiến lược" của địch.

Đến 10 giờ trưa ngày 7 tháng 2, trận đánh Làng Vây kết thúc thắng lợi. Ta đã diệt gọn một cứ điểm quan trọng án ngữ trên đường 9 của địch. Như vậy, cùng với thắng lợi ở Động trị, Huội San, Hướng Hóa, Cam Lộ... chiến thắng Làng Vây đã đẩy cụm cứ điểm Tà Cơn của địch vào thế bị cô lập hoàn toàn giữa lòng chảo thung lũng Khe Sanh; nhưng mục đích đặt ra là buộc địch phải tăng thêm quân nữa ra Khe Sanh là chưa thực hiện được. Mặt khác, do yếu tố bí mật, Bộ tư lệnh chiến dịch không được biết ngày "N” của cấp chiến lược, do vậy kế hoạch tác chiến chỉ nêu chung chung là phải ra sức đẩy mạnh các hoạt động phối hợp với các chiến trường trong toàn Miền nên chưa thực hiện được đầy đủ việc đánh mạnh, đánh dồn dập trước ngày "N” để thu hút địch.

Đặc biệt, đêm ngày 31 tháng 1 năm 1968, đêm giao thừa tết Mậu Thân, ta đồng loạt tiến công mạnh ở các thành phố, thị xã toàn miền Nam. Ở Thừa Thiên ta chiếm được thành phố Huế, nên lực lượng địch phải dồn vào ứng cứu, giải tỏa các đô thị, khả năng địch tăng viện ra Khe Sanh là rất ít xảy ra. Do vậy, Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 9- Bắc Quảng Trị chủ trương vây hãm Tà Cơn quyết "ép" địch phải đưa quân ra giải tỏa để thực hiện bằng được yêu cầu nhiệm vụ của chiến lược đặt ra.
Căn cứ phòng ngự Tà Cơn của địch có chiều dài 2.200m, rộng 1.260m, phía bắc và tây có các điểm cao khống chế, phía đông có sông Rào Quán nước sâu, bờ dốc đứng bao bọc, phía nam địa hình thấp thoải dần ra tận đường 9.

Với lực lượng 3 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 26, 1 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 9 Mỹ, 1 tiểu đoàn pháo 155 ly, đại đội xe tăng, tiểu đoàn 37 biệt động quân ngụy, 1 đội thám báo 300 tên (mang tên Lôi Hổ), địch bố trí như sau: 4 điểm cao 845, 852, 550, Động Trị ở phía Bắc do 1 tiểu đoàn Mỹ chiếm đóng; cổng phía Nam Tà Cơn do đại đội 37 biệt động quân ngụy bảo vệ. Ở khu vực sở chỉ huy và khu vực hướng Bắc bố trí 2 tiểu đoàn Mỹ cơ động sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết. Riêng đại đội thám báo Lôi Hổ cơ động thường xuyên xung quanh căn cứ, phát hiện từ xa mọi hành động xâm nhập vào căn cứ, đồng thời còn nắm và chỉ huy lực lượng dân vệ trong các "ấp chiến lược": Châu Lang Chánh, A Sơn, Tà Cơn, Làng Chàm để phát hiện cơ sở và các hoạt động của ta. Về hỏa lực pháo binh được bố trí 2 trận địa ở phía tây và đông bắc, 3 trận địa dự bị ở tây bắc, tây nam, đông nam cứ điểm.

Được xác định là trung tâm phòng ngự của tập đoàn cứ điểm Khe Sanh nên hệ thống công sự, trận địa, thiết bị chiến trường ở Tà Cơn được ưu tiên xây dựng rất kiên cố, vững chắc. Ngoài hệ thống hàng rào dây thép gai 5, 7 lớp đủ kiểu bùng nhùng, cũi lợn, mái nhà, các bãi mìn sát thương, cây nhiệt đới phát hiện, ngăn chặn mọi hành động xâm nhập cứ điểm, Mỹ- ngụy còn xây dựng hệ thống công sự trận địa liên hoàn, kiên cố, nối các ụ bắn lô cốt với nhau từ các điểm tới trung tâm chỉ huy căn cứ. Bên cạnh đó, mỗi khu vực của căn cứ (căn cứ được phân ra 5 khu vực nhỏ) còn có các hầm ngầm bê tông, một số nhà tôn hay nhà xây nửa nổi nửa chìm. Đặc biệt, ở giữa căn cứ còn có một sân bay với các thiết bị rất hiện đại bảo đảm cho tất cả các loại máy bay có thể lên xuống bất kỳ ngày hay đêm.
Tuy vậy, để bảo vệ Tà Cơn, ngoài lực lượng hỏa lực bố trí trong căn cứ, địch còn dùng pháo binh hỗn hợp (4 khẩu 155 ly và 10 khẩu 175 ly) ở căn cứ Ca-rôn trên điểm cao 241 cùng máy bay các loại kể cả B52 chi viện tối đa (có ngày pháo binh bắn tới 15.000 quả, máy bay chiến thuật oanh tạc tới 300 lần xung quanh căn cứ).
Với cụm căn cứ được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, lại có lực lượng khá lớn lính thủy đánh bộ trực tiếp bảo vệ, Oet-mo-len và Bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam tin tưởng bảo vệ vững chắc được Khe Sanh, tạo điều kiện cho viện binh tăng cường tới giải tỏa, đẩy các lực lượng chủ lực ta ra khỏi địa bàn.

Nhưng, đến thời điểm này cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đang diễn ra mạnh mẽ và rộng khắp, Mỹ - ngụy buộc phải đưa lực lượng cơ động về ứng cứu cho các trọng điểm (chủ yếu là các thành phố, thị xã... nhất là Huế), tuy một bộ phận lực lượng quân Mỹ vẫn bị bao vây tiến công cầm giữ ở Khe Sanh. Bộ tư lệnh Mặt trận quyết định đẩy mạnh vây lấn Tà Cơn (chuyển từ vây hãm sang vây lấn), tích cực tiêu hao, tiêu diệt địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, cắt tiếp tế đường bộ, đưa chúng vào tình thế khốn quẫn hơn nữa, buộc chúng phải đưa quân ra ứng cứu, giải tỏa càng sớm càng tốt.

Để tạo điều kiện cho quân dân hướng tây vây lấn Tà Cơn đạt hiệu quả cao, Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 9 -Khe Sanh đã chỉ thị cho quân dân hướng đông tăng cường hoạt động quân sự đánh cắt giao thông đường thủy và đường bộ nhằm hạn chế chi viện hàng hóa chiến tranh cho quân địch ở Khe Sanh.

Ngày 6 tháng 2 năm 1968, trong lúc tiếng súng tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân Trị - Thiên đang dồn dập vang động khắp nơi thì cán bộ chiến sỹ Đoàn đặc công Hải quân 126 cùng nhân dân các xã Do Hà, Do Quang, Cam Giang dưới sự chỉ đạo của Mặt trận và phân khu đội Quảng Trị đã chất hàng trăm cây dương liễu đường kính từ 10 đến 15 cm, cao 6 mét, hàng nghìn cọc tre tươi dài 6 mét vạt nhọn hai đầu, hàng trăm bó chông chà và hàng trăm cuộn dây thép gai các loại, đồng thời lựa chọn 80 du kích làm nghề sông biển, có hiểu biết về việc cắm cọc căng dây, cùng với bộ đội thiết lập "Bạch Đằng Giang" trên sông Hiếu quyết cắt đứt tuyến đường giao thông vận chnyển tới 80% tổng số hàng hóa vật dụng chiến tranh sử dụng trên chiến trường này của địch.

21 giờ 30 phút ngày 7 tháng 2 năm 1968, khi con nước thủy triều vừa xuống đến mốc chỉ định, từng đoàn thuyền chở người và vật liệu từ bến Thanh Xuân ra các khu vực lựa chọn, nhanh chóng rải quân, hạ cọc căng dây liêu kết các bó chông chà. Hơn ba giờ lao động cực nhọc căng thẳng, ba bãi cọc rộng hàng nghìn mét vuông nằm so le trên đoạn sông dài hơn 1 km được xây dựng xong. Gần sáng nước thủy triều lên lấp dần toàn bộ khí cụ chiến địa. Các đồng chí Mai Năng, Phạm Trung Toan (chỉ huy đặc công Hải quân), Trần Ba, Phạm Toàn (cán bộ liêu huyện) cùng các phái viên Bộ tư lệnh Mặt trận, từ trận địa phục kích ngắm nhìn dòng sông lòng đầy cảm kích trước trận địa "Bạch Đằng Giang", trận địa lòng dân đã được thiết lập và thầm hứa quyết tâm chỉ huy chiến đấu thật tốt để khỏi phụ lòng đồng bào, đồng chí.

9 giờ sáng ngày 8 tháng 2, sau khi dùng cối và đại liên bắn dọn đương, sáu tàu LCU chất đầy hàng hóa từ cảng Cửa Việt bắt đầu ngược nước.

Chiếc tàu thứ nhất, thứ hai vượt qua Xuân Khánh, chạm làng Bạch Câu. Các trận địa hồi hộp chờ lệnh. Khi chiếc thứ tư vừa hiện ra trong kính ngắm các khẩu pháo, đại đội trưởng Vũ Sơn chỉ huy trận địa hỏa lực hạ lệnh nổ súng. Cùng một lúc 4 khẩu ĐKZ 75, B41 gầm lên dữ dội. Chiếc thứ nhất và chiếc thứ tư trúng đạn nổ tung rồi chìm dần, hai chiếc tầu đi giữa vội vã quay đầu nhưng khi tháo chạy lần lượt sa vào bãi chướng ngại có gắn thủy lôi nhấn chìm...

Mô tả chiến công của ta và sự khốn cùng của địch trên tuyến đường thủy sông Hiếu trong những ngày đầu tháng 2 năm 1968, phóng viên Mỹ UPI viết: "Chỉ riêng khúc sông từ Cửa Việt đến Đông Hà dài 13 km cũng đủ khủng khiếp cho tàu và xuồng chiến đấu Mỹ. Các tàu của hải quân Mỹ buộc phải chạy thành đoàn với tốc độ 1 dặm một giờ". Và "ở đoạn sông này, mìn trôi trên sông, những hàng rào ngăn sông bằng tre, gỗ cài nhiều mìn và hai bên bờ sông ngày ngày đạn đại bác, rốc – két, súng cối bắn liên tiếp vào các đoàn tàu. Một tàu tuần tiễu bị đánh chìm, 8 tàu vạn năng bị đánh hỏng... Chẳng còn biết xoay sở thế nào vì máy bay, đại bác đã ném bom bắn phá nhưng quân cộng sản vẫn ở đây, lực lượng ngày càng tăng và cuộc tiến công của họ ngày càng táo bạo".

Ngày 8 tháng 2, để đảng bảo cho việc phục vụ vây lấn ở hướng tây chắc chắn thắng lợi, Bộ chỉ huy Mặt trận đã điện cho Sư đoàn 304, Sư đoàn 325 phải thực hiện tốt các yêu cầu sau:

- Nhanh chóng chuẩn bị chu đáo mọi yếu tố cần thiết để đưa lực lượng vào thực hành vây lấn ngay.

- Trên cơ sở trận địa ban đầu, tổ chức đào giũi xuyên qua các lớp rào của địch, tổ chức đánh phá các lô cốt tiền duyên, dùng súng bắn tỉa sát thương tiêu hao sinh lực, làm cho địch luôn ở trong trạng thái căng thẳng, hoang mang, dao động.

- Dùng các loại hỏa lực, kết hợp với đặc công khống chế phá hoại sân bay, triệt đường tiếp tế của địch. Tìm mọi cách cơ động súng máy 12.7 ly vào trong trận địa vây lấn để vừa đánh máy bay vừa trực tiếp đánh phá các trậu địa, hỏa điểm của địch.

Thực hiện chỉ thị của Bộ tư lệnh Mặt trận, bằng sự nỗ lực rất cao của mỗi cán bộ, chiến sĩ, đến ngày 10 tháng 2 năm 1968, hai Trung đoàn 9, 66 Sư đoàn 304, các trung đoàn 95c và 101D thuộc Sư đoàn 325C cùng bộ đội địa phương Hướng Hóa đã xây dựng được 13 trận địa vây lấn bao quanh căn cứ Tà Cơn.
Ngay trong đêm ngày 10 tháng 2, các trận địa vây lấn của ta đã thực hiện các trận chiến đấu đầu tiên đạt kết quả tốt: Sau khi lấn giũi mở toang một số đoạn rào, bộ đội ta dùng bộc phá, lựu đạn, bất ngờ tập kích tiêu diệt các lô cốt, hỏa điểm bảo vệ vòng ngoài gây thiệt hại khá lớn cho địch. Cũng tại đây, ta liên tục bắn pháo cối kết hợp với hỏa lực bộ binh đẩy lùi các đợt phản kích thăm dò của địch. Pháo binh ta tập kích dữ dội sân bay và các mục tiêu trọng yếu, gây cho chúng mất thế ổn định, ăn ngủ không yên, suốt ngày đêm chui rúc dưới hầm ngầm.

Trung bình mỗi ngày không quân Mỹ phải thực hiện 140 lần chiếc máy bay cho nhiệm vụ tiếp tế và tải thương, nhưng chỉ 40 lần được an toàn. Nhiều chiếc thoát được lưới lửa phòng không nhưng khi xuống đường băng lại trúng đạn pháo cối của ta.

Mô tả sân bay Tà Cơn, phóng viên hãng tin Roi-tơ của Anh ngày 18 tháng 3 năm 1968 viết: "Một sân bãi gồm máy bay lên thẳng và máy bay vận tải bị đốt cháy nằm dọc đường băng của Khe Sanh đã chứng minh cho các khó khăn hạ cánh và cất cánh của máy bay ở đó. Cộng sản đã khóa chặt căn cứ không quân này. Suốt ngày cộng sản đã nã súng cối và đạn pháo vào đường băng, không chiếc máy bay nào hạ cánh được”. Do vậy, tình trạng thiếu lương thực, thuốc chữa bệnh, vũ khí kỹ thuật và sự tồn đọng ngày một nhiều số binh lính thương vong trong căn cứ đã làm cho tinh thần quân địch mất ổn định.

Để đẩy lùi lực lượng ta ra khỏi Khe Sanh, Mỹ đã sử dụng hỏa lực pháo binh và không quân không hạn chế. Tính từ ngày 21 tháng 1 đến ngày 3 tháng 3 năm 1968, không quân Mỹ đã xuất kích 24.000 lần chiếc kể cả máy bay chiến lược B52, trút hơn 10.000 tấn bom các loại, đồng thời pháo binh từ Khe Sanh, trại Car ron và Rockpile bắn 150.000 quả đạn tạo nên những trận bão lửa dữ dội chưa từng thấy trên khắp khu vực Khe Sanh.

Điều đặc biệt là "trong cuộc oanh tạc này mỗi vị trí nghi là có quân Bắc Việt Nam được khoanh thành lô 500 x 1.000 mét, sau đó 2 chiếc A6, mỗi chiếc mang 28 quả bom loại 500 bảng Anh (225 kg) được gọi đến, 30 giây trước khi 2 máy bay này đến khu vực mục tiêu, pháo 175 ly từ căn cứ Car ron hay Rockpile bắn khoảng 60 quả đạn vào giữa ô, đồng thời pháo 155 ly và 105 ly cùng súng cối 106.7 ly nã đạn vào nửa ô còn lại. Thời gian được tính toán để toàn bộ bom đạn đồng thời rơi xuống khu vực đã định" (Chú thích: Pim Lott. Việt Nam Nhữilg trận đán'h quyết định. Trung tâm thông tin Khoa học-Công nghệ và Môi trường. Bộ Quốc phòng dịch và ấn hành năm 1997, tr. 115.).

Với sức đánh phá như vậy, mỗi ngày ta phải sửa, đào mới 40-50%, ngày cao điểm đánh phá có hướng, mũi phải sửa chữa đến 70% công sự trận địa. Cùng với thiệt hại về công sự, vật chất kỹ thuật, số lượng cán bộ, chiến sĩ ta bị thương và hy sinh lên tới gầu 200 người. Mặc dù vậy, cán bộ, chiến sĩ trên các mũi vây hãm địch của các Sư đoàn 304 và 325 vẫn kiên cường bám trụ vững và hoạt động đạt kết quả. Người trước ngã, người sau lên thay, phân đội này sức chiến đấu giảm, phân đội khác lên thay thế, cả sư đoàn, cả mặt trận đều dành mọi sự ưu tiên cao nhất cho các hướng, mũi vây hãm địch ở Tà Cơn.

Trước tình thế bị vây hãm ngày càng chặt, các đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ cũng liên tục tổ chức các đợt phản kích cố đẩy lực lượng ta ra xa. Các trận giao chiến giữa các mũi vây hãm của ta và các mũi phản kích của quân Mỹ diễn ra đặc biệt ác liệt vào cuối tháng 2 năm 1968. Tiêu biểu nhất là ở chốt số 3. Đây là trận địa chốt của đại đội 8 tiểu đoàn 2 Trung đoàn 9 đảm trách, gồm 3 khu vực; ở phía tây nam cách hàng rào Tà Cơn 600m, chốt chính được xây dựng trên một khu đồi không tên, từ đây có thể quan sát rõ toàn bộ cứ điểm Tà Cơn, phía tây nam chốt chính 300m là chốt phụ thứ hai. Chốt thứ ba nằm cách chốt thứ hai về phía nam 500m. Ba chốt như những chân kiềng hình thành thế vây hãm lợi hại nhất đối với Tà Cơn.

Từ các chốt, này bộ đội ta xuyên qua hàng rào bảo vệ vòng ngoài của căn cứ, bằng các loại hỏa lực cối 82 ly, B40, B41, ĐKZ và súng máy 12,7 ly bộ đội ta luôn gây nhiều thương vong và hoảng loạn cho địch. Và cũng do vậy nên máy bay địch đã không tiếc bom đạn ngày đêm oanh tạc dữ dội vào các chốt vây hãm của đại đội 8.

Với 32 tay súng, sau 10 ngày chiến đấu (từ 15-2 đến 24/2) đại đội 8 có các đơn vị pháo ĐKB, Đ74 yểm trợ, phối hợp đã tiêu hao được một bộ phận sinh lực địch, khống chế được sân bay, triệt đường tiếp tế của địch. Trận địa chốt vây lấn của đại đội 8 thực sự như một mũi tên đâm vào “yết hầu” quân địch ở Tà Cơn.

Để khắc phục tình trạng bất lợi trên, sáng sớm ngày 25 tháng 2, địch sử dụng 2 đại đội Mỹ, 1 đại đội ngụy chia thành 2 cánh tiến vào khu vực trận địa đại đội 8. Mặc du phát hiện địch chậm, song các chiến sĩ đại đội 8 đã nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu. Chờ cho địch vào đúng tầm, với hỏa lực mạnh, tập trung và kinh nghiệm bắn gần, ngay loạt đạn đầu tiên nhiều tên địch đi đầu đã bị tiêu diệt. Tuy vậy, quân địch vẫn đốc thúc nhau cố tràn vào trận địa ta. Hỏa lực cối của ta được lệnh bắn tràn lên đội hình xung phong của địch, gây thêm cho chúng nhiều thương vong.

Lợi dụng lúc đại đội 8 đang tập trung đối phó với cánh phản kích bên trái, cánh quân bên phải của địch lặng lẽ; mò mẫm tiến vào trận địa ta, nhưng mọi hành động của chúng đã bị phát hiện kịp thời. Khi đội hình 1 đại đội quân Mỹ vào cách chiến hào một của ta khoảng 20m, hỏa lực các loại của đại đội 8 đã tập trung bắn mãnh liệt, một bộ phận quân địch đã bị tiêu diệt. Bị đánh bất ngờ, quân địch rối loạn, nhiều tên bị tiêu diệt ngay dưới chiến hào của ta. Thấy tình thế của quân phản kích quá khó khăn, pháo binh địch từ căn cứ Tà Cơn được lệnh bắn yểm trợ. Lúc này ta và địch ở sát nách nhau nên pháo địch đã bắn cả vào đội hình quân phản kích của chúng gây thêm một số thương vong nữa.
Sau hơn một giờ tiến công vào chốt vây hãm của đại đội 8 không thành công, đến 10 giờ 15 phút sáng ngày 25 tháng 2 địch đã rút quân, chấm dứt trận phản kích, bỏ lại gần 100 xác chết trên trận địa. Để giải quyết hậu qua này, 12 giờ trưa cùng ngày, không quân Mỹ một mặt oanh kích dữ dội vào những khu vực nghi là có lực lượng lấn giũi của ta ém quân, mặt khác chúng thả bom xăng, bom na-pan xuống khu vực có quân Mỹ bị thương vong trong trận phản kích buổi sáng để thủ tiêu xác đồng bọn.

Trong trận đánh trả lực lượng oanh kích của không quân Mỹ, các đơn vị cao xạ và bộ binh tham gia chốt vây lấn ở Tà Cơn đã bắn rơi 4 máy bay Mỹ. Đây là trận đánh quân Mỹ phản kích thắng lợi đầu tiên của các phân đội tham gia vây hãm căn cứ Tà Cơn. Kinh nghiệm thực tiễn của trận đánh phản kích ở chốt 4 của Trung đoàn 66 đã nhanh chóng được phổ biến cho các đơn vị tham gia vây hãm học tập, vận dụng.

Ngày 8 tháng 3, địch dùng không quân và pháo binh đánh liên tục và dữ dội vào khu vực chốt vây hãm của đại đội 3 tiểu đoàn 1 Trung đoàn 9, làm cho 70% công sự, giao thông hào bị hư hỏng nặng, phần lớn chiến sĩ ta bị sức ép, một số bị thương vong, vũ khí và phương tiện chiến đấu bị hỏng hóc nhiều. Ngay sau đó chúng dùng đại đội biệt kích "Lôi Hổ" của ngụy cơ động vào phản kích. Do chốt vây hãm của đại đội 3 có ưu thế nằm trên khu vực địa hình cao, công sự vây hãm được đào xuyên vào trong lòng căn cứ địch nên việc quan sát phát hiện địch được khá sớm và đầy đủ, nên đã tạo được sự chủ động cho đại đội 3 nổ súng đánh địch. Chính vì vậy, sau 4 giờ nổ súng chiến đấu giằng co quyết liệt, đại đội 3 đã tiêu diệt gọn đợt phản kích của quân biệt kích ngụy, giữ vững trận địa.

Trong lúc mặt trận vây hãm Tà Cơn đang diễn ra ác liệt thì lực lượng chiến đấu của ta có sự thay đổi. Ngày 15 tháng 3, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã quyết. định điều động Sư đoàn 325 vào chiến trường Tây Nguyên chuẩn bị mở đợt tiến công, nổi dậy mới, chỉ để lại Tiểu đoàn 8 chốt giữ trên các điểm cao 845 và 832, chuyển sang biên chế cho Trung đoàn 24 Sư đoàn 304.

Ngày 30 tháng 3, với quyết tâm xóa bằng được chốt vây lấn của ta, địch tập trung pháo 105 ly và không quân oanh kích dữ dội khu vực trận địa ta từ chiều ngày 29 tháng 3 đến tận 4 giờ sáng ngày 30 tháng 3, sau đó dùng bộ binh và xe tăng thực hành xung phong. Trận chiến đấu không cân sức giữa địch và ta đã diễn ra vô cùng ác liệt từ 7 giờ đến 12 giờ 4 phút. Chỉ huy trận đánh của đại đội 6 tiểu đoàn 2 trên chốt đã hy sinh ngay khi trận đánh bắt đầu. Các chiến sĩ ta đã phối hợp đánh trả địch rất kiên quyết, nhưng do quân địch quá đông nên sau gần 2 giờ tác chiến, chúng đã tràn vào một phần của trận địa. Mặc dù chỉ còn rất ít các tay súng chiến đấu, nhưng ta vẫn tiếp tục đánh trả địch. Đến quá trưa, thấy quân lính quá mỏi mệt và số thương vong đã trên 100 tên, chỉ huy hành quân của địch ra lệnh thu quân rút vào căn cứ Tà Cơn. Trận đánh kết thúc, tiểu đoàn 2 nhanh chóng đưa lực lượng lên củng cố lại công sự, hầm hào, chuẩn bị cho trận đánh mới.

Qua bốn lần dùng lực lượng trong căn cứ Tà Cơn với quy mô đại đội, tiểu đoàn ra phản kích nhằm đẩy lực lượng vây lấn của ta ra xa không thành công, không quân Mỹ đã tập trung máy bay chiến lược B52 ném bom huỷ diệt hầu hết vành đai phòng ngự xung quanh căn cứ của chúng. Trung bình mỗi ngày Mỹ dùng từ 15 đến 18 lần chiếc B52, giội khoảng 3.300 tấn bom các loại xuống khu vực trận địa vây lấn của ta. Để tiêu diệt cơ quan lãnh đạo, chỉ huy mặt trận, Mỹ đã sử dụng một bộ phận quân thám báo trinh sát mang mặc những bộ đồ hoá trang như hổ, báo lén lút trong rừng dò tìm và chỉ điểm cho máy bay đến đánh phá.

Đồng chí Lê Quang Đạo kể lại: "Chúng tôi tới Sở chỉ huy Mặt trận vừa được vài ba ngày thì máy bay trinh sát của địch ngày đêm quần đảo trên bầu trời. Một tốp trực thăng địch đổ quân biệt kích lên đỉnh một núi đá gần khu vực sở chỉ huy. Đây là vùng dân cư thưa thớt, rừng rậm mênh mông. Hậu cần chiến dịch đã chuẩn bị đủ lương thực, thực phẩm có cả bánh chưng cho các đơn vị ăn Tết. Một ngày sau khi vào, chúng tôi đã mở được hội nghị đại diện các đơn vị, binh chủng tham gia chiến dịch để bàn kế hoạch tác chiến và giao nhiệm vụ chiến đấu cho tùng đơn vị. Các đại biểu ra về khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch. và quyết tâm rất cao. Mấy ngày sau, máy bay địch đến ném bom bắn phá dữ dội khu vực sở chỉ huy suốt ngày đêm, làm đứt hết đường dây thông tin liên lạc. Chúng tôi vô cùng sốt ruột vì không nắm được tình hình bộ đội. Anh Trần Quý Hai và tôi bàn nhau quyết định di chuyển đến sở chỉ huy dự bị. Vào khoảng 2 giờ sáng hôm ấy, lúc ngớt bom, chúng tôi và anh em bắt đầu ra khỏi hang đá, đi thành hai tốp. Vừa ra khỏi hang, B52 lại ném bom rải thảm toàn bộ khu vực. Cây cối đổ rạp, đất đá hai bên sườn núi sạt lở chặn lấp cả lối đi. Do vậy các đồng chí giao liên cũng không xác định được đúng đường đi nữa, cứ dẫn đi loanh quanh trong khe núi, dưới pháo sáng và bom đạn của địch. Có một số đồng chí bị tử vong do đá văng. Bác sĩ Trung đi cùng bị tụt chân xuống một khe sâu, may mà có chiếc ba lô con cóc to đeo đằng sau đỡ lại, nếu không đã nguy hiểm đến tính mạng. Chợt thấy tiếng bom nổ rất to ngay bên cạnh, lập tức chúng tôi nằm sấp xuống khe đá tại chỗ. Đồng chí Hoá và đồng chí Oanh, cán bộ, chiến sĩ bảo vệ đã nằm đè lên che chở cho tôi. Nhờ đó tôi được an toàn. Nhưng hai đồng chí bị thương do đá văng vào. Lúc ấy tôi không kìm được sự xúc động trước tấm lòng và tinh thần dũng cảm của anh em, đồng chí. Đồng chí Trần Quý Hai hội ý tìm chỗ tạm ẩn, đợi trời sáng, xác định đúng hướng hãy đi. Ở sườn núi gần đó có cái vòm đá kiểu hàm ếch. Mấy anh em lợi dụng luôn để tạm trú, tranh thủ bóc bánh chưng ăn. Đang ăn thì đồng chí Cao Văn Khánh, Phó tư lệnh Mặt trận từ chỗ tạm dừng quay lại tìm chúng tôi. Tất cả cùng đi đến sở chỉ huy mới. Máy bay B52 lại tiếp tục dội bom khu vực sở chỉ huy cũ suốt cả tuần, hôm sau nữa chúng tôi mới bắt liên lạc được với các đơn vị. Do vậy trong thời gian diễn biến chiến dịch, có lần sở chỉ huy chiến dịch của Mặt trận bị đánh phá thiệt hại nặng, các đồng chí lãnh đạo chiến dịch phải nhiều ngày sau mới liên lạc được với nhau. Đây thực sự là những ngày rất khó khăn gian khổ của cán bộ, chiến sĩ Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh trong đợt 1 cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1968" (Chú thích: Lê Quang Đạo ‘Nhớ mãi chiến dịch đường 9 - Khe Sanh” Báo Sự kiện và Nhân chứng số 1 năm 1998, tr 13.)

Như vậy, bằng những trận tiến công kiên quyết và mạnh mẽ, có sự phối hợp chiến đấu chặt chẽ giữa các đơn vị tham gia hoạt đọng trên địa bàn Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị, nên trong đợt hoạt động Tết Mậu Thân năm 1968, quân và dân ta lần lượt tiêu diệt các căn cứ quân sự khá mạnh của Mỹ - ngụy ở Huội San, Làng Vây, Hướng Hóa... và tổ chức vây hãm, vây lấn Tà Cơn một cách có hiệu quả, tiêu hao, tiêu diệt được một bộ phận quan trọng lực lượng và vũ khí phương tiện chiến tranh của địch.

Riêng thời gian gần 2 tháng vây hãm và vây lấn ở Khe Sanh, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 3.086 tên địch, bắn rơi và phá hủy 279 máy bay các loại, phá sập 85 lô cốt và ụ súng, phá hủy 35 kho tàng, làm thiệt hại nặng các sở chỉ huy, trận địa hỏa lực, khu thông tin của địch. Những thắng lợi bước đầu giành được trong đợt tết đã góp phần tạo đà cho cán bộ, chiến sĩ Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh tiếp tục bước vào đợt tiến công mới, quyết tâm thực hiện bằng được mục đích đặt ra từ khi mở màn chiến dịch là "thu hút và giam chân lực lượng cơ động của địch", tạo thuận lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 trên toàn miền Nam giành thêm thắng lợi to lớn hơn nữa.

II. Tăng cường tiến công địch, giải phóng Khe Sanh, mở ra thế trận mới

Những thất bại liên tiếp của Mỹ - ngụy trên mặt trận Đường 9 - Khe Sanh đầu Xuân năm 1968 đã gây chấn động mạnh đối với Lầu Năm Góc. Tổng thống Giôn-xơn cùng các quan chức đứng đầu Chính phủ và quân đội Mỹ đã quan tâm đặc biệt tới Khe Sanh.

Cuối tháng 3 năm 1968, Giôn-xơn đã chỉ thị cho Tay-lo thành lập "Phòng tình hình đặc biệt" ngay tại Nhà Trắng để theo dõi, thu thập nghiên cứu, phân tích tình hình chiến sự ở Việt Nam, đặc biệt là Khe Sanh. Giôn-sơn đã cho làm mô hình căn cứ này ngay trong Nhà Trắng và ngồi nghiên cứu hàng giờ mỗi ngày, thảo luận nhiều vấn đề chi tiết với các cố vấn quân sự - những người phải cam đoan rằng căn cứ này sẽ không rơi vào tay cộng sản. Cao hơn nữa, chính tổng thống đã ra lệnh cho Uy-lơ, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân phải ký cam kết giữ cho được Khe Sanh bằng bất cứ giá nào, bởi vì "tổng thống không muốn phải chịu những hậu quả quân sự và chính trị của thất bại như người Pháp năm 1954” ở Điện Biên Phủ. (Chú thích: J.Pim Lott, Những trận đánh quyết định, Trung tâm Thông tin Khoa học - công nghệ và Môi trường Bộ Quốc phòng dịchvà ấn hành. Hà Nội, 1997, tr. 109.)

Thực hiện ý định trên, ngoài lực lượng đang tổ chức phòng ngự chốt giữ Khe Sanh, Bộ chỉ huy quân sự Mỹ đã quyết định đưa sư đoàn kỵ binh không vận số 1 - lực lượng cơ động mạnh nhất, lần đầu tiên tham chiến trên chiến trường Nam Việt Nam và chiến đoàn dù 3 ngụy, liên tiếp mở các cuộc hành quân giải tỏa, nhằm đẩy lực lượng vây lấn của ta ra khỏi cứ điểm Tà Cơn, bảo đảm cho máy bay vận tải lên xuống tiếp tế hậu cần, kỹ thuật cho Khe Sanh, chuẩn bị cho việc thay quân chốt giữ Khe Sanh tiếp sau đó. Đây cũng là lầu đầu tiên trong cuộc chiến tranh Việt Nam, một lực lượng ứng chiến lớn, tình nhuệ được sử dụng vào việc hành quân giải tỏa trên một hướng phòng ngự quan trọng.

Với biên chế 15.787 người, 434 máy bay (chủ yếu là trực thăng), 1.600 xe các loại, 54 khẩu pháo 105 ly, 87 dàn rốc-két với 1.872 ống phóng cỡ 70 ly lắp đặt trên trực thăng vũ trang, sư đoàn kỵ binh 1 đã tạo cho lục quân một khả năng mà không một lục quân nào khác trên thế giới ngày nay có được.

Điểm mạnh cơ bản của sư đoàn kỵ binh không vận số 1 là tổ chức linh hoạt, sức cơ động cao, nhiều phương tiện trinh sát có thể phát hiện nhanh mục tiêu, hỏa lực mạnh cả trên không và mặt đất (đặc biệt là trên không) nên đã tạo được sức đột kích lớn trong tấn công - ưu thế về đột kích từ trên không xuống. Do vậy, khi sư đoàn này được điều động ra Khe Sanh đã gây khó khăn không nhỏ cho bộ đội ta, chính nó đã tác động ít nhiều đến tư tưởng, tinh thần cán bộ, chiến sĩ đang trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, nhất là trong thời điểm lúc đó khả năng phòng không của ta còn hạn chế, cuộc chiến đấu đã liên tục trong thời gian khá dài.

Việc địch đổ một số lượng lớn quân vào Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị đã tạo thuận lợi cho đợt 2 tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 trên toàn miền Nam giành thêm những thắng lợi mới, đồng thời đây cũng là thắng lợi quan trọng của Mặt trận. Song, cũng chính điều này đã làm so sánh lực lượng giữa ta và địch tại đây càng chênh lệch. Về phía ta có: Sư đoàn bộ binh 304 (quân số sau hơn 2 tháng chiến đấu bị tiêu hao nhiều, tuy có bổ sung nhưng thực tế số quân tiểu đoàn chỉ đạt 200 - 300 người), Trung đoàn pháo 45, Trung đoàn cao xạ 241; 2 đại đội xe tăng, các đơn vị du kích và bộ đội địa phương hai huyện Hướng Hóa, Cam Lộ (hướng tây), Sư đoàn 320: Trung đoàn 27, Trung đoàn 270, một số đơn vị địa phương (ở hướng đông).

Để chủ động đối phó với mọi hành động của địch, Bộ tư lệnh chiến dịch đã họp xác định quyết tâm: Động viên bộ đội tận dụng mọi lực lượng hiện có, nắm chắc thời cơ địch thoát ly công sự phản kích để tiêu diệt chúng. Do vậy, thế bố trí lực lượng của ta cũng có sự điều chỉnh: một bộ phận lực lượng phải cơ động gấp ra chốt chặn dọc đường 9 nhằm tiêu hao và làm chậm bước tiến của địch. Riêng bộ phận đang thực hành vây ép, vây lấn cụm cứ điểm Tà Cơn phải tăng cường giữ vững trận địa và tìm cách lấn giũi sâu thêm vào trong lòng căn cứ địch, đồng thời tích cực đánh và đánh thắng các mũi phản kích, khống chế và giam chân địch trong căn cứ; lực lượng cơ động luôn chủ động sẵn sàng đánh quân đổ bộ đường không xuống cụm cứ điểm, triệt để cô lập cụm cứ điểm Tà Cơn.

Phương pháp tác chiến được xác định là kết hợp đánh nhỏ với đánh vừa, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng binh chủng, tiêu diệt từng toán đổ bộ đường không, đánh chặn từng mũi tiến công đường bộ, thực hành chia cắt, bao vây tiêu diệt từng bộ phận lực lượng đội hình hành quân của địch. Khi địch đổ bộ hay tạm dừng, đứng chân chưa vững thì phải vận động tập kích tiêu hao tiêu diệt chúng.

Thực hiện ý định và quyết tâm của Bộ tư lệnh chiến dịch, các đơn vị tham gia chiến dịch đã khẩn trương tiến hành mọi công tác chuẩn bị. Các phân đội vây lấn kiên trì áp sát Tà Cơn, một bộ phận dự bị chiến đấu của Mặt trận được phân công ém sẵn ở một số khu vực dự kiến địch sẽ đổ quân, điều tiểu đoàn 8 Trung đoàn 9 Sư đoàn 304 ra Làng Cát, đưa tiểu đoàn 3 Trung đoàn 24 lên Thượng Vạn, lệnh cho 2 đại đội thuộc tiểu đoàn 8 ra Xóm Bông Miệt Xá, đại đội còn lại của tiểu đoàn 8 tăng cường hoạt động ở Cà Lu – Tân Lâm.

Song song với việc sắp xếp lực lượng, mọi yếu tố bảo đảm như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vũ khí, đạn... cũng được khẩn trương vận chuyển đáp ứng cho các đơn vị chiến đấu trong nhiều ngày. Khi mọi công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành thì cuộc hành quân giải tỏa quy mô lớn của địch ở Khe Sanh cũng bắt đầu.

Sáng ngày 1 tháng 4 năm 1968, không quân Mỹ đã sử dụng 15 lần chiếc B52 rải bom dọc hai bên trục đường 9, tiếp đó các máy bay trực thăng đổ 1 tiểu đoàn kỵ binh không vận xuống Bồng Nho, Động Tro và Úc Nghi, đổ 1 đại đội pháo binh xuống Tà Cơn. Cùng với đường không, trong ngày chúng còn cho 147 lần chiếc xe vận tải chuyển đồ dùng quân sự và đạn dược từ Tâu Lâm đến Cà Lu.

Ngày 2 tháng 4, máy bay địch tập trung oanh kích dữ dội ở khu đông nam Tà Cơn, sau đó chúng cho tiểu đoàn 1 lữ đoàn 3 kỵ binh không vận xuống Làng Khoai và một tiểu đoàn xuống Cà Lu. Ngày 3 tháng 4, địch cho 200 lần chiếc trực thăng đổ lữ một kỵ binh không vận Mỹ xuống Pa Ka. Làng Con, điểm cao 420, Cô Nhôm.

Rút kinh nghiệm đổ quân hai ngày đầu có tổ chức hỏa lực dọn bãi nên ý định bị lộ và bị ta cơ động mai phục hay sử dụng pháo binh đánh chặn gây cho chúng những thiệt hại đáng kể, nên lần này, chúng không những không dùng hỏa lực chuẩn bị mà tiến hành bất ngờ đổ quân xuống nhiều khu vực trong cùng một thời điểm. Đồng thời với đổ quân, địch thả ngay những lô cốt đúc sẵn và cả pháo 105 ly xuống để xây dựng trận địa chống lại các trận tập kích của bộ đội ta.

Cùng ngày, chiến đoàn dù 3 ngụy cũng được lệnh cơ động lên Cà Lu và sau đó được trực thăng chở đến đổ ở Ku Pút và bắc Làng Vây. Riêng lữ đoàn 2 kỵ binh không vận Mỹ chỉ có một tiểu đoàn được đổ xuống Ku Bốc và nam Hướng Hóa, 2 tiểu đoàn còn lại vẫn nằm ở lại sau.

Song song với việc đổ quân giải tỏa, địch tập trung hỏa lực pháo binh bán phá hết sức khốc liệt cả vòng trong, vòng ngoài phía trước cũng như hậu phương chiến lược gây cho ta những tổn thất khá lớn về người và phương tiện vũ khí, phá hủy nhiều mạng thông tin, gây mất liên lạc ở một số đơn vị trong nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày.

Sự tàn phá của bom đạn và lực lượng lớn quân kỵ binh không vận đổ xuống Khe Sanh (trong đó có một số lần đổ thẳng xuống trận địa của ta) đã khiến cho một số đơn vị lúng túng bị động. Nhưng qua trực tiếp chiến đấu, lòng tin của cán bộ, chiến sĩ ngày càng được củng cố vững chắc.
Sáng ngày 4 tháng 4 năm 1968, với ý định đánh chiếm bằng được điểm cao 471, khống chế vùng tây nam Tà Cơn, địch dùng hỏa lực pháo binh và không quân bắn phá dữ dội nhiều giờ vào điểm cao và đưa tiểu đoàn 1 trung đoàn 9 lính thủy đánh bộ Mỹ ra chiếm các mỏm 3, 4, 5 ở động Ché Riêng. Do có sự chuẩn bị công sự hầm hào vững chắc, cơ động linh hoạt nên phân đội chốt của ta trên điểm cao 471 đã bảo tồn được lực lượng và chủ động đánh trả đẩy lùi các mũi tiến công lên điểm cao của địch.

Trận chiến đấu giằng co giữa ta và địch kéo dài từ 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều vẫn không phân thắng bại, số thương vong của lính thủy đánh bộ Mỹ đã khá nhiều, chỉ huy quân địch đã quyết định dùng trực thăng đổ một tiểu đoàn kỵ binh không vận xuống mỏm 3 và 4 động Ché Riêng, tiếp tục tổ chức đánh chiếm điểm cao 471.

Sau một ngày chiến đấu ác liệt, lực lượng, vũ khí tuy bị tiêu hao khá nhiều, nhưng ngay trong đêm ngày 5 tháng 4, ta đã bất ngờ tập kích vào khu trú quân của địch trên mỏm 2 động Ché Riêng diệt gần 100 tên địch.

Cùng với điểm cao 471, khu vực chốt Làng Khoai, các tay súng của trung đội 3, đại đội 13 do tham mưu trưởng tiểu đoàn 3 trực tiếp chỉ huy, trong các ngày 4, 5, 6 đã liên tiếp đẩy lùi nhiều đợt tiến công của tiểu đoàn kỵ binh không vận Mỹ.
Tiêu biểu nhất trong các trận đánh giữ chốt trong các ngày đầu tháng 4 năm 1968 là điểm cao 559, nằm ở phía tây cụm cứ điểm Tà Cơn. Lực lượng giữ chốt ở đây ngoài 2 tiểu đội bộ binh chiếm giữ ở hai mỏm đồi còn có hai khẩu 12.7 ly và một khẩu cối 60 ly bố trí ở khu vực yên ngựa, có hệ thống hầm hào, công sự trận địa khá vững chắc nên các đợt tiến công của địch đều bị đẩy lùi.

Ngày 7 tháng 4, chúng lại nhiều lần đốc thúc quân lính tiến quân và cũng không mang lại kết quả, trong khi số thương vong đã lên đến hàng trăm tên. Núng thế, địch đổ thêm một đại đội kỵ binh không vận xuống điểm cao 832 để hiệp sức với bọn còn lại tiếp tục tiến công chiếm bằng được điểm cao 595.

Bên cạnh việc tăng cường lực lượng, quân Mỹ bỏ quy luật đánh ngày, tổ chức đánh ban đêm. Với thủ đoạn bất ngờ này địch đã chiếm được một số công sự và trận địa trong khu vực chốt giữ của ta, làm một chiến sĩ bị hy sinh và bốn chiến sĩ bị thương. Không thể để quân địch tiếp tục đánh chiếm đến mỏm cao của điểm cao 595, mặc dù chỉ còn lại rất ít lực lượng nhưng các chiến sĩ ta đã kết hợp sử dụng nhiều loại vũ khí đánh bại các mũi xung phong của địch, tạo điều kiện để lực lượng phía sau lên hỗ trợ chiến đấu bảo vệ vững chắc trận địa còn lại và giải quyết chính sách thương binh, tử sĩ. Gương chiến đấu kiên cường, dũng cảm, bảo vệ trận địa chốt đến cùng ở điểm cao 595 của Trần Hữu Bào (2 ngày diệt 79 tên địch) sau này đã được nhà nước tuyên dương danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Song song với nhiệm vụ đánh địch hành quân giải tỏa các điểm cao quan trọng xung quanh Tà Cơn và đường 9, không cho chúng hình thành thế hợp vây, Bọ tư lệnh cho các đơn vị chủ động tổ chức các trận tập kích tiêu diệt các vị trí tiến quân tạm thời của lực lượng kỵ binh không vận Mỹ.

Sáng ngày 5 tháng 4, tiểu đoàn 4 Trung đoàn 24 bất ngờ tiến công loại khỏi vòng chiến đấu gần 200 tên kỵ binh không vận trên điểm cao 400. Sáng ngày 7 tháng 4, chiến đoàn dù số 3 đã dùng 132 máy bay lên thẳng từ Nhơn Biều đổ xuống các ngọn đồi phía tây bắc Làng Vây cũ. Sau khi đánh chiếm các điểm cao 400, 542, đông nam 567, địch tiến hành đổ bộ đợt hai xuống Rồ Cút.

Trong thời gian đổ quân địch đã bị pháo ta tập kích trúng đội hình, hơn 200 tên thuộc tiểu đoàn 2 và 6 dù bị loại khỏi vòng chiến đấu. Tiểu đoàn 3 và 8 dù bị Trung đoàn 24 Sư đoàn 304 bám đánh liên tục, tiêu hao một bộ phận lực lượng và phương tiện, buộc chúng phải co cụm lên điểm cao 400. Đêm ngày 8 tháng 4, tiểu đoàn 4 Trung đoàn 24 bất ngờ tập kích diệt thêm một số trong đó có tên thiếu tá tham mưu trưởng chiến đoàn dù số 3 ngụy.

Ngày 10 tháng 4, tiểu đoàn 6 dù ngụy được một tiểu đoàn kỵ binh Mỹ yểm trợ chia làm 3 mũi hành quân đánh chiếm Làng Vây cũ. Được pháo binh chi viện, tiểu đoàn 7 Trung đoàn 66 đã liên tục đẩy lùi 3 đợt xung phong vào căn cứ Làng Vây của 2 tiểu đoàn địch, buộc tiểu đoàn 6 dù phải lùi về điểm cao 500 (tây bắc Làng Vây). Ngay đêm ngày 11 tháng 4, ta quyết định tiến công điểm cao 500, diệt thêm một đại đội, làm thiệt hại nặng một đại đội dù ngụy.

Bị thiệt hại nặng ở Làng Vây, ngày 12 tháng 4 địch tập trung không quân, pháo binh và cả chất độc hoá học đánh vào Làng Vây lần thứ hai. Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt. Để bảo toàn lực lượng, Bộ chỉ huy chiến dịch cho tiểu đoàn 7 rút khỏi Làng Vây. Lữ 1 kỵ binh Mỹ sau khi chiếm được Làng Vây đã nhanh chóng đánh chiếm Pa Ka, Làng Con, Làng Trài, Bi Hiên, đẩy được một số đơn vị của ta ra xa. Tuy vậy sau một tuần tác chiến ở khu vực Làng Vây, chiến đoàn dù số 3 ngụy đã bị thiệt hại tới 40% quân số. Tinh thần quân Mỹ mất ổn định nghiêm trọng, phải rút về căn cứ ở Huế để củng cố. Cuộc hành quân quân “Lam Sơn 207" của lữ đoàn dù số 3 ngụy đến đây chấm dứt.

Đặc biệt, với phương pháp tác chiến chốt kết hợp với vận động tiến công, trung tuần tháng 4 năm 1968, lợi dụng lúc địch tiến công đánh chốt 622 lộ toàn bộ đội hình trên trận địa, tiểu đoàn 8 Trung đoàn 66 đang ém sẵn ở các vị trí có lợi đã bất ngờ xuất quân trên nhiều hướng tiến đánh đội hình địch; loại khỏi chiến đấu 250 tên, gây thiệt hại nặng một đại đội lính thủy đánh bộ và hai đại đội kỵ binh không vận Mỹ.

Cùng thời gian trên, trên hướng đông, Sư đoàn 320 cũng tăng cường hoạt động tác chiến đạt kết quả khá tốt. Trung đoàn 64 liên tục tiến công trên đường 9 diệt nhiều xe cơ giới và quân chiến đấu của địch. Nhiều mũi tiến quân của địch nống ra phá thế vây hãm của ta ở khu vực Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, An Thái... đã bị Trung đoàn 48 chặn đánh và tiêu hao nặng.

Đặc biệt, những mũi thọc sâu của sư đoàn trên hướng Do Linh, Cửa Việt và những trận tập kích pháo binh cấp tập, liên tục của Mặt trận đã tạo thế uy hiếp rất mạnh và trực tiếp đối với những căn cứ yết hầu của địch ở Đông Hà và Cửa Việt. Đồng thời, trên tuyến sông Cửa Việt, những đoàn tàu chở hàng hóa của địch liên tục bị đặc công Hải quân và một số đơn vị của Sư đoàn Đồng Bằng kết hợp đánh chìm, bắn cháy. . . gây tác động không nhỏ đến việc tiếp tế vật chất cho quân phòng thủ của chúng ở khu vực đường 9.

Thấy quân số bị tiêu hao nhiều, tinh thần binh sĩ trực tiếp chiến đấu ở Khe Sanh đã quá mệt mỏi, rệu rã, chỉ huy quân địch quyết định thay quân. Để che mắt ta phát hiện, địch tiến hành thay quân thứ tự từ phía bắc, đến Tà Cơn và cuối cùng mới đến tiểu đoàn 1 lính thủy đánh bộ đang trực tiếp tiếp xúc với ta; thay dần từng đại đội, từng tiểu đoàn, tiến hành liên tục suốt ngày và các đơn vị dù đóng giữ ở xa hay gần sân bay Tà Cơn đều được tập trung về đây rồi mới tiến hành rút quân. Trong quá trình rút, chúng sử dụng chủ yếu là đường không, chỉ bộ phận vũ khí khí tài nặng mới rút theo đường bộ.

Trước tình hình mới xuất hiện, Bộ tư lệnh chiến dịch đã điện chỉ thị cho toàn mặt trận nhấn mạnh: Phải khắc phục mọi khó khăn về lực lượng nhanh chóng xốc lại đội hình, bám địch mà đánh, theo sát từng bước, chặn địch lại mà tiêu diệt... khôi phục lại thế trận vây hãm Tà Cơn... Phải đánh mạnh trên đường 9 không cho địch vận chuyển và cơ động được dễ dàng.

Ngày 14 tháng 4, địch bắt đầu thay quân. Mặc dù đã đặt ra kế hoạch nghi binh khá tỷ mỷ nhưng hành động thay quân và rút quân của địch đã bị ta phát hiện và bám đánh liên tục. Bộ phận kỵ binh không vận Mỹ rút khỏi Làng Vây, điểm cao 656 (nam Pa Ka) bị ta đánh tiêu hao nặng. Bộ phận nống đánh ra Xiêm La Ha (tây bắc điểm cao 845) và La Viêm Ấp (bắc điểm cao 832) đều bị ta chặn đánh phải quay trở lại, ở nhiều khu vực máy bay trực thăng địch không thực hiện được việc hạ cánh bốc quân mang đi hay đổ quân mới xuống bởi mạng lưới cao xạ của ta đánh trả quyết liệt. Sân bay Tà Cơn bị pháo binh ta tập kích, đường băng hỏng nặng, máy bay vận tải không lên xuống được; đường 9 cũng bị phục kích và đánh hỏng nhiều đoạn nên tốc độ rút quân trên bộ của địch diễn ra rất chậm.

Mặc dù vậy, đêm ngày 19 tháng 4, địch đã hoàn thành việc thay quân và rút quân. Toàn bộ sư đoàn 1 ky binh không vận và trung đoàn 26 lính thủy đánh bộ Mỹ đã rút khỏi khu vực Khe Sanh. Trung đoàn 9 (thiếu 1 tiểu đoàn) được bổ sung một tiểu đoàn của trung đoàn 4 lính thủy đánh bộ Mỹ, 2 tiểu đoàn kỵ binh không vận đã được đưa đến thay thế trung đoàn 26 lính thủy đánh bộ chiếm giữ cụm cứ điểm Tà Cơn. Rút kinh nghiệm hoạt động của Trung đoàn 26 trước đó, chỉ huy địch ở Tà Cơn chỉ để 2 tiểu đoàn làm nhiệm vụ chốt giữ các căn cứ, 4 tiểu đoàn còn lại làm lực lượng cơ động, sẵn sàng tổ chức các cuộc hành quân phản kích bảo vệ và mở rộng căn cứ hay bảo vệ giao thông.
Ngay sau khi ổn định đội hình thay thế ở Tà Cơn, địch bắt đầu mở các trận phản kích ra xung quanh cố đẩy lực lượng vây lấn vây hãm của ta ra xa, giảm áp lực đối với cụm cứ điểm phòng ngự Tà Cơn.

Ngày 21 tháng 4, 3 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ chia làm nhiều mũi cơ động tiến đánh điểm cao 622. Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 66 Sư đoàn 304 đã bám trụ công sự trận địa vững chắc kết hợp với vận động tiến công quy mô nhỏ trên từng hướng, đánh bại từng mũi tiến công lên điểm cao của quân địch, loại khỏi chiến đấu khoảng 250 tên, đẩy quân địch trở lại Tà Cơn.

Ngày 23 tháng 4, gần 1 tiểu đoàn kỵ binh không vận Mỹ từ Làng Con - Húc Hạ đã mở cuộc hành quân về phía Làng Vây, khi quân địch vừa đổ quân chiếm vị trí xuất phát xung phong đã bị lực lượng cơ động của Sư đoàn 304 chặn đánh quyết liệt, bắn cháy 2 máy bay chở quân, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch... bị đòn phủ đầu thiệt hại lớn về quân số, tổn thương nặng về tinh thần, số còn lại vội tháo chạy về Húc Hạ bỏ dở cuộc hành quân.

Trên tuyến đường 9, tiểu đoàn 8 liên tục phục kích đánh các đoàn xe vận tải vũ khí trang bị và cơ động lực lượng của địch. Ngày 19 tháng 4 ta diệt 5 xe GMC, 1 xe M113; ngày 20 tháng 4, loại khỏi vòng chiến đấu 2 trung đội địch hành quân trên 6 xe chở quân; ngày 21 tháng 4, ta diệt thêm 108 tên địch cùng 1 xe tăng và một số xe vận tải của địch.

Bị thiệt hại lặng nề về lực lượng và phương tiện trong ứng cứu, giải tỏa Khe Sanh, cuối tháng 4 năm 1968 địch buộc phải kết thúc cuộc hành quân "Ngựa bay" và "Lam Sơn 207” khi ý định giải tỏa Khe Sanh chưa thực hiện được. Tuy vậy, các cuộc hành quân của chúng đã đẩy được một số mũi vây lấn của ta ra xa, chiếm được một số khu vực chốt quan trọng ở khu vực xung quanh Tà Cơn, gây thiệt hại về quân số và trang bị vũ khí kỹ thuật cho ta.

Tháng 5 năm 1968, toàn miền Nam mở cuộc tiến công và nổi dậy đợt 2, với khí thế: "Phát huy khí thế chiến thắng, tiếp tục phát triển, tiến công toàn diện giành thắng lợi ngày càng to lớn hơn nữa, nhanh chóng mở rộng lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị cách mạng, càng đánh càng mạnh, đẩy địch vào thế thất bại liên tiếp, ngày càng suy yếu, tan rã không gượng dậy được" (Chú thích: Nghị quyết Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ngày 24 tháng 4 năm 1968.)

Nhiệm vụ chiến lược của Mặt trận Đường 9 – Khe Sanh vẫn được xác định là: tiếp tục vây hãm Khe Sanh, kìm giữ và diệt địch ở chiến trường Đường 9.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong đợt 2 tiến công và nổi dậy năm 1968, đầu tháng 5, Đảng uỷ và Bộ chỉ huy Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh đã họp và quyết định: tập trung lực lượng chủ động mở các trận tiến công nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, nhanh chóng khôi phục và củng cố lại thế vây lấn Tà Cơn, tạo thế uy hiếp cụm phòng ngự Tà Cơn mạnh hơn nữa, buộc địch phải đưa lực lượng lên giải tỏa lần thứ 2 hoặc phải rút chạy, tạo thời cơ đánh địch ngoài công sự, kéo thêm quân địch ra đường 9 để tiêu diệt. Nhưng do quân số có hạn, vũ khí đạn dược có hạn, sức khoẻ của bộ đội đã giảm sút sau chiến đấu dài ngày trong điều kiện rừng núi, các yếu tố bảo đảm hạn chế nên phương châm tác chiến được xác định là giữ vững chủ động, hoạt động nhỏ, đánh tiêu diệt gọn, đánh liên tục nhưng có trọng điểm, vừa đánh vừa củng cố lực lượng, thế trận, sẵn sàng chuyển sang đánh lớn khi có điều kiện, thời cơ thuận lợi.

Nhờ có sự chỉ đạo, chỉ huy sâu sát của Đảng uỷ và Bộ chỉ huy Mặt trận, nên ở khu vực chủ yếu Khe Sanh, lực lượng bộ binh được bố trí rất hợp lý. Tiểu đoàn 8 đảm nhiệm đánh địch trên đoạn Cà Lu - Rào Quán. Khu vực phía tây và đông bắc Tà Cơn do Trung đoàn 66 đảm nhiệm. Trung đoàn 9 được phân công vây lấn ở nam Tà Cơn. Riêng Trung đoàn 24 được lệnh lui về tuyến sau để bổ xung lực lượng, củng cố đội hình, sẵn sàng tham ra chiến đấu khi có lệnh.

Với lực lượng có trên các địa bàn được phân công, các đơn vị đã nhanh chóng bố trí đội hình và mở một số trận chiến đấu đạt hiệu suất cao ngay từ những ngày đầu tháng 5.

Ngày 4 tháng 5, ta bất ngờ tập kích điểm cao phòng ngự 552 của địch, đánh thiệt hại nặng 2 đại đội kỵ binh không vận, một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ, phá hủy 4 khẩu pháo 105 ly và 9 khẩu cối 106,7 ly của chúng. Cùng thời gian, ở hướng tây và tây bắc Tà Cơn, Trung đoàn 66 thực hành bao vây kiềm chế các điểm cao 832, 689. Ở hướng đông nam Trung đoàn 9 tiến công áp sát Làng Khoai, tổ chức đánh bại một mũi phản kích của địch, bắn rơi 3 máy bay trực thăng và tiêu diệt, làm bị thương khoảng 200 tên địch.

Trên tuyến đường 9 liên tục trong các ngày 14 và 15 tháng 5, ta đã tổ chức một số trận tập kích ở nam Làng Khoai, diệt nhiều xe vận tải và sinh lực địch, gây khó khăn cho việc tiếp vận cho Tà Cơn của chúng.

Với những hoạt động có hiệu quả của ta trong nửa đầu tháng 5 năm 1968, thế trận vây lấn Tà Cơn đã được khôi phục lại như trước ngày địch mở các cuộc hành quân giải tỏa, các loại hỏa lực súng cối và ĐKZ của ta tiếp tục bắn vào trung tâm tập đoàn phòng ngự Tà Cơn, gây cho địch nhiều thiệt hại. Nhưng trên thực tế, lực lượng ta đang trực tiếp chiến đấu ở khu vực Khe Sanh không còn đủ sức để vừa thực hiện vây lấn Tà Cơn vừa sẵn sàng tổ chức đánh bại các cuộc hành quân giải tỏa của địch.
Trước tình hình khó khăn ở Khe Sanh, Bộ Tổng Tham mưu quyết định điều Sư đoàn bộ binh 308 (thiếu Trung đoàn 36) vào chiến đấu ở Mặt trận Khe Sanh, với nhiệm vụ được xác định là: "Cắt đường số 9 từ Rào Quán đến Ku Bốc, đẩy Khe Sanh trở lại tình trạng cô lập đường bộ, buộc địch phải ra giải tỏa, tạo thời cơ cho ta tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch ngoài công sự, uy hiếp địch ở Tà Cơn, buộc chúng phải rút lực lượng ở nơi khác tăng cường cho Tà Cơn, giam chân địch càng đông, càng lâu càng tốt, phối hợp với đợt hai tiến công và nổi dậy toàn Miền. Phương châm đánh địch ngoài công sự là chủ yếu, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, tạo điều kiện đánh lớn" (Chú thích: Sư đoàn Quân tiên phong, tập 3 Ký sự, Nxb Quân đội nhân dân. Hà Nội, 1979. tr. 51, 52.)

Trong thời gian Sư đoàn 308 tập kết lực lượng, bố trí sắp xếp đội hình, trinh sát nắm địch, học tập kinh nghiệm chiến đấu của các đơn vị bạn, xây dựng phương áu quyết tâm chiến đấu của mình... thì các chiến sĩ Sư đoàn 304 vẫn ngày đêm kiên trì bám trụ đánh địch.

Ngày 19 tháng 5, một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 66 tổ chức phục kích phía tây căn cứ Tà Cơn, bất ngờ chặn đánh diệt một đại đội địch cùng 3 xe M113 khi chúng đang hành quân sục sạo thăm dò lực lượng ta. Tiếp ngay sau đó, địch tập trung hai tiểu đoàn lính thủy đánh bộ càn quét ra hướng tây nam Ché Riêng nhằm đẩy lực lượng ta ra xa. Qua 3 ngày (19, 20, 21) đưa quân ra ngoài căn cứ hoạt động, không những không đẩy lực lượng vây lấn của ta mà số lượng quân bị tiêu hao cứ tăng lên mỗi ngày nên địch lại vội vàng thu quân về cố thủ, dùng hỏa lực pháo binh và không quân tiếp tục đánh phá dữ dội vào các khu vực chốt giữ của ta.

Không cho địch thực hiện chiến thuật co cụm, rúc sâu trong căn cứ cố thủ, Bộ tư lệnh Mặt trận đã quyết định cho các đơn vị tổ chức lực lượng đánh nhỏ kết hợp đánh vừa, tìm mọi cách đánh hữu hiệu nhất để "lôi" địch ra khỏi căn cứ mà tiêu diệt.

Ngày 25 tháng 5, tiểu đoàn 8 Trung đoàn 102 Sư đoàn 308 được Bộ tư lệnh Mặt trận giao nhiệm vụ đánh trận "mở màn" ở Làng Cát, một vị trí án ngữ trên đường 9, cách cầu Rào Quán 1 km về phía Nam. Đây là một cứ điểm vừa xây dựng nên địch chưa có hàng rào dây thép gai, công sự trận địa còn sơ sài..

Sau hai ngày chuẩn bị, ngày 28 tháng 5 tiểu đoàn 8 nổ súng tiến công Làng Cát. Được pháo binh Trung đoàn 66 bắn chế áp mãnh liệt, nên các mũi tiến công của tiểu đoàn 8 đã loại khỏi vòng chiến đấu được hơn 100 tên địch. Tuy nhiên các mũi hướng tiến công của ta không đồng đều, thiếu liên tục, trong khi đó sau giây phút bàng hoàng bọn địch dần dần lấy lại bình tĩnh tập trung hỏa lực cối 106,7 ly, đại liên, M79...đánh trả dữ dội, đồng thời dùng máy bay ném bom Na-pan xuống điểm cao để ngăn chặn các mũi tiến công của ta. Sau 1 giờ chiến đấu ta đã làm chủ được mỏm thấp của điểm cao, nhưng quân số chiến đấu có hạn... trong khi quân địch vẫn tăng cường lực lượng phản kích liên tục nên ta phải chủ động kết thúc trận đánh, đưa tiểu đoàn 8 ra ngoài để củng cố.

Tuy không đánh chiếm dứt điểm được mục tiêu nhưng tiểu đoàn 8 đã thực hiện được nhiệm vụ "châm ngòi" tạo đà cho Trung đoàn 102 tiếp tục mở trận tập kích mới.

Về phía địch, sau khi bị đánh đòn ngày 28 tháng 5, chúng vội vàng tăng cường một đậi đội lính thủy đánh bộ, hỏa lực và phương tiện chiến tranh, khẩn trương củng cố trận địa, công sự cho khu vực phòng thủ Làng Cát, quyết tâm giữ cho được sự thông thương trên đường 9.

Biết địch đã tăng quân cho điểm cao Làng Cát, nhưng ngày 31 tháng 5 Trung đoàn 102 vẫn kiên quyết cho tiểu đoàn 7 mở trận tập kích đánh chiếm điểm cao lần thứ 2. Do cả hai bên đều quyết tâm thực hiện cho được mục đích của mình nên cuộc đọ sức ở điểm cao Làng Cát lần thứ hai diễn ra vô cùng ác liệt.

Ngoài việc sử dụng sức mạnh của máy bay, pháo binh, địch đã chủ động chia lực lượng ra thành nhiều mũi phản kích liên tục, quyết đẩy lực lượng tiến công của ta ra xa. Việc giành giật từng tấc đất trên điểm cao giữa ta và địch diễn ra suốt một ngày dưới trời nắng nóng như đổ lửa. Nhiều đợt phản kích của địch đã bị ta đẩy lùi. Thấy tình hình bất lợi, địch cho lực lượng từ Tà Cơn ra chi viện, tiếp tục mở các đợt phản kích với quy mô lớn kết hợp với việc dùng bom cháy tiêu diệt đội hình xung phong của ta cơ động trên sườn đồi đầy cỏ tranh. Tuy đã có sự chuẩn bị cho tình huống này, nhưng ta vẫn bị thiệt hại về người và vũ khí. Đến cuối buổi chiều cùng ngày, Bộ chỉ huy Mặt trận đã gửi điện khen ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm của tiểu đoàn 7 và ra lệnh cho đơn vị thu quân kết thúc trận đánh.

Trong khi các Sư đoàn 304 và 308 đẩy mạnh hoạt động ở Tà Cơn, đường 9, Sư đoàn Đồng Bằng cũng vừa chiến đấu tạo thế liên hoàn trên cánh đông vừa nghiên cứu quy luật hoạt động trên sông và cách bố phòng bảo vệ cảng Cửa Việt của địch, chuẩn bị cho đợt tác chiến đánh tàu trên sông Cửa Việt.

Cuối tháng 4 đầu tháng 5, tiểu đoàn 6 và đại đội hỏa lực của Trung đoàn 52 được Trung đoàn 27 Quảng Trị, Đoàn A1 Hải Quân, lực lượng du kích Do Linh phối hợp đã triển khai hệ thống công sự trận địa ở khu vực Xóm Soi, Đại Độ, Thượng Nghĩa sẵn sàng đánh tàu địch trên sông Cửa Việt.
Do sự chuẩn bị chu đáo và sử dụng hỏa lực ĐKZ, cối 82 ly. B40, B41, 12,7 ly... một cách linh hoạt chủ động, nên ta đã đánh chìm được nhiều tàu chở hàng của địch trên sông Cửa Việt, đồng thời đánh bại liên tiếp các cuộc hành quân phản kích của nhiều tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ ở khu vực Xóm Soi, Đại Độ, diệt hàng trăm tên địch, phá hủy nhiều xe bọc thép cùng phương tiện chiến tranh của chúng. Tiêu biểu nhất trong đợt hoạt động tháng 5 của sư đoàn 320 là trận đánh trên khu vực bãi cát Cửa Việt chiều ngày 2 tháng 5, tiểu đoàn 3, tiểu đoàn 6 phối hợp cùng pháo binh và các đơn vị bộ đội địa phương đã đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 2 trung đoàn 4 lính thủy đánh bộ Mỹ.

Được chiến công của bộ đội chú lực cổ vũ, Phân khu đội Quảng Trị đã cho các đội võ trang công tác luồn sâu vào hậu phương địch phát động nhân dân đấu tranh chống phá kế hoạch thanh lọc, kìm kẹp của địch. Ngày 14 tháng 5 năm 1968, giữa lúc bọn bảo an dân vệ tỉnh Quảng Trị đang tập trung gần 1.000 dân xã Triệu Vận (Triệu Phong) thanh lọc, đánh đập dã man hơn 20 người, thì tổ võ trang công tác 2 và du kích Chợ Cạn đã nổ súng nghi binh, kéo địch ra ngoài để bắn tỉa, gây hoang mang cho bọn lính đang thi hành công vụ. Đầu tháng 6 năm 1968, tổ võ trang công tác 1 được du kích xã Triệu Thượng giúp đỡ, phục kích diệt 6 tên ác ôn của tiểu khu Quảng Trị.

Phát huy thắng lợi vừa giành được, ngày l5 tháng 6, tổ công tác 1 cùng du kích xã Hải Hoà (Hải Lăng) phục kích đường 1, thiêu huỷ 1 xe GMC trong đó có 6 tên lính đi kèm...

Bị ta đánh thiệt hại nặng ở Đông Hà - Cửa Việt, mặt khác lại bị vây hãm ở Khe Sanh như trước ngày chúng mở cuộc hành quân giải tỏa lần 1 đặc biệt là phát hiện thấy lực lượng mới - Sư đoàn 308 của ta xuất hiện ở đường 9; Bộ chỉ huy sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ đã đưa trung đoàn 4 (thiếu 1 tiểu đoàn), tiểu đoàn 1 trung đoàn 9 tổ chức hành quân giải tỏa Khe Sanh lần thứ 2 với mật danh "Xcốt-len II".

Ngày 1 tháng 6 năm 1968 địch tăng cường các hoạt động trinh sát dọc tuyến đường 9 và khu vực nam Khe Sanh. Với chiến thuật "trực thăng vận". liên tục trong các ngày 2, 3 tháng 6 địch đã huy động nhiều chục lần chiếc trực thăng chở quân đổ 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, 1 tiểu đoàn pháo binh xuống khu vực Tà Ri, Tà Quan. Tiếp đó, địch đổ 1 tiểu đoàn trung đoàn 9 lính thủy đánh bộ từ Đông Hà xuống Pa Trang, Húc Cốt Giang thực hành đánh chiếm các bàn đạp chuẩn bị cho mục đích hành quân giải tỏa.
Qua mạng lưới tin tức tình báo, trinh sát, Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị đã phán đoán trước được âm mưu và hành động của địch. Ngày 1 tháng 6, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận họp và thống nhất nhận định: Địch tập trung lực lượng lính thủy đánh bộ mở cuộc hành quân "Xcốt-len II" nhằm đối phó với các lực lượng ta đang vây hãm, vây lấn Tà Cơn ngày một siết chặt. Nhưng bên cạnh đó một khả năng nữa cũng có thể xảy ra là: địch mở cuộc hành quân nữa để kéo giãn đột hình vây lấn của ta, tạo điều kiện cho ý định rút bỏ Khe Sanh. Từ những dự kiến phán đoán như vậy, Bộ tư lệnh Mặt trận đã điện khẩn chỉ đạo các đơn vị chủ động triển khai phương án tác chiến đánh địch.

Theo mệnh lệnh chiến đấu, Sư đoàn 308 đảm nhiệm đánh địch ở nam Tà Cơn. Sau khi nhận nhiệm vụ của Mặt trận giao, sư đoàn đã đưa các đơn vị thuộc quyền triển khai đội hình sẵn sàng đánh địch khi chúng bắt đầu đổ quân.

10 giờ sáng ngày 3 tháng 6, sau khi sử dụng pháo binh và máy bay ném bom đánh phá dọn bãi, địch dùng 20 máy bay lên thẳng Si-núc đổ 1 đại đội lính thủy đánh bộ xuống khu vực 2 mỏm đồi Pa Trang. Do tiểu đoàn 8 hành quân chiếm lĩnh sai địa bàn phân công nên địch đổ quân an toàn. Nhưng trong đêm ngày 3 rạng ngày 4, tiểu đoàn 7 đã chia thành nhiều mũi bất ngờ tập kích trận địa địch. Ngay những phút đầu bọn chỉ huy và điện đài liên lạc bị tiêu diệt, nên địch không gọi được pháo binh, bộ binh chi viện. Tiểu đoàn 7 nhanh chóng làm chủ trận địa, chỉ còn một bộ phận nhỏ quân địch rút chạy sang cố thủ ở mỏm đồi bên cạnh.

Cùng thời gian trên, pháo binh Mặt trận đã mở trận tập kích hỏa tiễn dồn dập vào sân bay Tà Cơn, phá hủy một kho đạn và hai máy bay trực thăng.

Cuối ngày 4 tháng 6, địch tiếp tục "trực thăng vận" hai đại đột sở chỉ huy tiểu đoàn lính thủy đánh bộ và một số xe ủi đất xuống Pa Trang.

Không để cho địch được yên ổn xây dựng trận địa. Trung đoàn 102 đã sử dụng tiểu đoàn 9, phân đội đặc công và phân đội cối 82 ly và cao xạ 12.7 ly nhanh chóng triển khai đội hình đánh địch. Suốt ngày 5, bom pháo địch đánh phá không lúc nào ngớt khu vực xung quanh điểm cao Pa Trang. Nửa đêm, địch chuyển đội hình để tránh ta tập kích nhưng bị đại đội 11 và đặc công ta bám đánh diệt khoảng 70 tên.

Ngày 11 tháng 6, địch vội ra lệnh rút Tướng Oét-mo-len về nước và đưa Tướng A.Bram lên làm Tổng tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở Nam Việt Nam. Như vậy cuộc tiến công và nổi dậy Xuân - Hè 1968 trên toàn miền Nam nói chung, trên chiến trường Đường 9 – Khe Sanh nói riêng đã hạ bệ một tư lệnh quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam, gây một tác động rất lớn tới quyết tâm chiến tranh Việt Nam của Nhà Trắng.

Để tiếp tục cuộc hành quân "Xcốt-len II", Cốt-xman, chỉ huy trưởng đã quyết định đánh sâu xuống Phu Nhoi -một vị trí cách Khe Sanh 12 km theo đường chim bay, án ngữ con đường vận chuyển tiếp tế bằng xe cơ giới của ta ở vùng nam Khe Sanh.

Ngày 13 tháng 6, Cốt-xman đã dùng trực thăng đổ một đại đội tăng cường xuống chiếm giữ các điểm cao ở khu vực Phu Nhoi. Rút kinh nghiệm những lần đổ quân trước đây, để đảm bảo an toàn cho lính trong nhiều ngày liền, địch đã liên tục dùng bom, pháo giội xuống các chân điểm cao để ngăn chặn lực lượng ta tiến công. Đặc biệt, đổ quân đến đâu chúng khẩn trương xây dựng hệ thống công sự trận địa, bố trí hệ thống hỏa lực vững chắc ngay đến đó.

Điểm cao Phu Nhoi gồm 3 mỏm đồi thế chân kiềng, mỗi mỏm cách nhau 1 km. Mỏm cao nhất nằm ở phía nam là mỏm 690, gọi là đồi Chóp Nón. Hai mỏm còn lại là mỏm Mâm Xôi và Mỏm Cháy. Địa hình Phu Nhoi rất phức tạp; chân điểm cao là rừng già rậm rạp, khó quan sát, lên cao thưa dần, sát đỉnh là khu vực trống trải do na-pan đốt cháy trụi.

Nhưng do kinh nghiệm phát hiện, phán đoán âm mưu địch dày dạn của Bộ tư lệnh Mặt trận, nên việc địch đổ quân xuống Phu Nhoi đã hoàn toàn không làm cho ta bị bất ngờ. Ngay từ khi Sư đoàn 308 được lệnh vào Khe Sanh chiến đấu, Bộ tư lệnh Mặt trận đã bố trí Trung đoàn 88 ở Tông Cháy, ngay phía Bắc Phu Nhoi, sẵn sàng chiến đấu được ngay nếu địch xuống điểm cao này. Và bây giờ thời cơ diệt địch của Trung đoàn 88 bắt đầu.

Để chủ động đánh địch theo mệnh lệnh của Bộ tư lệnh Mặt trận và sư đoàn, Trung đoàn 88 đã dùng tiểu đoàn 4 thực hành đánh chiếm Phu Nhoi.

Do có điều kiện chuẩn bị chu đáo mọi mặt, cán bộ, chiến sĩ náo nức lập công nên sáng ngày 15 tháng 6, tiểu đoàn 4 đã nổ súng tiến công đúng theo kế hoạch. Sau ít phút chiến đấu, ta chiếm được một mỏm đồi. Trận đánh mỗi lúc thêm ác liệt. Địch liên tục dùng trực thăng chở quân tăng viện và tiến hành phản kích liên tiếp nhiều đợt, kết hợp với hỏa lực pháo binh đánh phá dữ dội vào đội hình xung phong của ta. Nhiều cán bộ và chiến sĩ đã hy sinh. Thấy khả năng kéo dài cuộc chiến đấu cũng không mang lại kết quả như mong muốn, tiểu đoàn 4 được lệnh thu quân rút khỏi điểm cao.

Biết ta lui quân nhưng chỉ huy địch vẫn tiếp tục tăng viện cho Phu Nhoi, đưa tổng số quân ở Phu Nhoi lên 1 tiểu đoàn (thực chất quân số chỉ khoảng hơn 300 tên vì đã bị tiêu hao nhiều trong trận đánh ngày 15 tháng 6).

Phán đoán trận đánh Phu Nhoi có tác động mạnh tới ý chí, tư tưởng của quân Mỹ trên chiến trường Đường 9 - Khe Sanh năm 1968, Bộ tư lệnh Mặt trận đã điện chỉ đạo Sư đoàn 308, trực tiếp là Trung đoàn 88 phải gấp rút ổn định lực lượng, tập trung quân số trang bị đánh Phu Nhoi lần thứ hai càng nhanh càng tốt.

Với kinh nghiệm đúc rút từ trận đánh lần trước, tiểu đoàn 4 Trung đoàn 88 vẫn được giao nhiệm vụ đánh chiếm điểm cao Phu Nhoi lần thứ hai. Để có lực lượng đủ mạnh đảm bảo đánh dứt điểm mục tiêu, tiểu đoàn 4 được tăng cường thêm đại đội 13 tiểu đoàn 6, đại đội 12 tiểu đoàn 9 và tiểu đoàn súng máy phòng không 12.7 ly. Sở chỉ huy Trung đoàn 88 di chuyển đến ngọn đồi kề Phu Nhoi và một đường dây thông tin từ Sở chỉ huy Sư đoàn 308 được nối thẳng xuống Sở chỉ huy tiểu đoàn 4 tạo điều kiện thuận lợi cho chỉ huy chiến đấu.

Ngày 18 tháng 6, sau khi đã cơ bản hoàn thành mọi công tác chuẩn bị theo các mục tiêu phân công, các đại đội tham gia trận đánh Phu Nhoi bắt đầu thực hành tiến công.

Thấy ta xung phong từ nhiều phía lên điểm cao, địch tập trung rất nhiều máy bay trực thăng vũ trang bắn xối xả vào phía trước, phía sau, bên phải và bên trái đội hình tiến quân của ta. Trận địa bị cày xới nham nhở, nhiều mũi xung phong của ta đã bị máy bay địch chặn lại. Một bộ phận hỏa lực bộ binh (trung liên, đại liên...) được lệnh quay sang đánh máy bay lên thẳng thu hút chúng để cho các mũi xung kích tiếp tục xung phong.

Riêng lực lượng cao xạ 12,7 ly của ta phải khó khăn lắm mới cơ động lên chiếm lĩnh được trận địa thích hợp, tuy có chậm hơn so với thời gian quy định nhưng ngay sau khi triển khai đội hình đã thực hiện nhiệm vụ đánh trả máy bay địch rất hiệu quả. Khó khăn trở ngại đã dần được khắc phục, các mũi xung phong của bộ binh ta trên các hướng đã phối hợp với nhau đánh lấn lên quét hết địch trên điểm cao Mâm Xôi.
Nhưng trên hướng Đồi Cháy, đến 9 giờ sáng quân ta vẫn không lên được vì đồi cao, dốc đứng địch lợi dụng thế đánh trả ác liệt, nhiều mũi xung phong của ta bị địch đẩy lùi. Trước tình thế khẩn cấp này trung đội 9 đại đội 13 tiểu đoàn 6 sau khi chiếm lĩnh xong đồi Mâm Xôi đã cơ động gấp sang tăng cường cho lực lượng tiến công Đồi Cháy.

Có thêm lực lượng, ta đã chiếm được nửa mỏm đồi, địch còn giữ nửa phía bên kia. Trận chiến đấu trong thế giằng co nhau rất quyết liệt; địch cố đẩy lùi ta bằng những đợt oanh kích dữ dội của máy bay trực thăng vũ trang, ta cũng kiên quyết kìm đầu quân lính thủy đánh bộ Mỹ bằng những đợt tập kích pháo binh kết hợp xen kẽ với tập kích và bắn tỉa của bộ binh.

Đến quá trưa ngày 18, số lượng quân địch trên điểm cao Phu Nhoi bị loại khỏi chiến đấu quá nửa. Như vậy tiểu đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ ở đây chỉ còn hơn 100 tên đang bị ta bao vây tiến công. Khả năng đặt ra là địch có thể tung quân viện phản kích chiếm lại những vị trí đã mất. Nhưng đến cuối buổi chiều, vẫn không thấy quân tăng viện đến mà chỉ tăng cường phi pháo với cường độ lớn, đánh dồn dập, liên tục vào khu vực xung quanh các mỏm đồi ở Phu Nhoi. Đây là hành động kéo dãn đội hình của ta ra xa để thực hành rút chạy khỏi Phu Nhoi. Trước tình thế chuyển biến mau lẹ, Bộ tư lệnh Mặt trận điện chỉ thị: "ở Phu Nhoi, tiểu đoàn 3 lính thủy đánh bộ đã bị thiệt hại rất nặng, Trung đoàn 88 phải cố tìm mọi cách xóa sổ nó đi".
Nhận được lệnh chỉ đạo của Bộ tư lệnh, toàn bộ các trận địa pháo, súng cối của ta đã cùng lúc tập trung đánh cấp tập vào các vị trí của địch. Bộ binh cơ động chặn các mũi rút quân của địch xuống khu vực chân đồi hòng thoát thân. Cuối buổi chiều, trận đánh của tiểu đoàn 4 Trung đoàn 88 kết thúc thắng lợi. Tiểu đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ đã bị thua nặng ở Phu Nhoi. Cốt-xman, Tư lệnh lính thủy đánh bộ Mỹ đã quyết định "bốc hết lực lượng rải rác ở các điểm cao Kơ Long, Pa Trang, 635... đưa về tăng cường cho đường 9, Nam Tà Cơn và Đông Hà, Cửa Việt. Đây cũng là thời điểm địch kết thúc thảm hại cuộc hành quân giải tỏa Khe Sanh lần 2 - mang tên "Xcốt-len II", hơn 1.000 quân địch bị loại khỏi vòng chiến đấu, 11 máy bay các loại bị phá hủy và bắn rơi, 7 khẩu pháo và cối bị phá hủy, phá hỏng, tiểu đoàn 3 trung đoàn 4 lính thủy đánh bộ Mỹ bị đánh thiệt hại nặng.

Đến đây, Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh đã thực hiện thắng lợi thêm 1 bước nữa trong việc thu hút lực lượng cơ động chiến lược và kìm chân, tiêu hao một bộ phận rất quan trọng quân Mỹ, tạo điều kiện cho các địa phương miền Nam tiến công và nổi dậy lần 2, đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

Cuộc hành quân "Xcốt-len II" kết thúc, lực lượng địch ở Khe Sanh còn lại 5 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, trong đó một bộ phận rải rác dọc đường 9 để bảo vệ cho tiếp tế Tà Cơn và bảo đảm yểm hộ kịp thời, hiệu quả cho việc rút chạy của chúng ra khỏi Khe Sanh khi cần thiết. Trong các ngày 20, 21, 22, 23 và 24 tháng 6, địch tung 3 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ hành quân càn quét ra hướng tây nam cách Cà Lu 2 km, đồng thời rút bớt quân ở một số cứ điểm ngoại vi về Tà Cơn và chuyển một số trang bị vũ khí nặng ra khỏi tập đoàn cứ điểm phòng ngự Tà Cơn.

Phát hiện thấy hành động chuẩn bị cho một cuộc chuyển quân lớn của địch, Trung đoàn 88 và tiếp đó là Trung đoàn 238 bộ đội địa phương Quảng Trị đã bám đánh gây thiệt hại thêm sinh lực và phương tiện chiến tranh cho quân địch.

Trên hướng tây Khe Sanh, Trung đoàn 246 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thay Sư đoàn 304 tiếp tục bao vây kiềm chế quân Mỹ trên các điểm cao 832, 845, 689, liên tục đánh bại các đợt pháo kích, tiêu hao hàng trăm sinh lực địch. Đặc biệt, khi địch tổ chức rút quân về Tà Cơn, Trung đoàn đã vừa thực hành đánh kiềm chế, vừa phối hợp với Trung đoàn 88 Sư đoàn 308 đánh thiệt hại nặng quân địch ở Ku Bốc, 471, Làng Khoai.
Bị thất bại nặng nề trong Xuân - Hè 1968 trên toàn miền Nam, ở Khe Sanh và Đông Hà, Cửa Việt, quân đội Mỹ bị đánh thiệt hại nặng. Riêng ở tập đoàn phòng ngự Khe Sanh, lực lượng lính thủy đánh bộ, kỵ binh không vận và các lực lượng hỗ trợ đã phải chấp nhận sự thật: không thể giữ nổi Khe Sanh. Do vậy, ngày 26 tháng 6, tướng A.Bram đã ra lệnh: Rút bỏ Khe Sanh.

Nhưng thực tế, mang quân vào đã khó, rút quân ra lại càng khó hơn bởi Khe Sanh là một tập đoàn phòng ngự được xây dựng kiên cố, nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại mà lại được đặt trên địa bàn rừng núi. Do vậy, để thực hành rút quân, địch đã phải đồng thời tiến hành đưa quân lùng sục, dùng bom pháo đánh phá dữ dội ở vòng ngoài, cố đẩy lực lượng ta ra xa, vòng trong làm nhiệm vụ thu quân và phương tiện để rút lui.

Tuy cuộc rút quân được sắp đặt rất bài bản, nhưng hầu hết các đợt rút quân của chúng đều bị ta phát hiện và tổ chức chặn đánh rất kịp thời.

Trung đoàn 246 liên tục tổ chức đánh địch rút chạy trên hướng tây, nhưng do lực lượng quá mỏng nên chỉ đánh được bọn rút sau cùng, không đánh được vào quân chủ lực nên không phá vỡ được đội hình rút lui của chúng.

Trên hướng Nam. Trung đoàn 102 đã rút về tuyến sau củng cố, Trung đoàn 88 cũng triển khai lực lượng đón đánh địch trên hướng đường 9, nhưng lực lượng địch quá đông nên chỉ đánh được bộ phận bảo vệ mà không đánh được đội hình rút quân chính của chúng. Riêng lực lượng pháo binh Mặt trận đã tổ chức chặn đánh địch rất hiệu quả vào sân bay Tà Cơn và chặn đánh trên đường bộ gây cho địch nhiều thiệt hại về lực lượng và vũ khí, phương tiện chiến tranh.

Do những hoạt động tích cực của ta nên cuộc hành quân rút chạy khỏi Khe Sanh của địch phải kéo dài gần 20 ngày, đến ngày l5 tháng 7 năm 1968 địch mới rút hết quân về tập trung ở Cà Lu - Tân Lâm. Ta đã làm chủ đường 9 đoạn từ Lao Bảo đến sát Cà Lu (trừ cứ điểm Động Trị), giải phóng toàn bộ khu vực Khe Sanh - một địa bàn chiến lược quan trọng ở phía tây đường 9.

Trong gần 20 ngày đánh địch rút chạy, Sư đoàn 308 và Trung đoàn 246 đã phối hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ loại khỏi vòng chiến đấu 1.333 tên địch, bắn rơi, phá hủy 34 máy bay, 5 khẩu pháo, cối và 5 xe vận tải của địch.

Như vậy, “sau 170 ngày đêm chiến đấu liên tục, vô cùng anh dũng và quyết liệt, quân giải phóng Mặt trận Khe Sanh đã chiến thắng oanh liệt, đập tan một ý đồ ngông cuồng và ngoan cố của giặc Mỹ tại chiến trường Đường 9- Bắc Quảng Trị, buộc chúng phải chịu thất thủ Khe Sanh" (Chú thích: Thông báo của Bộ tư lệnh Mặt trận B5 ngày 11 tháng 5 năm 1968, dẫn theo Sư đoàn Quân tiên phong, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 1979, tr. 111.).

Nhận định về sự kiện này, đài phát thanh BBC tối ngày 30 tháng 6 năm 1968 chỉ ra rằng: "Việc rút lui khỏi Khe Sanh không phải đơn giản bỏ rơi một yếu điểm, mà là bỏ rơi một ảo tưởng và một chính sách mà tất cả mọi nỗ lực của Hoa Kỳ đã dựng lên, đã tan rã ra tro như những pháo đài xi măng cốt sắt ở Khe Sanh. Bây giờ Hoa Kỳ muốn có một chính sách "ngồi chờ sung rụng”, một chính sách thụ động và đang đi đến thất bại", "Căn cứ Khe Sanh sẽ được ghi vào lịch sử của cuộc chiến tranh Việt Nam như một trong những nơi được trả giá đắt nhất bằng máu (của Mỹ)".
Thắng lợi ở Khe Sanh của Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị đã thực hiện được nhiệm vụ rất quan trọng đối với phong trào cách mạng miền Nam trong năm 1968 là giam chân, thu hút một bộ phận quan trọng lực lượng tinh nhuệ của địch (quân Mỹ), tạo điều kiện cho toàn Miền thực hiện cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt giành thắng lợi. Đó là, để lập phòng tuyến Khe Sanh địch thường xuyên phải sử dụng 10.000 quân chiếm giữ các mục tiêu ở khu vực lòng chảo này. Nhưng do sự hoạt động mạnh của lực lượng vũ trang Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị, chúng phải huy động tới 50.000 quân hoạt động ở vòng ngoài và tiến hành các. cuộc hành quân giải tỏa. Càng kéo dài thời gian phòng thủ Khe Sanh, sự thiệt hại càng nặng nề, mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán, giữa chiếm đóng và cơ động, giữa cố giữ và rút khỏi Khe Sanh diễn ra ngày càng sâu sắc trong nội bộ chỉ huy quân Mỹ. Do vậy, sự sa lầy ở Khe Sanh đã góp phần kéo theo sự thất bại từng bước của Mỹ - ngụy trên khắp các chiến trường miền Nam trong năm 1968.

Đánh giá thắng lợi Khe Sanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “cuộc thắng lợi của ta ở Khe Sanh tỏ rõ mưu lược và sức mạnh vô địch của quân dân và cán bộ ta, nó góp phần xứng đáng vào thắng lợi to lớn của toàn miền Nam từ đầu xuân đến nay, cùng với những thắng lợi của ta ở các chiến trường khác, nó mở đường cho những thắng lợi to lớn hơn nữa" (Chú thích: Hồ Chí Minh với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1975, tr.489.)

Sau chiến thắng Khe Sanh, Bộ quyết định cho Sư đoan 308 hành quân ra hậu phương miền Bắc để bổ sung lực lượng, vũ khí trang bị và tổ chức huấn luyện bộ đội. Trên chiến trường Bắc Quảng Trị, Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 9 quyết định giao nhiệm vụ cho Sư đoàn Đồng Bằng lật cánh về triển khai lực lượng ở khu vực núi rừng từ Cam Lộ đến nam Hướng Hóa (dọc đường 9), ngăn chặn âm mưu đánh chiếm các điểm cao khống chế bắc đường 9 của Mỹ - ngụy trong mùa mưa 1968.

Trung đoàn 64 trở lại chiếm các điểm cao từ Cam Lộ đến An Thái, liên tục đánh địch trên đường 9. Ngày 5 tháng 8, tiểu đoàn 7 bắn rơi 1 trực thăng, diệt và làm bị thương gần 100 tên địch khi chúng hành quân thăm dò khu vực điểm cao 168. Ngày 7 tháng 8, tiểu đoàn 9 mở trận tiến công đánh thiệt hại nặng 1 đơn vị địch ở Tân Phú Ấp.

Để chủ động đánh địch, tiểu đoàn 8 đưa 1 đại đội ra bố trí ở khu vực đồi chữ Y. Sáng ngày 1 tháng 8, hai chi đoàn xe tăng, xe bọc thép chở 1 đại đội bộ binh Mỹ ra đồi chữ Y để ngăn chặn sự tiến công của ta.

Chờ địch lọt vào khu "quyết chiến điểm", hỏa lực B40, B41, ĐKZ của ta cùng phát hỏa. Sau 15 phút chiến đấu quyết liệt, ta tiêu diệt 6 xe bọc thép, 20 tên địch. Số còn lại hoảng sợ rút lên đồi co cụm gọi viện binh ứng cứu.

Bị đánh ở điểm cao 166, Phú Tân Ấp, đặc biệt là khu vực đồi Chữ Y, Bộ chỉ huy Vùng I chiến thuật cùng bộ tư lệnh sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ rất cay cú. Giữa tháng 8, chúng dùng trung đoàn 9, trung đoàn 26 lính thủy đánh bộ, lữ đoàn 11 và 27 kỵ binh không vận, 3 chiến đoàn xe tăng, mở cuộc hành quân "Lam Sơn 250" đánh phá vùng Cam Lộ - nam Hướng Hóa.

Do chủ động bố trí lực lượng trên những địa bàn hiểm yếu chờ đón đánh địch kịp thời nên liên tiếp trong hai ngày 16 và 17 - 8, tiểu đoàn 7 Trung đoàn 64 đã đánh bại 2 đợt tiến công lấn chiếm các điểm cao 75 và 163, loại khỏi vòng chiến đấu một bộ phận quan trọng sinh lực và bắn rơi 2 máy bay (1 chiếc HU.1A, 1 chiếc AD.6) của địch.

Cùng trong thời gian trên, để thực hiện nhiệm vụ được giao, tiểu đoàn 5 Trung đoàn 52 được tăng cường một bộ phận hỏa lực ĐKZ đã cơ động nhanh chóng chiếm lĩnh dãy điểm cao Khe Sóc, Ba Lào và vận chuyển lương thực, thực phẩm thuốc chữa bệnh lên dự trữ để đảm bảo chiến đấu dài ngày nếu địch tổ chức bao vây điểm cao. Hệ thống công sự trận địa trên đỉnh Khe Sóc và Ba Lào được xây dựng kiên cố và ngụy trang cẩn thận nên tiểu đoàn 7 đã tạo được thế uy hiếp mạnh đối với Tân Lâm.
Ngày 25 tháng 8 sau khi dùng bom đạn đánh phá liên tục xuống khu vực điểm cao không thành công, địch cho 4 máy bay trực thăng đổ quân xuống sườn đông bắc Khe Sóc, hòng "nhảy cóc" chiếm các điểm cao. Bất chấp bom đạn địch đánh phá ác liệt, lực lượng ta bố trí sẵn, nổ súng mãnh liệt vào đội hình địch, hỏa lực ĐKZ bắn cháy 2 trực thăng khi chúng đang đổ quân. Nhiều tên lính địch đã bị tiêu diệt ngay khi vừa bước ra khỏi máy bay. Số sống sót tháo chạy tán loạn vào rừng liền bị ta truy kích tiêu diệt. Nhân đà thắng lợi tiểu đoàn 5 đã cho lực lượng đánh chiếm điểm cao "300 đá" nằm kế cận đường 9. Những ngày sau đó địch dùng đến 3, 4 tiểu đoàn liên tiếp tập kích chiếm các điểm cao nhưng vẫn không thành công.

Giữa tháng 9, địch tập trung 2 lữ đoàn kỵ binh không vận, 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ tổ chức bao vây đội hình chốt giữ khu vực 3 điểm cao của ta. Do vậy ở các điểm chốt Khe Sóc, Ba Lào ta gặp khó khăn nghiêm trọng: thiếu gạo, đạn, thuốc bệnh, thương binh không vận chuyển được... Mặc dù vậy, tiểu đoàn 5 vẫn kiên quyết không bỏ trận địa. Hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ thay phiên nhau đi kiếm rau rừng, bắt cua cá dưới suối nấu ăn thay cơm và chiến đấu giữ vững trận địa chờ tới khi liên lạc được với trung đoàn.

Để chi viện cho các đơn vị phía trước, được sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân khu 4, đảng bộ và nhân dân Quảng Bình đã đưa 6 tiểu đoàn bộ binh, 6 đại đội đặc công, 2 tiểu đoàn phòng không, 3 tiểu đoàn pháo cối, một số lớn thanh niên xung phong và dân công vào đường số 9 thay chân các đơn vị của Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị ra hậu phương củng cố. Kết hợp với Sư đoàn 320 và lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Quảng Trị, các đơn vị vừa vào đã tập kích, phục kích trên đường giao thông, bắn pháo cối vào căn cứ 241, Cồn Tiên, Dốc Miếu; phục kích tàu địch trên sông Cửa Việt gây cho địch nhiều thiệt hạị.

Sang tháng 10 năm 1968, sau khi đã chủ động cản phá được cơ bản cuộc hành quân "Lam Sơn 250” của lính thủy đánh bộ và kỵ binh không vận Mỹ, Sư đoàn 320 được Bộ tư lệnh Mặt trận cho rút quân về tỉnh Hà Tĩnh để củng cố và huấn luyện chuẩn bị cho mùa hoạt động mới. Như vậy bằng các chiến thuật vây hãm, vây lấn các cụm cứ điểm phòng ngự, tập kích, phục kích đánh phá giao thông, đánh bại các cuộc hành quân giải tỏa quy mô vừa và lớn của địch, năm 1968 lực lượng vũ trang đường 9 - Bắc Quảng Trị loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1 vạn tên địch (lúc cao nhất, lực lượng địch tập trung ở đây lên đến hơn 6 vạn tên, chủ yếu là quân chiến đấu Mỹ); bắn rơi, bắn hỏng gần 200 máy bay các loại, bắn cháy, bắn chìm hàng chục tàu xuồng vận tải trên sông, phá hủy phá hỏng hơn 70 xe quân sự, hơn 40 pháo cốt.. thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Bộ Tổng tư lệnh giao, đó là: thực hiện đòn nghi binh chiến lược thu hút giam chân và tiêu hao một bộ phận quan trọng quân chủ lực cơ động của quân đội Mỹ, để quân và dân toàn Miền tiến hành thắng lợi cuộc tiến công và nổi dậy năm Mậu Thân 1968.

Thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968 làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ” tạo ra bước ngoặt quyết định trong chiến tranh.

Để góp phần tạo nên thắng lợi đó, lực lượng vũ trang Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị đã phải chịu một tổn thất khá lớn. Những kinh nghiệm tác chiến được đúc rút qua một năm chiến đấu là những bài học giá trị cho các đơn vị trên Mặt trận nâng cao sức mạnh chiến đấu và phát triển nghệ thuật quân sự, tiếp tục chiến đấu thắng lợi trong những năm tiếp sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét