THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2009

Lời cầu hôn của Đại tướng Văn Tiến Dũng

Người thành cổ Quảng trị

- "Năm 1943, đang là Bí thư Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, ông bị ốm. Tôi ở lại chăm sóc, mua lá về xông, đọc sách báo cho ông nghe. Một hôm, bất ngờ, ông nói "Thôi cậu ở đây rồi cậu lấy tớ đi". Ông ấy là vậy, hiền lành, thẳng thắn, cầu hôn mà nói y như ra lệnh".

Vợ chồng Đại tướng Văn Tiến Dũng. Ảnh do gia đình Đại tướng cung cấp.

Ngay đầu buổi trò chuyện, bà Nguyễn Thị Kỳ, vợ Cố Đại tướng Văn Tiến Dũng đã nói trước rằng, nếu tôi muốn tìm hiểu về cuộc đời Đại tướng, tôi có thể đọc rất nhiều quyển sách về ông. Còn nếu muốn hỏi những kỷ niệm riêng, bà sẽ kể cho nghe, dù ở tuổi gần 90, trí nhớ của bà không còn được như trước.
Và trong căn phòng ở 34 Trần Phú, đã được bà cơi nới thêm làm chỗ tưởng niệm ông, chúng tôi đã được nghe những kỷ niệm rất riêng của ông bà.

Đám cưới chung với vợ chồng ông Hoàng Quốc Việt
Sau khi ông ngỏ lời, tôi đã không đồng ý vì "mới đi hoạt động là đã lấy nhau sợ các anh trên mắng cho" (bà Kỳ bắt đầu đi làm giao liên từ năm 1943). Chúng tôi tìm hiểu thêm khoảng 3 tháng nữa rồi làm đám cưới cũng vào năm đó.
Chúng tôi và vợ chồng ông Hoàng Quốc Việt cùng tổ chức đám cưới một ngày. Đám cưới giản dị lắm. Ngày đó, bữa ăn của nhà chủ thường chỉ có rau muống và nước mắm. Hôm đó, nhà chủ thịt thêm con vịt.
Chúng tôi cùng ngồi ăn cơm và người của TƯ tuyên bố tổ chức đã đồng ý để hai đôi chúng tôi thành vợ chồng.
Đêm tân hôn, ông ấy ở lại với tôi. Hôm sau, ông lại sang bên kia sông chỉ đạo kháng chiến. Mỗi tuần tôi đi lấy tài liêu 2 - 3 lần, nhờ thế cũng được gặp ông.
Cưới nhau rồi nhưng vẫn mỗi người mỗi bờ sông. Tôi nhớ, có lần, nước sông rất to. Đã khuya lắm rồi mà tôi mới đi đến bến đò Tiếu, làng Sen Hồ (Bắc Ninh), phải sang sông mới về đến nhà.
Tôi gọi mãi mà đò không sang, ông bảo, thôi kệ, cứ ở lại (lúc đó làm như vậy là sai nguyên tắc). Thế là hai vợ chồng rải áo tơi ra ngồi và che lưng, đầu che bằng chiếc ô của ông, cứ như vậy cho đến sáng.
Năm 1944, ông bị bắt lần thứ 3, bị tra tấn rất dã man. Năm 1945, Pháp chuyển ông về nhà tù Bắc Ninh, trong khi đó, chúng đã bí mật kết án tử hình ông. Ông đã vượt ngục thành công nhưng sau đó bị ốm một trận rất nặng, phải tạm lánh tại các cơ sở cách mạng ở Đông Anh (Hà Nội). Nhờ sự giúp đỡ của ông Trường Chinh (lúc đó, đang là Tổng Bí thư), vợ chồng tôi mới được gặp nhau.

59 năm, 2 lần cao giọng
Tính ra, tôi và ông ấy sống chung với nhau được 59 năm. Ông rất thương vợ, điềm tĩnh, ít nói, có khách đến nhà cũng để vợ nói, vợ nói sai mới sửa lại. Cả cuộc đời, chỉ có hai lần ông cao giọng với tôi.
Lần thứ nhất vào năm 1946, khi đó ông đang làm việc ở Ban chỉ huy chiến khu 2 đóng ở Sơn Tây. Tôi là Trưởng ban Kinh tế của tỉnh này. Tôi làm sổ sách kế toán bị thiếu 5 đồng, có người phát hiện được báo với ông.
Ông cho gọi tôi đến gặp, rút súng để lên bàn và hỏi: “Cô biết cô có tội gì không?”. Lúc đó, tôi cũng đã biết lý do ông gọi tôi đến nên bảo: “Ông lấy tôi ông không biết hay sao? Tôi trình độ “I tờ”, học hết lớp 7, cộng trừ chưa quen nên mới bị nhầm. Thiếu thì tôi trả”. Vậy mới xong chuyện.
Lần thứ hai là do ông ghen. Vào khoảng năm 1949, tôi đang hoạt động ở Việt Bắc, gần nơi học của lớp cán bộ cấp trung đoàn, trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Ông ấy ở Liên khu 3, đang tổ chức thành lập Đại đoàn 320.
Hồi đó, chỗ tôi ở có nhiều su su, trong khi anh em cán bộ thức ăn rất hạn chế. Vì vậy, tôi mới muối su su rồi mang cho các anh cải thiện.
Một cán bộ tình báo, khi về đồng bằng mới trêu ông ấy rằng: “Anh ở đây, chị ở trên đó, mà chị đẹp như vậy, cẩn thận anh mất vợ”. Ngay lập tức ông ấy cho người đón tôi về, rồi cũng cao giọng hỏi: “Cô biết cô có tội gì không?”
Tôi bảo, tôi chẳng có tội gì cả. Rồi cậu cán bộ kia phải ra giải thích, cậu chỉ đùa ông thôi chứ thực ra không có chuyện gì, ông mới xuôi.

Ông Tướng dốc hết tiền mua sách
Giá sách của ông ấy hiện nay vẫn còn cả trăm cuốn, tôi vẫn giữ y nguyên như ngày ông còn sống. Hồi chuyển nhà từ 26 Hoàng Diệu sang chỗ này, sách của ông đã bị thất lạc nhiều nên mới còn chừng đó.
Ông đọc cả sách truyện như Sông Đông êm đềm, Những người khốn khổ…, cả những cuốn sách lý luận chính trị, triết học, lịch sử… Hai đợt ông đi học chính trị cao cấp ở Nga (từ tháng 3 đến tháng 9, hai năm 1961 - 1962), tiền công tác phí còn được chút nào, ông ấy dành hết để mua sách mang về.
Ông cũng đọc báo hàng ngày, khi ông tuổi cao rồi, ông nhờ chú thư ký đọc cho nghe. Tôi để ý thấy, ông thường gạch chân những tin tức ông quan tâm, rồi ông trầm ngâm suy nghĩ.
Ngày còn ở Hoàng Diệu, chiều chiều nếu không đi công tác là ông lại giục anh em thư kí, bảo vệ cùng hai con Trình, Huấn ra đánh bóng chuyền trên sân nhà. Ông ấy là cây đập chủ công của đội. Có khi còn mời cả anh em trong cơ quan Bộ Tổng sang đánh giao hữu.
Khi đã 70-80 tuổi, ngày nào cũng như ngày nào, ông đạp xe thể thao hai lần, vào sáng và chiều mỗi lần 15 phút. Chiếc xe đạp của ông hiện đã được chuyển sang Bảo tàng Quân Đội.
Năm 2002, 85 tuổi, ông phải nhập viện 108, bác sĩ yêu cầu mổ. Ông ấy đã nói với bác sĩ rằng, cố cho ông thêm một năm nữa để ông sống được cùng tôi tròn 60 năm. Vậy mà không được.
Sau khi ông mất, mấy đứa con trai cũng đi theo ông ấy. Tôi có 5 con mà giờ chỉ còn hai cô con gái.
...
Bà Kỳ kết thúc câu chuyện như vậy. Lúc ấy, giọng bà trùng xuống, đôi mắt bà như hồi tưởng lại quãng thời gian mất mát. Bà nói tiếp với chúng tôi rằng, đó là nỗi buồn lớn nhất trong cuộc đời bà.
Hoàng Hạnh (ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét