THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

THI VÂN YÊN TỬ

SỚM CHIỀU DU NGOẠN CÙNG MÂY NÚI
HOA TRÁI QUA NGÀY TA VỚI TA

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2009

"Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân" bây giờ ra sao?

Người thành cổ Quảng trị

Mỗi khi nhắc đến gia đình họ Ngô, mọi người đều biết cặp Ngô Đình Nhu – Trần Lệ Xuân. Dù đứng trong bóng tối của chế độ Ngô Đình Diệm, nhưng quyền uy lại khuynh đảo cả miền Nam trước năm 1975. Mấy anh chị em ruột nhà Ngô, nay đã về “nước Chúa”, chỉ còn lại bà quả phụ Ngô Đình Nhu, tức Trần Lệ Xuân. Đệ nhất phu nhân, một thời lừng lẫy, ngày nay sống ra sao? 



Lệ Xuân và Phụ nữ bán võ trang (Nguồn: Mõ Hà Nội)

Sau năm 1963, Trần Lệ Xuân cùng các con chuyển về sinh sống tại La Mã, nơi giám mục Ngô Đình Thục đang cư trú. Ngày 13/12/1984, mấy mẹ con bà nhận được tin giám mục Thục từ trần tại Mỹ sau mấy năm bị khủng hoảng tinh thần. Lúc còn ở Việt Nam hay khi sống lưu vong ở nước ngoài, giám mục Ngô Đình Thục lúc nào cũng yêu thương mẹ con bà. Do vậy, ông không chỉ là người thân ruột thịt, mà còn là ân nhân nơi đất khách quê người của Trần Lệ Xuân. Người ta nói, nhà cửa của mẹ con bà ở La Mã đều do ông mua sắm và còn cung cấp cả tiền bạc cho con cái bà ăn học nữa.
Khi được tin giám mục Ngô Đình Thục qua đời, mẹ con bà Nhu định sang Mỹ chịu tang. Nhưng chẳng biết vì sao, có lẽ do xích mích trong gia đình, ông Ngô Đình Luyện, em út trong gia đình họ Ngô đã cấm không cho mẹ con bà sang dự tang lễ.
Gần hai năm sau, ngày 28/7/1986, bà Xuân nhận được điện thoại của em ruột là Trần Văn Khiêm, báo tin cha mẹ ruột là ông bà Trần Văn Chương qua đời, nhưng không rõ nguyên nhân. Sau đó, Khiêm bị cảnh sát FBI bắt, do có liên can đến cái chết của hai người này. Cha mẹ ruột qua đời, bà Nhu cũng không thể qua Mỹ chịu tang.
Đến năm 1990, người em út của Ngô Đình Diệm là Ngô Đình Luyện qua đời tại Paris vì bệnh. Mẹ con bà Nhu cũng không thể đến dự tang, do trước đó có xích mích với nhau. Cuộc đời bà Trần Lệ Xuân, từng chứng kiến 10 đám tang, đều bất đắc kỳ tử của người thân, từng khóc hết nước mắt, nhưng không lần nào được tham dự tang lễ.





Cho đến nay, người ta vẫn đồn đoán: bà Nhu đã lấy chồng, hoặc qua đời từ lâu rồi, vì không ai nghe tin tức. Tất cả đều vô căn cứ. Vào tháng 3/2002, luật sư Trương Phú Thứ có sang Paris chơi, và đã đến thăm bà quả phụ Ngô Đình Nhu, chụp được tấm ảnh của bà. Khi về đến Hoa Kỳ, ông Thứ có viết một bài khá dài về bà.
Luật sư Trương Phú Thứ cho biết: bà Nhu sống một mình trong căn hộ của một tòa nhà mới xây gần tháp Eiffel. Bà có hai căn ở tầng thứ 11, tại một khu vực đẹp và đắt tiền nhất Paris. Bà ở một căn, căn còn lại cho thuê để sinh sống. Đó là nguồn thu nhập duy nhất, đủ để sống, không cần nhờ vả đến các con. Bà sống ẩn dật, âm thầm lẻ loi, đến mức cựu trung tướng quân đội Sài Gòn Trần Văn Trung, rất quen thuộc với cộng đồng người Việt tại Paris, cũng tưởng bà Nhu đang sống ở Italia.

Trần Lệ Xuân và Ngô đình Nhu năm 1962

Bà Nhu tuy đã ngoài 80, nhưng vẫn khỏe mạnh. Bà đi đứng nhanh nhẹn, lưng thẳng, đôi mắt to và sáng. Căn nhà bà Nhu khá tầm thường, với hai phòng ngủ và một phòng khách. Trên tường phòng khách còn treo vài bức ảnh lớn của Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Thục, Ngô Đình Nhu và con gái lớn Ngô Đình Lệ Thủy. Bà Nhu bác bỏ tin đồn chuyện một người Pháp giàu có biếu giám mục Thục số tiền lớn, sau đó ông cho bà để mua căn hộ này. Rồi bà dành dụm thêm để mua căn nữa. Sự thật không phải thế. Bà Nhu trực tiếp nhận được tiền từ một ân nhân ẩn danh. Sau đó bà nhờ một cựu bộ trưởng thời De Gaulle giúp mua cho hai căn hộ này.
Trần Lệ Xuân nói: “Mấy thanh niên Việt Nam mới đến Pháp, bơ vơ, tôi cho tạm trú ở căn hộ này, không lấy tiền nhà và điện nước. Một thời gian sau, họ có thân nhân đón đi hay mua nhà riêng, tôi mới cho một nhà ngoại giao Nhật thuê. Bà còn tiết lộ vị ân nhân đó chính là bà Capici, một phụ nữ Italia từng nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Bà Nhu chưa từng gặp mặt vị ân nhân này, và mãi 4 năm sau khi bà này tạ thế, Trần Lệ Xuân mới biết rõ thân thế và sự nghiệp!
Trên bức tường ngăn phòng khách và nhà bếp, có treo bức ảnh đen trắng “Biệt điện Trần Lệ Xuân” ở Đà Lạt. Bà không hề có ý định trở về thăm Việt Nam. Khi nói về con cái, bà Nhu có vẻ hãnh diện. Con trai lớn là Ngô Đình Trác, tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp, năm nay 57 tuổi, lấy vợ Italia, có 3 con trai, 1 gái. Bà Nhu khoe những đứa cháu nội, con trai ông Trác: Ai cũng cao 1,8 mét, to lớn và rất đẹp trai. Vợ ông Trác thuộc dòng dõi quý tộc, rất giàu có. Ông Trác chế tạo được nhiều nông cụ thích hợp cho canh tác những mảnh đất nhỏ. Gia đình ông có một biệt thự to và đẹp ở nội thành La Mã, có dáng dấp như một tu viện cổ. Bà Nhu từng ở đây nhiều năm, khiến có tin đồn đoán bà sống trong một tu viện Công giáo!
Người con thứ nhì là Ngô Đình Quỳnh cũng đã ngoài 50 tuổi, tốt nghiệp Trường cao đẳng Kinh tế và Thương mại - ESEC. Đây là trường tư thục cao cấp, mức học phí rất lớn. Sinh viên phải thi tuyển gắt gao, nhưng khi tốt nghiệp lại được nhiều cơ quan tài chính quốc tế trọng dụng. Khi Quỳnh học, bà Nhu không đủ tiền học phí để đóng, phải ký giấy xin khất nợ. Hiện ông Quỳnh làm đại diện thương mại cho một công ty Hoa Kỳ ở Bruxelles, thủ đô nước Bỉ. Ông ta không có vợ con, bà Nhu nói: “Nó giống ông bác ruột (Ngô Đình Diệm)”.
Cô gái út, Ngô Đình Lệ Quyên có bằng tiến sĩ luật, Trường đại học Rome. Lệ Quyên là luật sư ngành công pháp quốc tế rất nổi tiếng, nhưng chỉ được mời thỉnh giảng tại Đại học Rome. Lý do: Cô không gia nhập quốc tịch Italia! Luật pháp xứ này không cho phép người không có quốc tịch làm giáo sư chính thức. Lệ Quyên được mời tham dự nhiều hội nghị quốc tế và đã công bố nhiều tham luận xuất sắc. Cô lấy chồng người Italia, nhưng đứa con trai lại lấy họ mẹ: Ngô Đình Sơn, khiến cho bà Nhu rất hãnh diện.
Mỗi sáng sớm, bất kể thời tiết nóng lạnh, bà Nhu đều đi bộ chừng 10 phút đến nhà thờ Saint-Paul dự lễ. Sau thánh lễ, bà ở lại giúp dọn dẹp nhà thờ và xếp đặt trưng bày hoa, nến. Ngày Chủ nhật, bà còn dạy giáo lý cho trẻ con.




Bà Nhu rất ít đi mua sắm. Nói đến áo quần, bà có vẻ đăm chiêu: “Ở Sài Gòn nóng quá, nên tôi mặc áo dài hở cổ, khiến Tổng thống không bằng lòng”. Chiếc áo dài hở cổ được đặt tên “kiểu áo bà Nhu” một thời là mốt thời thượng ở Sài Gòn. Bà nói: “Nhiều khi tôi phải đại diện chính phủ tiếp phu nhân các nước mà chẳng có đồ trang sức nào cả. Có một bà bộ trưởng muốn bán số đá rubi trang sức, tôi xin Tổng thống Diệm số tiền 6 ngàn đồng, để mua lại. Ông bằng lòng, nhưng buộc phải viết giấy biên nhận, ghi đầy đủ lai lịch từng món. Đó là lần duy nhất ông Diệm cho tôi tiền, và bây giờ cũng không còn nhớ chúng thất lạc ở mô!”.
Bà Nhu kể lại: Dịp mùa xuân 1975, hệ thống Đài truyền thanh Mỹ, NBC có xin phỏng vấn 30 phút. Bà chấp nhận và đòi thù lao 10.000 USD và 2 vé máy bay khứ hồi hạng nhất Paris - Washington, để dẫn Lệ Quyên đi thăm ông bà ngoại, Trần Văn Chương. Đó là lần duy nhất bà đi Mỹ và cũng là lần duy nhất bà xuất hiện trên truyền thông quốc tế sau năm 1963. Ngoài ra bà chưa từng gặp gỡ hoặc tiếp xúc với bất kỳ báo chí Việt ngữ dưới bất kỳ hình thức nào.
Bà quả phụ Ngô Đình Nhu đang viết dở một quyển hồi ký bằng tiếng Pháp do chính bà dịch sang tiếng Italia, Anh và Việt Nam. Bà cho biết, chỉ sau khi qua đời sách mới được phát hành


  Quang Hưng


Nguồn:http://www.blogger.com/post-create.g?blogID=6981446080386718103




Biệt điện Trần Lệ Xuân và những điều chưa biết
Đã có hàng trăm bài viết, cuốn sách và công trình nghiên cứu về chế độ gia đình trị ở miền Nam Việt Nam dưới thời Ngô Đình Diệm. Hầu hết những tài liệu đã công bố, đăng tải về lịch sử giai đoạn này đều có đề cập đến cặp vợ chồng "đệ nhất" Ngô Đình Nhu - Trần Lệ Xuân. Tuy nhiên, những thông tin về sự khởi nghiệp của Ngô Đình Nhu và "đệ nhất biệt điện" - nơi hưởng lạc xa hoa lộng lẫy của gia đình họ Ngô ở Đà Lạt thì không hẳn đã nhiều người biết đến. Xin cung cấp thêm những thông tin lý thú tới bạn đọc về nội dung này.

Một góc biệt điện Trần Lệ Xuân lúc mới xây dựng. ( Ảnh tư liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV ).


Đệ nhất biệt điện Lam Ngọc




Thời kỳ gia đình họ Ngô còn thống trị miền Nam, giới tướng lĩnh ngụy quyền và nhiều người dân thượng lưu Sài Gòn biết đến khu biệt điện xa hoa lộng lẫy bậc nhất của gia đình Ngô Đình Nhu - Trần Lệ Xuân ở số 2 Yết Kiêu (phường 5 - Đà Lạt hiện nay). Sau nửa thế kỷ, sự lộng lẫy và vẻ mỹ lệ của khu biệt điện này không hề mất đi.

Khu biệt điện từng được xem là "đệ nhất trời Nam" được khởi công từ năm 1958 có ba toà biệt lập với các tên gọi Bạch Ngọc, Lam Ngọc và Hồng Ngọc. Bạch Ngọc là nơi giải trí của gia đình Trần Lệ Xuân và các tướng tá thời kỳ "Đệ nhất Cộng hòa"; Lam Ngọc dùng làm nơi nghỉ cuối tuần của riêng gia đình Lệ Xuân còn Hồng Ngọc là biệt thự mà "bà Nhu" xây tặng cho Trần Văn Chương, bố đẻ của mình. Lúc khởi công xây dựng cụm biệt điện này, gia đình họ Ngô đang thời kỳ "làm mưa làm gió" ở miền Nam nên Trần Lệ Xuân đã huy động tối đa nhân, vật lực và tinh hoa kiến trúc nhân loại để thể hiện đến đỉnh cao uy quyền và sự giàu sang phú quý của chủ nhân. Nội thất của tất cả các biệt thự trong tổng khuôn viên 13.000m2 có đầy đủ phòng làm việc, hội họp, phòng khiêu vũ. Ngoài sân có hồ bơi nước nóng, vọng đài và một vườn hoa do những kỹ sư được thuê từ Nhật Bản sang thiết kế (nên còn gọi là vườn hoa Nhật Bản). Điểm thú vị, độc đáo của vườn hoa Nhật Bản phía sau biệt thự Lam Ngọc là có một hồ sen khi bơm đầy nước trên hồ này sẽ hiện rõ hình địa đồ Việt Nam. Giữa địa đồ thu nhỏ này còn có cả dải phân cách thể hiện Vĩ tuyến 17 chia cắt Bắc - Nam. Giấc mộng bá quyền cuồng loạn và mưu đồ chia cắt vĩnh viễn Tổ quốc Việt Nam đã theo người đàn bà quyền lực bậc nhất miền Nam một thời đến tận chốn hưởng lạc cuối tuần này! Đặc biệt, trong biệt thự Lam Ngọc có hầm trú ẩn được thiết kế bằng thép có thể chống đỡ được sức công phá của đạn B40 và đường hầm thoát hiểm mà cho đến tận ngày nay người ta vẫn chỉ có thể phỏng đoán các đường hầm trong nhà đều dẫn ra sân bay Cam Ly(?).


Biệt thự Lam Ngọc 1 hiện là một trong những điểm tham quan ưa thích của du khách đến Đà Lạt. Ảnh: Sơn Tùng


Cũng chẳng ai còn nhớ Trần Lệ Xuân đã phải bỏ ra bao nhiêu triệu Mỹ kim để xây dựng nên cụm biệt điện đặc biệt này nhưng vẻ đẹp lộng lẫy, tinh tế đến từng cái rãnh thoát nước của khuôn viên thì vẫn trường tồn với thời gian sau gần nửa thế kỷ "triều Ngô" kết thúc. Có lẽ cũng chính vì sự nuối tiếc một thời vàng son ở chốn bồng lai tiên cảnh nên những ngày cuối đời định cư tại Pháp trong sự cô quạnh của tuổi bát tuần, “bà Nhu” vẫn mang theo bên mình tấm ảnh chụp khu biệt điện này chăng?


Và điều ít biết về Ngô Đình Nhu

Khu biệt điện của Trần Lệ Xuân nổi tiếng đến mức sau ngày nền "Đệ nhất Cộng hòa" sụp đổ và anh em Diệm - Nhu chết thảm như một sự trả giá cho những tội ác khét tiếng họ Ngô đã gây ra cho đồng bào miền Nam, hàng nghìn người từ khắp nơi, có cả nhiều người Mỹ đã tìm về Đà Lạt để chiêm ngưỡng khu biệt điện này. Nhiều người cao tuổi tại “thành phố hoa” kể rằng, cùng với sự lộng lẫy, xa hoa, khu biệt điện Trần Lệ Xuân còn được bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt. Suốt những năm dưới thời Ngô Đình Diệm, khu biệt điện này luôn có tới hàng chục cảnh sát ngụy túc trực bảo vệ 24/24 giờ. Một con chim lạ bay vào khu vườn cũng có thể bị bắn chết vì nghi ngờ chim đưa... bom thư! Với hàng núi nợ máu mà chế độ "gia đình trị" Ngô Đình Diệm gây ra cho những người yêu nước ở miền Nam lúc bấy giờ thì sự đề phòng của Trần Lệ Xuân cũng là lẽ thường.



Gia đình Ngô Đình Nhu - Trần Lệ Xuân những ngày ở biệt điện số 2 Yết Kiêu - Đà Lạt (Ảnh tư liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IY.


Sau đó toàn bộ toà biệt điện đã được chính quyền Nguyễn Văn Thiệu sung làm Bảo tàng sắc tộc Tây Nguyên. Tuy nhiên từ sau 1975 và những năm tiếp theo, khu biệt điện "Đệ nhất trời Nam" này đã không ngừng bị xâm hại, xuống cấp. Nhiều tiểu công trình kiến trúc quý giá trong khuôn viên biệt điện bị đập phá, trộm cắp. Những phòng ốc mỹ miều có khi bị người dân tận dụng để... nuôi súc vật. Hồ nước, đài sen dùng làm nơi nuôi cá! Trước khi được trùng tu để làm Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, đi ngang khu biệt điện này người ta vẫn nhận ra sự mỹ miều trên từng lối cỏ nhưng có cảm giác nặng nề, âm khí vì sự hủy hoại của thời gian và con người.


Mộc bản triều Nguyễn lưu giữ tại Trung tâm.

Đầu năm 2007, Bộ Nội vụ đã quyết định đầu tư hơn 53 tỷ đồng trùng tu khu biệt điện Trần Lệ Xuân làm cơ sở cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV. Hiện, trung tâm này đã chính thức đi vào hoạt động. Đây chính là nơi bảo quản, lưu giữ hơn 30.000 mộc bản cực kỳ quý giá của triều Nguyễn mà chính Ngô Đình Nhu những ngày mới tốt nghiệp trường Ecole Nationale des Chartes - trường đào tạo lưu trữ viên cổ tự học danh tiếng của Pháp - đã từng sưu tầm. Theo tiến sĩ Đào Thị Diến (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I), trong công trình nghiên cứu "Ngô Đình Nhu - Nhà lưu trữ Việt Nam thời kỳ 1938 - 1946", tính đến năm 2007, Ngô Đình Nhu là "người Việt Nam đầu tiên và duy nhất tốt nghiệp Trường đào tạo cổ tự viên Ecole Nationale des Chartes”. Hiện nay, trong các chuyên đề lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, có một tiểu chuyên đề về "Ngô Đình Nhu - Nhà lưu trữ". Xét ở khía cạnh văn hóa, đây là điều khá thú vị về Ngô Đình Nhu mà chắc chắn nhiều người chưa được biết đến từ trước tới nay.




Trần Sơn Thiếu Lăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét